“Phòng thí nghiệm Sao Hỏa” di động tối tân trị giá 2,5 tỉ USD của Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Mỹ (NASA) sẽ hạ cánh xuống hành tinh Đỏ vào ngày 6.8 để tìm lời đáp cho câu hỏi “có sự sống ngoài Trái Đất hay không?”.
“Phòng thí nghiệm Sao Hỏa” di động tối tân trị giá 2,5 tỉ USD của Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Mỹ (NASA) sẽ hạ cánh xuống hành tinh Đỏ vào ngày 6.8 để tìm lời đáp cho câu hỏi “có sự sống ngoài Trái Đất hay không?”.
Mặc dù hành tinh Đỏ hiện là nơi khô cằn nhưng các nhà khoa học đã tìm thấy dấu hiệu của nước tại đó. Đây là một gợi ý cho thấy nhiều khả năng sự sống đã từng tồn tại ở hành tinh này.
NASA dự kiến xe tự hành Curiosity, vốn là một phòng thí nghiệm di động được thiết kế để tìm kiếm dấu hiệu sự sống trên bề mặt sao Hỏa, sẽ đổ bộ lên hành tinh này vào 12 giờ 31 phút (giờ Việt Nam) ngày 6.8.
Ảnh đồ họa miêu tả cảnh động cơ phản lực giúp xe tự hành Curiosity hạ cánh
xuống sao Hỏa - Ảnh: NASA
Chiếc xe tự hành này hoạt động bằng năng lượng hạt nhân và là mẫu xe thám hiểm không gian lớn nhất thế giới từ trước đến nay, có kích thước bằng một chiếc xe hơi nhỏ, nặng một tấn.
Xe tự hành Curiosity được trang bị các thiết bị hiện đại, gồm máy cắt đá bằng tia laser, 17 camera, một máy khoan, máy đo phóng xạ, máy quét nhận diện nước và những công cụ xét nghiệm đất đá cũng như kiểm tra các hợp chất có nguồn gốc carbon.
Việc hạ cánh là một vấn đề đầy mạo hiểm khi mà tốc độ hạ cánh dự kiến xuống bề mặt sao Hỏa của xe tự hành Curiosity là 21.240 km/giờ, được giảm tốc bằng dù siêu thanh và sẽ nhẹ nhàng đáp xuống sao Hỏa nhờ một động cơ phản lực.
Hai vệ tinh của NASA sẽ giám sát từ trên không sau khi xe Curiosity hạ xuống hành tinh Đỏ và một vệ tinh khác của Cơ quan Không gian châu Âu sẽ có nhiệm vụ chuyển dữ liệu từ sao Hỏa về Trái Đất.
Xe tự hành Curiosity, hay còn gọi là Phòng thí nghiệm Khoa học sao Hỏa, đã bắt đầu chuyến đi đến hành tinh Đỏ từ hơn 8 tháng trước.
Ông Doug McCuistion, Giám đốc Chương trình Thám hiểm sao Hỏa của NASA khẳng định NASA vẫn sẽ tiếp tục thám hiểm sao Hỏa nếu cuộc hạ cánh lần này thất bại. Ông cũng cho hay chỉ có khoảng 40% các cuộc thám hiểm sao Hỏa bằng vệ tinh trước đây thành công.
Hoàng Uy
Theo Thanhnien