Sự kiện hot
3 năm trước

Ngân hàng lãi nghìn tỉ từ bán bảo hiểm, dư địa bancassurance còn rất lớn?

Bancassurance mang về cho các ngân hàng hàng khoản lãi hàng trăm, nghìn tỉ đồng trong 9 tháng đầu năm. Giới chuyên gia nhận định, bancassurance vẫn còn nhiều dư địa để phát triển, thu hút những khoản đầu tư lớn trong thời gian tới.

Các ngân hàng lãi nghìn tỉ đồng từ bán chéo bảo hiểm - Ảnh 1.
Ảnh minh họa. (Nguồn: Báo Thanh tra).

Những khoản lãi 'khủng'

Bất chấp ảnh hưởng dịch COVID-19, nhiều ngân hàng vẫn ghi nhận những khoản lãi lớn từ hoạt động bán chéo bảo hiểm (bancassurance).

Trong 9 tháng đầu năm, MB ghi nhận 2.135 tỉ đồng lãi thuần từ hoạt động kinh doanh và dịch vụ bảo hiểm, tăng gần 25% so với cùng kì năm trước và đóng góp chiếm gần 86% tổng thu nhập của mảng dịch vụ.

Bên cạnh việc phân phối các sản phẩm bảo hiểm phi nhân thọ của Bảo hiểm Quân đội (MIC), MB đã bắt tay với Tập đoàn Ageas và Muang Thai Life thành lập MB Ageas Life, phân phối các sản phẩm bảo hiểm nhân thọ.

Tuy chưa có số liệu 9 tháng đầu năm nay nhưng theo MB Ageas Life, doanh thu phí bảo hiểm khai thác mới qua kênh bancassurance năm 2019 đạt hơn 1.525 tỉ đồng, chiếm 66% tổng doanh thu từ hoạt động kinh doanh bảo hiểm của công ty.

Tại VIB, bancassurance cũng là động lực tăng trưởng chính của mảng dịch vụ khi đóng góp hơn 50% nguồn thu. Trong ba quí đầu năm, lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh bảo hiểm của VIB đạt gần 822 tỉ đồng, tăng 8,6% so với cùng kì năm trước.

Với việc kí kết hợp tác phân phối bảo hiểm nhân thọ độc quyền với Prudential vào cuối năm 2015, thu nhập bancassurance của VIB đã liên tục tăng trưởng mạnh trong 4 năm qua. Theo chia sẻ của ban lãnh đạo VIB, hiện ngân hàng này sở hữu khoảng 75% thị phần mảng bảo hiểm qua kênh ngân hàng của Prudential. 

Tại VPBank, lãi thuần từ mảng dịch vụ ghi nhận đạt 2.323 tỉ đồng, tăng 19,6%. Trong đó, hoạt động bán bảo hiểm đóng góp khoảng 35% với 792 tỉ đồng.

Thu nhập mảng bancassurance của VPBank được mở rộng nhờ phân phối bảo hiểm nhân thọ cho các phân khúc khách hàng ưu tiên, theo hợp đồng hợp tác độc quyền với AIA Việt Nam từ cuối năm 2017.

Hay tại TPBank, lãi thuần từ hoạt động bancassurance trong 9 tháng đầu năm đạt 390 tỉ đồng, chiếm gần 50% tổng lãi thuần mảng dịch vụ.

Bancassurance cũng đóng góp không nhỏ vào hoạt động dịch vụ của nhiều ngân hàng khác như SHB với 189 tỉ đồng (chiếm 58% lãi thuần dịch vụ); LienVietPostBank với 256 tỉ đồng (chiếm 35,4% lãi thuần dịch vụ),...

Ngân hàng lãi nghìn tỉ đồng từ bán bảo hiểm - Ảnh 2.

Nguồn: Lê Huy tổng hợp từ BCTC các ngân hàng.

Bên cạnh nguồn thu định kì, nhiều ngân hàng còn được nhận hàng nghìn tỉ đồng phí trả trước từ việc kí hợp đồng phân phối bảo hiểm.

Cuối năm 2019, Vietcombank và Tập đoàn Bảo hiểm FWD đã kí kết hợp đồng độc quyền phân phối bảo hiểm mà theo hãng tin Bloomberg, giá trị của thương vụ này lên tới 1 tỉ USD (hơn 23.000 tỉ đồng). 

Trong thương vụ này, hãng bảo hiểm đến từ Hong Kong phải chi trả ngay cho ngân hàng phía Việt Nam 400 triệu USD như một phần của giao dịch chuyển nhượng vốn góp tại liên doanh Vietcombank-Cardif (VCLI).

Cũng theo Bloomberg, TPBank nhận được khoảng 75,3 triệu USD (hơn 1.700 tỉ đồng) từ hợp đồng phân phối bảo hiểm với Sunlife.

Mới đây, ACB đã thực hiện thương vụ độc quyền bancassurance với Sunlife. Giá trị hợp đồng chưa được tiết lộ nhưng theo ước tính của Chứng khoán Bảo Việt, mức phí trả trước mà ACB có thể nhận được là hơn 90 triệu USD (2.100 tỉ đồng). Còn theo giả định của Trung tâm Phân tích Chứng khoán SSI, phí độc quyền trong trường hợp của ACB có thể vào khoảng 2.500 đến 3.000 tỉ đồng.

Dư khai thác bancassurance vẫn còn rất lớn

Theo báo cáo của Vietnam Report, bancassurance được dự báo là kênh tiềm năng với những thương vụ hợp tác qui mô lớn và tỉ trọng trong tổng doanh thu tăng vọt trong thời gian tới .

Các chuyên gia tham gia khảo sát của Vietnam Report nhận định xu hướng phát triển bancassurance sẽ ngày càng nóng hơn và thu hút nhiều khoản đầu tư lớn.

Các ngân hàng đang thu lãi nghìn tỉ đồng từ bán chéo bảo hiểm - Ảnh 2.

Các kênh phân phối bảo hiểm phổ biến nhất. (Nguồn: Vietnam Report).

Vietnam Report cho rằng với sự phát triển ngày càng mạnh mẽ của công nghệ thông tin, việc triển khai bancassurance cần phải được thiết lập dựa trên nền tảng công nghệ hiện đại và những doanh nghiệp mạnh về công nghệ sẽ có ưu thế trong việc triển khai thành công kênh phân phối này.

Tuy nhiên, Vietnam Report nhận định bancassurance hiện vẫn chưa giải quyết tốt hai vấn đề gồm tỉ lệ hủy hợp đồng năm thứ hai của khách hàng cao do nhân viên ngân hàng bị áp chỉ tiêu và mức phí cắt lại cho ngân hàng quá lớn, khiến công ty bảo hiểm không có lời cho các vụ hợp tác này.

Trong báo cáo về ngành ngân hàng gần đây nhất, Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) dự báo phí bancassurance dự kiến sẽ tiếp tục là động lực tăng trưởng thu nhập dịch vụ các ngân hàng nhờ xu hướng gia tăng tỉ lệ người tham gia bảo hiểm và tỉ trọng kênh bancassurance trong tổng thu nhập phí bảo hiểm.

Xu hướng chuyển dịch sang phân phối qua kênh bancassurance đang trở nên rõ ràng hơn trong mảng nhân thọ khi tỉ trọng đóng góp của kênh này trong tổng doanh thu phí bảo hiểm năm tăng nhanh từ 5,9% năm 2019 lên 16,4% năm 2019.

Công ty chứng khoán này cũng kì vọng Vietcombank, ACB sẽ đạt tốc độ tăng trưởng phí bancassurance mạnh mẽ nhờ các thỏa thuận hợp tác bảo hiểm mới kí kết, được hỗ trợ bởi tệp khách hàng lớn và trung thành. Ngoài ra, các ngân hàng như HDBank hay BIDV có thể nhận được khoản phí trả trước lớn khi tìm được đối tác kí kết bảo hiểm độc quyền.

Các ngân hàng đang thu lãi nghìn tỉ đồng từ bán chéo bảo hiểm - Ảnh 3.

Nguồn: VDSC.

Lê Huy

Theo Kinh tế & Tiêu dùng

Từ khóa: