Sự kiện hot
3 năm trước

Ngân hàng Á Châu (ACB) dự kiến phát hành hơn 600 triệu cổ phiếu chia cổ tức năm 2021

Sau khi hoàn tất phát hành, vốn điều lệ của Ngân hàng sẽ tăng thêm 6.755 tỷ đồng, từ 27.019 tỷ đồng lên hơn 33.774 tỷ đồng.

Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB – sàn HOSE) vừa thông qua Nghị quyết HĐQT về phương án chi trả cổ tức bằng cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu.

Cụ thể, nhà bằng dự kiến phát hành gần 675,5 triệu cổ phiếu trả cổ tức với tỷ lệ 25%, tương ứng cổ đông sở hữu 100 cổ phiếu sẽ được nhận 25 cổ phiếu mới. Số cổ phiếu lẻ thập phân phát sinh (nếu có) sẽ được phân phối cho công đoàn ACB, làm nguồn cổ phiếu thưởng cho cán bộ nhân viên ACB.

Sau khi hoàn tất phát hành, vốn điều lệ của Ngân hàng sẽ tăng thêm 6.755 tỷ đồng, từ 27.019 tỷ đồng lên hơn 33.774 tỷ đồng.

Nguồn sử dụng để tăng vốn điều lệ là lợi nhuận có thể sử dụng chia cổ tức sau khi đã trích lập đầy đủ các quỹ và lợi nhuận năm trước còn lại chưa chia với số dư vào cuối năm 2021 đạt hơn 10.295 tỷ đồng.

Tín dụng đến hết quý I/2022 tăng 5,2% so với đầu năm, huy động tăng 1,6%. Tỷ lệ CASA đạt 27% tại thời điểm cuối quý I/2022.

Mảng dịch vụ và bảo hiểm đều tăng trưởng tốt. Thu nhập ngoài lãi đạt khoảng 1.300 tỷ đồng, bancasurance dẫn đầu thị trường. Hiện tỷ lệ CASA của ngân hàng khoảng 24%, với lợi thế về ngân hàng số, mục tiêu cuối năm CASA khoảng 28 - 29% là khả thi.

Trong năm nay ngân hàng phấn đấu tăng trưởng tín dụng đạt 16% (đầu năm Ngân hàng Nhà nước giao chỉ tiêu 10%), phí dịch vụ và banca cũng sẽ tăng trưởng tốt.

Tỷ lệ nợ xấu cải thiện hơn chỉ ở mức 0,74%, bao phủ nợ xấu khoảng 200%. Vừa qua, ACB có trích lập dự phòng khoảng 2.300 tỷ đồng do ảnh hưởng của Covid -19.

Đầu năm 2022, tình hình khách hàng cơ cấu đã cải thiện tốt từ 27.000 tỷ đồng cơ cấu trong năm 2021, đến quý I/2022 chỉ còn 15.000 tỷ đồng, từ đó hy vọng mức hoàn nhập dự phòng sẽ tốt hơn trong năm nay.

Tuy nhiên, trong quý I/2022, tình hình nợ xấu cải thiện về còn 0.74%. Năm qua, tình hình dịch bệnh căng thẳng, nhưng quý I/2022 đã cải thiện tốt, ACB tự tin đã cải thiện nợ xấu dưới 1%. Dự phóng cũng không xấu hơn mức trích lập dự phòng tăng thêm.

Theo ông Từ Tiến Phát, Tổng giám đốc ACB, nếu tình hình khả quan thì khoản này sẽ hoàn nhập và tạo ra một khoảng thu nhập bất thường cho ACB trong năm nay.

Đánh giá về quản trị rủi ro, ông Phát cho biết, ở mảng ngân hàng, từng ngân hàng có khẩu vị rủi ro khác nhau. Riêng với ACB, khẩu vị rủi ro phải đảm bảo tuân thủ cho toàn hàng, do đó sẽ không có ý kiến của một cá nhân nào, vì phải đảm bảo cho khẩu vị chung của cả ngân hàng.

Kế hoạch kinh doanh năm 2022 trình tại đại hội, ACB đặt mục tiêu tổng tài sản tăng 11% lên 588.187 tỷ đồng; Tiền gửi của khách hàng tăng 11% lên 421.897 tỷ đồng; Dư nợ cho vay khách hàng dự kiến tăng 10% lên 398.299 tỷ đồng.

Lợi nhuận trước thuế dự kiến ở mức hơn 15.000 tỷ đồng trước thuế. Kế hoạch phân phối lợi nhuận 2022 (thực hiện trong năm 2023), lãnh đạo ngân hàng trình cổ đông kế hoạch chia tỷ lệ 25% trong đó 15% bằng cổ phiếu và 10% bằng tiền mặt.

Hà Quyên
Theo KTDU

Từ khóa: