Ba ngân hàng hợp nhất từ SCB, Ficombank và TinNghiaBank, theo đề án hợp nhất và tái cơ cấu sẽ lấy tên là Ngân hàng thương mại cổ phần Sài Gòn (SCB). Cổ phiếu hoán đổi theo tỷ lệ ngang giá 1:1.
Ba ngân hàng hợp nhất từ SCB, Ficombank và TinNghiaBank, theo đề án hợp nhất và tái cơ cấu sẽ lấy tên là Ngân hàng thương mại cổ phần Sài Gòn (SCB). Cổ phiếu hoán đổi theo tỷ lệ ngang giá 1:1.
Theo đề án hợp nhất và tái cơ cấu của ba ngân hàng Sài Gòn, Đệ Nhất và Tín Nghĩa, tên ngân hàng mới sẽ là Ngân hàng thương mại cổ phần Sài Gòn - trùng với tên của ngân hàng lớn nhất trong nhóm hợp nhất. Tên viết tắt là SCB, vốn điều lệ 10.583,8 tỷ đồng. Ngân hàng mới sẽ kế thừa và thực hiện tất cả những hoạt động kinh doanh hiện tại của 3 tổ chức cũ. Trước khi hợp nhất, vốn điều lệ của SCB (cũ) là 4.185 tỷ đồng, TinNghiaBank là 3.339 tỷ đồng và Ficomabank 3.000 tỷ đồng.
|
Tên mới của ngân hàng hợp nhất là SCB. Ảnh: Lệ Chi
|
Theo đề án, các bên thống nhất tỷ lệ hoán đổi cổ phiếu phổ thông của ba ngân hàng trên là 1:1 (mỗi cổ phiếu phổ thông của một ngân hàng sẽ được hoán đổi thành một cổ phiếu của SCB “mới” theo nguyên tắc ngang bằng mệnh giá). Và trong mọi trường hợp không áp dụng chuyển đổi thành tiền.
Tính đến ngày 30/9, tổng tài sản của ba ngân hàng này là 154.000 tỷ đồng, xếp thứ 3 trong hệ thống ngân hàng thương mại cổ phần sau ACB và Techcombank. Tổng mức cho vay và huy động chín tháng đầu năm là 70.104 tỷ đồng và 84.759 tỷ đồng tương ứng, chiếm khoảng 2,7% và 3,8% thị phần trong nước.
Về chất lượng tài sản hiện nay, nợ xấu của Ngân hàng Việt Nam Tín Nghĩa đang ở mức 1,7% tổng tín dụng tại thời điểm 30/9, trong đó, khoảng 374 tỷ đồng là nợ không có khả năng thu hồi chiếm khoảng 89,15%. Trong khi nợ xấu của Ngân hàng Đệ Nhất chiếm khoảng 2,2% vào cuối năm 2010. Cuối cùng, Ngân hàng cổ phần Sài Gòn hiện đang có mức nợ xấu cao nhất, khoảng 12,46% tại thời điểm cuối 2010.
Hiện nay Ngân hàng cổ phần Sài Gòn đang phụ thuộc vào vốn hỗ trợ từ Ngân hàng Nhà nước và vay trên thị trường liên ngân hàng. Tổng vốn huy động từ hai nguồn này đã tăng đáng kể, từ mức 18,9% cuối năm 2010 lên 27,9% vào cuối tháng 9/2011.
Sau khi hợp nhất, ngân hàng mới sẽ áp dụng hệ thống kiểm tra, kiểm soát và kiểm toán nội bộ của SCB cho SCB “mới”. Hợp nhất hệ thống thông tin quản lý và hệ thống truyền dữ liệu SmartBank tiến tới sang hệ thống Corebanking T24 hoặc Flexcube tùy tình hình thực tế. Ngay sau thời điểm hợp nhất có hiệu lực, toàn bộ các lao động có ký hợp đồng lao động với ba ngân hàng trước đó sẽ trở thành lao động của SCB “mới”.
Đồng thời, ngân hàng hợp nhất mới sẽ kế thừa tòan bộ mạng lưới của ba ngân hàng cũ phù hợp với quy định; không chấp thuận việc rút khỏi hợp nhất bất cứ lý do gì; nghiêm cấm việc phân tán tài sản dưới mọi hình thức; không thực hiện việc chia tách cổ phiếu, chia cổ tức bằng cổ phiếu hay làm tăng hay giảm số cổ phiếu và pha loãng giá trị sổ sách của cổ phiếu đang lưu hành.
Đề án hợp nhất sẽ trình Đại hội đồng cổ đông các ngân hàng vào ngày 23/12/2011 tới. Trong đề án cũng nêu rõ, các biến động tài sản trong khoảng thời gian từ 0 giờ ngày 1/10/2011 tới ngày hợp nhất sẽ được các ngân hàng theo dõi riêng và chuyển giao toàn bộ số liệu cho SCB mới. Dự kiến, đề án này sẽ xin chấp thuận cuối cùng của Ngân hàng Nhà nước vào ngày 1/1/2012 và hoàn tất công việc hợp nhất vào quý I/2012.
Lệ Chi
Theo VnExpress