Một loạt ngân hàng đã công kế hoạch năm 2021 với lợi nhận kỳ vọng tăng trưởng ở mức cao. Môi trường lãi suất và triển vọng thu ngoài lãi là cơ sở giúp các nhà băng lạc quan trong hoạt động kinh doanh, bất chấp ảnh hưởng của dịch COVID-19.
Những mục tiêu lợi nhuận lạc qua
Trước thềm đại hội cổ đông, nhiều ngân hàng đã công bố kế hoạch kinh doanh năm 2021 với những con số tăng trưởng lợi nhuận lạc quan.
Mới đây nhất, Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Hà Nội (SHB) đặt mục tiêu tăng trưởng lợi nhuận năm 2021 lên tới 70% khi trong năm trước, con số này chỉ ở mức 8%.
SHB cho biết, trong năm 2021, ngân hàng này sẽ tập trung nguồn lực mạnh mẽ vào những dự án công nghệ nhằm nâng cao trải nghiệm khách hàng cũng như thúc đẩy hiệu quả phân khúc khách hàng mục tiêu. Đặc biệt sau khi đề án sáp nhập Habubank đã cơ bản hoàn tất, SHB chính thức mở ra một giai đoạn mới với nhiệm vụ trọng tâm chỉ còn là phát triển và tăng trưởng.
Không thua kém SHB, Eximbank cũng tự tin đặt mục tiêu tăng trưởng lợi nhuận ở mức 63%, tương ứng đạt 2.150 tỷ đồng.
Trong tài liệu họp đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) thường niên công bố mới đây, VIB đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế trên 7.500 tỷ đồng, tăng 29% so với 2020,
Để đạt được kết quả trên, VIB cho biết sẽ tập trung không chỉ vào mảng tín dụng truyền thống cho vay nhà và ô tô, mà còn vào các mảng thu phí và dịch vụ phi tín dụng, ngân hàng số.
Không chỉ ở nhóm các ngân hàng cổ phần, những "ông lớn" trong ngành cũng rất tự tin về triển vọng lợi nhuận năm nay.
Cụ thể, tại Hội nghị tổng kết hoạt động kinh doanh năm 2020 tổ chức đầu năm nay, lãnh đạo VietinBank cho biết ngân hàng đặt kế hoạch tăng trưởng lợi nhuận riêng lẻ và hợp nhất trước thuế năm 2021 khoảng 10% - 20%.
Còn tại Vietcombank, ngân hàng đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế cho năm nay ở mức 25.200 tỷ đồng, tương đương tăng 12% so với 2020.
Đáng chú ý, trong tài liệu họp ĐHĐCĐ công bố mới đây, ban lãnh đạo BIDV trình cổ đông thông qua kế hoạch kinh doanh năm 2021 với lợi nhuận trước thuế hợp nhất đạt 13.000 tỷ đồng, tức tăng hơn 44% so với mức thực hiện của năm 2020.
Tuy nhiên, BIDV cũng cho biết mục tiêu lợi nhuận cũng phải đảm bảo phù hợp với diễn biến thị trường, năng lực của ngân hàng trước tác động của dịch COVID-19 và sẽ được điều chỉnh trên cơ sở phê duyệt của NHNN.
Theo kết quả cuộc điều tra xu hướng kinh doanh của các tổ chức tín dụng (TCTD) thực hiện vào cuối năm ngoái, có 81% TCTD nhận định tình hình kinh doanh trong năm 2021 sẽ cải thiện hơn so với năm 2020.
Trong đó, hầu hết đều kỳ vọng lợi nhuận trước thuế có thể phục hồi và tăng trưởng khá so với năm 2020.
Đâu là động lực tăng trưởng?
Theo nhận định của công ty chứng khoán BIDV (BSC), những tín hiệu phục hồi tích cực từ tăng trưởng tín dụng quý IV/2020, đặc biệt là cho vay cá nhân và SME, là cơ sở để nhiều ngân hàng kỳ vọng vào một kịch bản tích cực trong năm 2021.
Trong năm 2020, mặc dù trải qua một năm khó khăn do dịch bệnh COVID-19, ngành ngân hàng vẫn ghi nhận những dấu hiệu tích cực.
Thống kê từ báo cáo tài chính quý IV của 27 ngân hàng, tổng lợi nhuận trước thuế của các nhà băng năm 2020 đạt hơn 150.000 tỷ đồng, tăng 13,7% so với năm ngoái. Phần lớn các ngân hàng đều hoàn thành chỉ tiêu đề ra cả năm.
Năm 2021, các chuyên gia của Chứng khoán SSI (SSI Research) ước tính lợi nhuận trước thuế trung bình của nhóm ngân hàng niêm yết sẽ tăng trưởng 21% so với năm 2020.
Trong đó, các ngân hàng quốc doanh ước tính đạt tăng trưởng lợi nhuận trước thuế cao hơn (tăng 30%) so với ngân hàng thương mại cổ phần (tăng 17,2%) do lợi nhuận trước thuế 2020 của các ngân hàng thương mại quốc doanh ở mức thấp (giảm 6% so với 2019).
Theo SSI Research, tăng trưởng thu nhập lãi thuần mạnh mẽ nhờ mở rộng tín dụng và NIM cải thiện là hai động lực tăng trưởng lợi nhuận trước thuế chính trong năm 2021. SSI ước tính thu nhập lãi thuần sẽ tăng 15% trong khi tăng trưởng tín dụng là 12 - 13%.
Ngân hàng sẽ tiếp tục hưởng lợi từ việc chi phí vốn giảm khi lãi suất huy động đã giảm từ 2 - 2,5% vào năm 2020 và mức giảm mạnh diễn ra trong nửa cuối năm 2020.
"Lãi suất huy động sẽ dao động trong biên độ hẹp trong nửa đầu năm 2021 và tăng nhẹ trong nửa cuối năm 2021 do tín dụng tốt hơn. Môi trường lãi suất huy động thấp này sẽ tiếp tục giúp các ngân hàng tiết kiệm chi phí vốn'', SSI Research nhận định.
Đồng quan điểm, các chuyên gia của BSC cũng cho rằng tăng trưởng lợi nhuận của các ngân hàng trong năm nay sẽ đạt mức cao nhờ sự phục hồi của nền kinh tế và kiểm soát tốt chất lượng tài sản sau dịch bệnh.
BSC ước tính lợi nhuận trước thuế toàn ngành sẽ tăng trưởng mạnh ở mức 28%, đóng góp chủ yếu bởi tăng trưởng tín dụng 14% trong năm 2021. Cùng với đó, mặt bằng lãi suất dược dự báo đi ngang và áp lực chi phí dự phòng giảm.
Ngoài ra, một số ngân hàng sẽ tiếp tục triển khai ký kết hợp đồng độc quyền bancassurance, giúp ghi nhận thêm lợi nhuận bất thường lớn từ các khoản phí trả trước.
Theo đó, MSB và HDDank dự kiến sẽ ký kết hợp đồng độc quyền bancassurance. Trong khi nhiều ngân hàng sẽ ghi nhận lợi nhuận bắt đầu từ năm 2021 gồm có ACB, VietinBank, Vietcombank... giúp đóng góp thêm vào thu nhập ngoài lãi cho toàn ngành ngân hàng.
Với góc nhìn thận trọng, Công ty phân tích dữ liệu FiinGroup nhận định các yếu tố hỗ trợ tăng trưởng của nhóm ngân hàng không mang tính "bền vững" và có thể là rủi ro đối với lợi nhuận năm 2021.
Nguyên nhân bởi Ngân hàng Nhà nước đang sửa Thông tư 01 theo hướng siết chặt hơn các quy định về trích lập dự phòng và động thái chấn chỉnh hoạt động kinh doanh bảo hiểm.
Lê Huy
Theo Doanh Nghiệp Niêm Yết