Sự kiện hot
3 năm trước

Ngăn chặn “cuộc đua xuống đáy” về thuế suất ưu đãi giữa các quốc gia

Tại hội thảo: "Thuế tối thiểu toàn cầu và những vấn đề đặt ra với Việt Nam" vừa được tổ chức vào sáng 14/6. TS. Cấn Văn Lực - chuyên gia kinh tế trưởng ngân hàng BIDV đã một số giải pháp và kiến nghị nhằm ngăn chặn cuộc đua xuống đáy về thuế suất ưu đãi giữa các quốc gia.

Theo TS. Cấn Văn Lực, Thuế tối thiểu toàn cầu sẽ góp phần tạo ra một hệ thống thuế có sự phối hợp của nhiều quốc gia và dự kiến sẽ có hiệu lực từ năm 2023. Về tác động đối với kinh tế, đầu tư toàn cầu, việc áp dụng thuế toàn cầu sẽ làm giảm sự cạnh tranh trong thu hút đầu tư tại các quốc gia đang phát triển vốn chủ yếu dựa vào ưu đãi thuế để thu hút đầu tư nước ngoài.

Thue-CVL-TH
TS. Cấn Văn Lực - chuyên gia kinh tế trưởng ngân hàng BIDV

Các quốc gia phát triển có thể là bên hưởng lợi nhiều hơn từ thuế tối thiểu toàn cầu.

Ngoài ra, việc áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu có thể khiến dòng vốn đầu tư trực tiếp toàn cầu (FDI) có những xáo trộn trong ngắn hạn.

Khi có hiệu lực, thuế tối thiểu toàn cầu sẽ có một số tác động nhất định (cả tích cực và tiêu cực) tới Việt Nam. Việc tham gia triển khai thuế tối thiểu toàn cầu góp phần tăng cường hội nhập quốc tế của Việt Nam nói chung, cải cách hệ thống thuế theo hướng phù hợp với thông lệ và chuẩn mực quốc tế nói riêng, cụ thể:

Thứ nhất, tích cực tham gia, thực hiện các công cụ, khuôn khổ pháp lý của OECD sẽ góp phần cải thiện hình ảnh của Việt Nam trong mắt các đối tác, nhà đầu tư quốc tế.

Điều này sẽ góp phần hoàn thiện khung pháp lý về thuế của Việt Nam nói riêng và thúc đẩy sửa đổi chính sách thu hút đầu tư nước ngoài của Việt Nam theo hướng giảm ưu đãi về thuế và tăng cường cạnh tranh bằng môi trường đầu tư, cơ sở hạ tầng, nhân lực...v.v.

Hai là, thuế tối thiểu toàn cầu góp phần tăng nguồn thu từ thuế, hạn chế các hiện tượng trốn, tránh thuế, chuyển giá… của các tập đoàn đa quốc gia tại Việt Nam.

Thứ ba, sức cạnh tranh trong thu hút đầu tư của Việt Nam có thể bị ảnh hưởng trong ngắn hạn khi chính sách ưu đãi thuế thay đổi.

Bốn là, các nội dung về thuế tối thiểu toàn cầu được thống nhất về mặt nguyên tắc song một số nội dung vẫn được bảo lưu và chưa được quy định, hướng dẫn chi tiết có thể khiến hoạt động của các tập đoàn, doanh nghiệp đa quốc gia bị ảnh hưởng.

Bên cạnh đó TS. Cấn Văn Lực đưa ra số kiến nghị sau:

Một là, Chính phủ chỉ đạo Bộ Tài chính, Bộ KH&ĐT cần nhanh chóng rà soát, đánh giá tác động cụ thể, đề xuất phương án phù hợp: Việt Nam có nên áp mức thuế này hay không? Có lộ trình, mức thuế nào khác không? Tổ chức thực hiện thế nào đảm bảo khả thi, hiệu quả và không xảy ra tranh chấp.

Hai là, cơ quan thuế cũng cần rà soát các chính sách phát luật về thuế để trình sửa đổi các quy định, quy trình kê khai thuế phù hợp với tiêu chuẩn hành động của BEPS để ban hành sớm nhất, trước khi BEPS có hiệu lực; đồng thời có kế hoạch truyền thông về các chính sách này; tập huấn cho cán bộ và các doanh nghiệp nắm bắt, thực hiện đúng các điều chỉnh về quy định pháp lý.

Ba là, Việt Nam cần thay đổi chính sách thu hút đầu tư theo hướng tập trung vào nâng cao năng lực cạnh tranh từ các yếu tố như môi trường kinh doanh, nguồn lao động, cơ sở hạ tầng... vốn là các yếu tố cơ bản khi đưa ra các quyết định đầu tư kinh doanh; thay vì hướng tới ưu đãi về thuế, gồm: Chú trọng ổn định kinh tế vĩ mô, nâng cao hiệu quả phối hợp chính sách; Đẩy mạnh cải thiện thực chất môi trường kinh doanh; Thúc đẩy tăng NSLĐ, đóng góp của TFP, nâng cao hiệu quả và sức cạnh tranh của các doanh nghiệp, các ngành và nền kinh tế; Chủ động nâng cao hiệu quả hội nhập kinh tế quốc tế, tạo đòn bẩy cho phát triển kinh tế bền vững.

Bốn là, các Bộ ngành địa phương nâng cao năng lực về chống trốn thuế, quản lý thuế, đồng thời có kế hoạch truyền thông về các chính sách này; tập huấn cho cán bộ và các DN nắm bắt, thực hiện đúng các điều chỉnh về quy định pháp lý.

Năm là cần chủ động sửa đổi ổn định luật thuế, thay đổi chính sách thu hút đầu tư theo hướng tập trung vào nâng cao năng lực cạnh tranh từ các yếu tố như môi trường kinh doanh, nguồn lao động, cơ sở hạ tầng.

"Việt Nam cần phát huy các thế mạnh môi trường chính trị ổn định, vị trí thuận lợi và cơ sở hạ tầng được đầu tư phát triển hoàn thiện, nguồn nhân lực với chi phí ở mức trung bình thấp" TS Cấn Văn Lực chia sẻ thêm.

Tiến Hoàng/KTDU

Từ khóa: