Sau khi Ngân hàng Nhà nước cởi van tín dụng tiêu dùng đối với mua, sửa nhà ở, một số nhà băng bắt đầu nới cho vay ở lĩnh vực này, nhưng vẫn áp dụng lãi suất cao kèm một số điều kiện không dễ dàng.
Sau khi Ngân hàng Nhà nước cởi van tín dụng tiêu dùng đối với mua, sửa nhà ở, một số nhà băng bắt đầu nới cho vay ở lĩnh vực này, nhưng vẫn áp dụng lãi suất cao kèm một số điều kiện không dễ dàng.
23% một năm là lãi suất cho vay mua nhà ở của Techcombank áp dụng sau khi van tín dụng tiêu dùng, bất động sản được nới. Mức này vẫn cao so với mặt bằng chung nhưng đã giảm 2-3% so với tháng 9. “Một tháng trước, lãi suất cho vay mua nhà là 21-22% một năm, nhưng cộng thêm phí quản lý tài sản cao nhất là 4% cũng phải lên 25-26%”, nhân viên tín dụng nhà băng này cho biết.
Nhân viên một ngân hàng thương mại cổ phần tại phố Xã Đàn (Hà Nội) cũng cho biết, sau khi Ngân hàng Nhà nước nới cho vay đối với 4 nhóm đối tượng, đơn vị này tiếp tục cho vay tiêu dùng trở lại thay vì kiểm soát. Dù thế, lãi suất chỉ giảm 2% so với trước, là 22% một năm. Theo chị, nếu hồ sơ đầy đủ, chỉ trong 1 tuần, ngân hàng có thể giải ngân.
Trước kia, các khoản vay tiêu dùng tại đây bị hạn chế. Dù người vay chấp nhận lãi suất cao, nhưng khâu duyệt hồ sơ chặt chẽ và khó giải ngân cũng khiến họ khó tiếp cận nguồn vốn. Nhưng gần đây, sau khi Ngân hàng Nhà nước cho phép phát triển tín dụng tiêu dùng đối với nhu cầu sửa, mua nhà, đơn vị này cũng mở cửa hơn với khách, nhân viên này cho biết.
Một số ngân hàng đã nới lỏng điều kiện cũng như nguồn vốn cho vay mua, sửa nhà ở, song lãi suất vấn cao và đi kèm nhiều điều kiện.
Còn "ông lớn" BIDV dù không thông tin cụ thể về lãi suất cũng như hạn mức dành cho các khoản vay mua nhà ở, song cũng tiết lộ sẽ dễ hơn trước, thay vì chỉ tập trung cho sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu. Theo lãnh đạo BIDV, lãi suất cho vay vẫn sẽ ở mức thỏa thuận, nhưng thủ tục và nguồn vốn dành cho nhóm đối tượng vay mua nhà đủ khả năng chi trả sẽ được ưu đãi hơn.
Nới lỏng tín dụng, nhưng hầu hết nhà băng đều yêu cầu người đi vay phải đáp ứng một số điều kiện bắt buộc.
Tổng giám đốc một ngân hàng cổ phần nhỏ tại TP HCM cho hay, đơn vị này sẽ cho vay đối với căn hộ chung cư đã bàn giao nhà, thanh toán xong 95%, chỉ còn 5% chờ lấy sổ đỏ. Mức vay là 100-300 triệu đồng trong 1-3 năm. "Số tiền giải ngân có thể đến 500 triệu đồng nếu vay ngắn hạn dưới 12 tháng, hồ sơ xử lý nhanh trong 1 tuần", ông nói. Trước đó, đơn vị này rất hạn chế đối với khoản vay tiêu dùng.
Còn tại BIDV, được ưu tiên vay tiền là khách mua dự án bất động sản do nhà băng này tài trợ vốn. Lãnh đạo ngân hàng này thừa nhận, đây là cách để thông kênh, đồng thời kiểm soát được tình hình vay nợ. "Bằng cách này, chủ đầu tư sẽ có nguồn tiền để trả nợ ngân hàng, dự án không bị ách tắc, gây lãng phí, khi đó ngân hàng chỉ phải kiểm soát việc cho vay đối với khách hàng cá nhân", ông nói.
Tại Techcombank, người vay tiền cũng phải dùng chính căn hộ định mua để thế chấp. Còn theo một lãnh đạo cấp cao của ABBank, cởi van tín dụng khiến tỷ lệ nợ phi sản xuất xuống thấp, tạo thuận lợi để các ngân hàng, nhất là đơn vị nhỏ nới lỏng cho cá nhân vay mua và sửa chữa nhà trở lại. Ông này thông tin, hiện nay, dư nợ cho vay cá nhân của ABBank đạt gần 300 tỷ đồng, không có nợ quá hạn. "Chúng tôi vẫn đang cân nhắc cho vay mới. Khách hàng sẽ trả nợ bằng tiền lương nhưng tài sản thế chấp là căn hộ vừa mua và đã được bàn giao", ông nói.
Tuy nhiên, cũng có nhà băng cho rằng phần lớn hợp đồng cho vay với cá nhân là có tài sản thế chấp là căn hộ vừa mua khá đảm bảo nên tính rủi ro không đáng lo ngại. Dù vậy, tỷ lệ vay tín chấp (không thế chấp) chỉ nên từ 5-10% trên tổng dư nợ của khu vực khách hàng cá nhân. "Các đối tượng cho vay tín chấp được chọn lọc kỹ và dựa vào các cơ sở đảm bảo như về mức thu nhập hàng tháng, nơi làm việc", lãnh đạo của một nhà băng tại TP HCM nói.
Ông Nguyễn Thanh Toại, Phó tổng giám đốc Ngân hàng Á Châu nhận định, cuối năm, đơn vị nào cũng có nhu cầu tăng trưởng tín dụng nên chủ trương nới tín dụng phi sản xuất của Ngân hàng Nhà nước hoàn toàn hợp lý. Tuy nhiên, trong ngắn hạn, lãi suất vẫn chưa thể giảm. "ACB vẫn cho vay bình thường đối với các nhu cầu tiêu dùng, nhà ở, nhưng lãi suất cao trên 20% một năm", ông cho biết.
Lãnh đạo một ngân hàng khác cũng chia sẻ, khó khăn của nhà băng là không thu hút được vốn gửi vào vì lãi suất huy động 14% kém hấp dẫn, trong khi đây là nguồn chủ yếu để cho vay ra. Với lãi đầu ra phổ biến trên 20% như hiện nay, ông cho rằng, người đi vay không kham nổi. Do vậy, muốn tăng trưởng tín dụng, trên lý thuyết phải tăng lãi suất đầu vào, giảm lãi suất đầu ra, ông nói.
Lãnh đạo một ngân hàng khác cũng thẳng thắn chia sẻ, đây là cách để "cởi trói" cho một số nhà băng đã trót có tỷ lệ tín dụng phi sản xuất vượt 16% nhưng vẫn còn thanh khoản cho vay tiếp. Đồng thời, với quy định mới, những đơn vị đang mấp mé "room" 16% cũng có thể tiếp tục cho vay.
Trước đó, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình cũng cho biết, từ nay đến cuối năm, nếu lạm phát không tăng quá 1%, lãi suất cho vay có thể giảm sâu hơn nữa so với mức trung bình 16-18% một năm như hiện tại.
Tuệ Minh - Lệ Chi
Theo VnExpress