Sự kiện hot
13 năm trước

Ngân hàng cơ cấu lại dịch vụ thẻ

Chi phí cho máy ATM ngày càng tăng trong khi dịch vụ thẻ chưa mang lại lợi nhuận, nhiều ngân hàng đang thay đổi địa điểm lắp đặt máy, liên minh với các ngân hàng khác để giảm chi phí và tăng cường các dịch vụ bán lẻ qua thẻ.

Chi phí cho máy ATM ngày càng tăng trong khi dịch vụ thẻ chưa mang lại lợi nhuận, nhiều ngân hàng đang thay đổi địa điểm lắp đặt máy, liên minh với các ngân hàng khác để giảm chi phí và tăng cường các dịch vụ bán lẻ qua thẻ.

Ngân hàng Eximbank cho biết, đang sắp xếp lại hệ thống máy ATM theo hướng rút bớt máy ở những điểm không hiệu quả, tăng cường thêm máy ở những điểm “nóng”, và quan trọng hơn là đang gia tăng các dịch vụ thẻ. 

Lợi nhuận vẫn âm

Theo thống kê của Công ty cổ phần dịch vụ thẻ Smarlink, đến cuối năm 2011, cả nước có khoảng 15.000 máy ATM với gần 40 triệu thẻ ATM. “Hầu hết mảng dịch vụ thẻ của các ngân hàng hiện nay đều chưa có lợi nhuận”, bà Nguyễn Tú Anh, Tổng giám đốc Smarlink, nhận xét. Bởi chi phí cho hạ tầng máy rất nhiều như tiền mua máy, lắp đặt hệ thống, thuê địa điểm, tiếp quỹ, còn khoản thu được từ dịch vụ ATM hiện nay chủ yếu đến từ rút tiền ngoài hệ thống với mức phí khoảng 3.300 đồng/giao dịch hoặc 1.650 đồng/giao dịch kiểm tra số dư. “Các hoạt động khác chưa kích hoạt hoặc có kích hoạt cũng chưa phải là thường xuyên của dịch vụ thẻ”, bà Tú Anh nói.

Nguồn thu từ ATM chủ yếu là rút tiền ngoài hệ thống. Ảnh: Như Ý

Các ngân hàng khác cũng xác nhận điều này. Theo Eximbank, hiện nay họ không hạch toán riêng chi phí của dịch vụ thẻ, nhưng khẳng định khoảng 10 năm nay, ngân hàng vẫn chưa có lợi nhuận từ dịch vụ này. Bà Phí Thị Phượng, Trưởng Phòng quản lý thẻ Eximbank, cho biết dù hiện nay Eximbank có số máy ATM chưa nhiều (khoảng 300 máy) nhưng chi phí cho hoạt động của hệ thống là rất lớn. “Có những máy phải thuê mặt bằng đến hàng chục triệu đồng nhưng khách hàng giao dịch ít. Ngoài ra, máy ATM nào cũng phải trả tiền bảo vệ, điện, máy lạnh….

Tăng cường bán lẻ qua thẻ

Lãnh đạo các ngân hàng cũng cho biết, sẽ phát triển thẻ và dịch vụ thẻ trong thời gian tới. “Ngân hàng nào cũng muốn bán lẻ, mà cách tốt nhất để bán lẻ là phát triển dịch vụ thẻ”, bà Nguyễn Tú Anh nhận định. 

Hợp nhất 3 công ty chuyển mạch

NHNN đang có ý định đưa 3 mạng gồm Smartlink, Banknetvn và VNBC về một nhà. Nhiều ngân hàng cho biết, việc hợp nhất 3 công ty chuyển mạch này sẽ không ảnh hưởng gì đến chiến lược kinh doanh và phát triển dịch vụ thẻ của họ, vì đây chỉ là cách sắp xếp để dễ quản lý hơn.

Có lẽ vì thế, hàng loạt ngân hàng đang tiến hành đánh giá lại hoạt động của từng máy ATM và đưa ra nhiều chiến lược để phát triển dịch vụ thẻ. Trong quý 1 và 2/2012, hàng loạt ngân hàng như Vietcombank, BIDV, ACB, DongAbank cũng tính toán lại. “Chúng tôi sẽ phân bố lại hệ thống ATM, mỗi điểm sẽ không đặt một máy như hiện nay mà sẽ đặt từ 2 - 4 máy”, bà Lý Thị Ngọc, Phó Tổng giám đốc DongAbank, cho biết. Còn Vietcombank đang đánh giá lại hoạt động hiệu quả của từng máy ATM để đưa ra điểm đặt phù hợp nhất, hoặc phối hợp với một số ngân hàng khác xây dựng các cụm ATM.

Tuy nhiên, sắp xếp lại máy ATM chỉ là bề nổi, cái mà nhiều ngân hàng hướng đến thông qua hoạt động này là tăng cường phát triển dịch vụ thẻ. “Kinh doanh thẻ sẽ phát triển trong tương lai gần. Vì thế, chúng tôi phải cơ cấu lại hệ thống máy ATM theo hướng an toàn, hiệu quả hơn và tập trung phát triển dịch vụ thẻ”, một lãnh đạo Vietcombank cho biết. Từ đầu năm 2012 đến nay, Vietcombank tăng cường phát triển dịch vụ thanh toán nội mạng, liên ngân hàng qua mạng, qua thẻ với hạn mức thanh toán liên tục được tăng lên.

Bên cạnh đó, một số ngân hàng hiện nay còn mở thẻ cho dịch vụ tiết kiệm và thanh toán cùng lúc, cho vay trung hạn qua thẻ… “Năm nay sẽ rất nhộn nhịp về phát triển dịch vụ và sản phẩm thẻ. Đây là một hướng mà nhiều ngân hàng tính đến khi tín dụng bị co hẹp như hiện nay”, phó tổng giám đốc một ngân hàng nhận xét.

Theo Dat Viet


Từ khóa: