Sự kiện hot
5 năm trước

Ngân hàng đua nhau phát hành chứng chỉ tiền gửi, đẩy lãi suất huy động lên tới 10,2%/năm

Bước vào giữa quí III, các ngân hàng bắt đầu nhen nhóm cuộc đua lãi suất huy động qua hình thức phát hành chứng chỉ tiền gửi với lãi suất huy động lên cao kỉ lục đến 10,2%/năm.

Lãi suất chứng chỉ tiền gửi đã lên tới 10,2%/năm - Ảnh 1.
Ảnh minh họa (Nguồn: VietCapitalBank)

Lãi suất chứng chỉ tiền gửi lên mức 10,2%/năm

Mới đây nhất, Ngân hàng TMCP Bản Việt (VietCapitalBank) thông báo phát hành chứng chỉ tiền gửi ghi danh dành cho khách hàng cá nhân và khách hàng tổ chức với lãi suất lên đến 10,2%/năm.

Đây là mức lãi suất huy động tiền gửi cao nhất được công bố chính thức tại các ngân hàng ở thời điểm hiện tại.

Chứng chỉ tiền gửi phát hành có mệnh giá tối thiểu 10 triệu đồng dành cho khách hàng cá nhân và từ 100 triệu đồng trở lên đối với khách hàng tổ chức.

Chứng chỉ tiền gửi sẽ được VietCapitalBank phát hành theo 4 kì hạn gồm 24 tháng, 36 tháng, 48 tháng và 60 tháng. Mức lãi suất áp dụng cho từng kì hạn lần lượt là 9,5%/năm, 9,8%/năm, 10 %/năm và 10,2%/năm. 

Lãi suất chứng chỉ tiền gửi được cố định trong suốt thời hạn gửi và tiền lãi được trả định kì 6 tháng, 12 tháng hoặc cuối kì. Chủ sở hữu được tự do chuyển nhượng hoặc cầm cố chứng chỉ tiền gửi bất cứ lúc nào.

Theo biểu lãi suất đang được niêm yết trên Website, hiện lãi suất huy động tiền gửi tiết kiệm các kì hạn từ 24 đến 60 tháng tại VietCapitalBank đang là 8,6%. Như vậy, so với lãi suất tiền gửi tiết kiệm cùng kì hạn, lãi suất chứng chỉ tiền gửi đang cao hơn từ 0,9 - 1,6%/năm tùy theo từng kì hạn.

Biểu lãi suất ngân hàng Bản Việt mới nhất tháng 8


Nguồn: Website VietCapitalBank
Nhiều ngân hàng "đua" phát hành chứng chỉ tiền gửi lãi suất cao

Kể từ đầu năm tới nay, nhiều ngân hàng đã tung ra các chương trình huy động vốn thông qua phát hành chứng chỉ tiền gửi với mức lãi suất liên tục được đẩy lên cao.

Trong tháng 4, VietABank thông báo phát hành chứng chỉ tiền gửi ghi danh với mức lãi suất lên tới 9,1%/năm dành cho khách hàng cá nhân, lãi trả cuối kì và 8,38%/năm với hình thức nhận lãi hàng tháng. Điều kiện áp dụng là khách mua chứng chỉ tiền gửi tối thiểu 10 triệu đồng, kì hạn 24 tháng.

VIB là một trong những ngân hàng đẩy mạnh huy động trong thời gian gần đây và đang chuẩn bị tung ra chương trình huy động lãi suất tiền gửi với lãi suất lên tới 9,1%/năm, dự kiến vào ngày 20 - 21/8 tại Sở giao dịch.

Trước đó, một số ngân hàng thương mại khác đã phát hành chứng chỉ tiền gửi nhưng lãi suất cũng chỉ ở mức xấp xỉ 9%/năm như BIDV, SHB, MSB, Sacombank, SeABank …

Cụ thể, hồi tháng 3, SHB thông báo phát hành chứng chỉ tiền gửi đợt 1 dành cho khách hàng cá nhân, doanh nghiệp với tổng mệnh giá đợt phát hành là 10.000 tỉ đồng, lãi suất huy động lên tới 8,9%/năm.

Cũng trong quí I, BIDV đã triển khai chương trình chứng chỉ tiền gửi trung dài hạn 2019 dành cho khách hàng cá nhân và tổ chức với ba mức kì hạn gửi lần lượt là 18, 24 và 36 tháng.

SeABank thông báo phát hành chứng chỉ tiền gửi với mệnh giá tối thiểu từ 100 triệu đồng, thời hạn 24 tháng, 36 tháng sẽ được hưởng mức lãi suất tương ứng là 8,4%/năm và 8,6%/năm (cao hơn từ 1,5 – 1,7 điểm % so với tiền gửi tiết kiệm cùng kì hạn).

Tương tự, LienVietPostBank cũng tung ra chương trình huy động vốn bằng chứng chỉ tiền gửi cho các kì hạn 15 tháng, 18 tháng, 24 tháng và 36 tháng với lãi suất lên đến 8,1%/năm (cao hơn lãi suất tiền gửi tiết kiệm cùng kì hạn từ 0,7 – 1%/năm).

Ngân hàng vẫn khát vốn trung và dài hạn

Theo TS. Nguyễn Trí Hiếu, Cố vấn cao cấp Ngân hàng TMCP Quốc Dân (NCB), xu hướng phát hành chứng chỉ tiền gửi của các ngân hàng trong thời gian gần đây xuất phát từ nhu cầu huy động vốn trung và dài hạn.

Theo ông Hiếu, khác với tiền gửi tiết kiệm, chứng chỉ tiền gửi thường có kì hạn huy động từ 2 đến 5 năm. Việc đẩy mạnh phát hành chứng chỉ tiền gửi là dễ hiểu trong bối cảnh quy định về tỉ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung, dài hạn giảm từ 45% về mức 40% sẽ có hiệu lực trong năm nay và rất có thể sẽ bị rút xuống mức 30% theo một lộ trình sắp tới.

Lí giải về nguyên nhân lãi suất huy động chứng chỉ tiền gửi tại Việt Nam thường cao hơn lãi suất tiền gửi tiết kiệm cùng kì hạn, ông Hiếu cho rằng tình trạng này xuất phát từ tính thanh khoản. 

Theo vị chuyên gia này, tại các thị trường tài chính phát triển thường có một thị trường giao dịch chứng chỉ tiền gửi. Do đó, chứng chỉ tiền gửi được mua bán dễ dàng và có tính thanh khoản cao. Dẫn tới lãi suất chứng chỉ tiền gửi tại các nước này thường thấp hơn lãi suất tiền gửi tiết kiệm cùng kì hạn. 

Ngược lại, tại Việt Nam chưa có một thị trường mua, bán loại giấy tờ có giá này. Do đó, việc chuyển nhượng, mua bán chứng chỉ tiền gửi là khá khó khăn. 

Bên cạnh đó, khi người sở hữu chứng chỉ tiền gửi có nhu cầu rút vốn thì buộc phải chờ đến thời điểm đáo hạn. Nếu chứng chỉ tiền gửi chưa đến hạn thanh toán mà người mua có nhu cầu về vốn thì có thể thế chấp chứng chỉ tiền gửi tại ngân hàng phát hành, nhưng mức lãi suất cho vay cũng không hề dễ chịu.

Chính vì vậy, tính thanh khoản của chứng chỉ tiền gửi tại Việt Nam là rất thấp bởi vậy lãi suất chứng chỉ tiền gửi thường cao hơn lãi suất tiết kiệm cùng kì hạn.

Ngoài ra, theo nhận định của một số chuyên gia ngân hàng, so với tiền gửi tiết kiệm truyền thống, huy động bằng chứng chỉ tiền gửi ngân hàng sẽ phải trả một chi phí vốn cao hơn nhưng đổi lại sẽ thu hút một nguồn vốn dài hạn hơn để vừa đảm bảo thanh khoản vừa cơ cấu lại dòng vốn của mình. 

Điều này là cần thiết trong bối cảnh một bộ phận của vốn dài hạn khác của các ngân hàng là vốn tự có đang tăng khá chậm.

Bên cạnh đó, tình trạng tăng trưởng tiền gửi khách hàng của các ngân hàng hiện đang duy trì ở mức thấp hơn so với tăng trưởng cho vay khách hàng là một yếu tố gây áp lực lên thanh khoản trung và dài hạn hệ thống cho các ngân hàng.

Theo số liệu của CTCP Chứng khoán SSI cập nhật từ báo cáo tài chính bán niên của 18 ngân hàng thương mại (NHTM) niêm yết, đến hết tháng 6/2019, cho vay khách hàng tăng 8,2% trong khi tiền gửi khách hàng chỉ tăng 7,4%.

Trong 18 ngân hàng này, ngoại trừ VPBank, Sacombank, VietinBank, Eximbank, NCB và VietBank có mức tăng trưởng huy động cao hơn tín dụng thì tăng trưởng huy động của 12 NHTM còn lại đều thấp hơn tín dụng khá nhiều.

Quốc Thụy

Theo Kinh tế & Tiêu dùng

Từ khóa: