Trong khi DN khó tiếp cận vốn và phá sản hàng loạt thì nhiều ngân hàng vừa công bố lãi lớn, chỉ sau 3 quý đã hoàn thành kế hoạch năm. Một cựu lãnh đạo NHNN đã có lần thừa nhận rằng trong thời kỳ này, DN làm lợi nhuận ngân hàng ăn hết.
Trong khi DN khó tiếp cận vốn và phá sản hàng loạt thì nhiều ngân hàng vừa công bố lãi lớn, chỉ sau 3 quý đã hoàn thành kế hoạch năm. Một cựu lãnh đạo NHNN đã có lần thừa nhận rằng trong thời kỳ này, DN làm lợi nhuận ngân hàng ăn hết.
Hút máu
Hàng loạt ngân hàng đã công bố mức lãi khủng khiếp. Trong hoàn cảnh kinh doanh nhiều khó khăn nhưng các ngân hàng vẫn hoàn thành vượt kế hoạch dự kiến và về đích sớm cả hàng tháng trời.
Có thể kể ra đây các ông lớn kiếm ngàn tỷ như VietinBank lợi nhuận sau thuế quý 3 lên đến 1.394 tỉ đồng, lũy kế chín tháng đầu năm đạt 4.128 tỉ đồng, tăng 49% so cùng kỳ năm 2010. Ngân hàng Vietcombank đạt lợi nhuận sau thuế quý 3 là 1.025 tỉ đồng, lũy kế chín tháng lợi nhuận sau thuế đạt 3.308,6 tỉ đồng. Ngân hàng Sài Gòn Thương Tín cho thấy lãi ròng đạt 456 tỉ đồng, lũy kế chín tháng đạt 1.593 tỉ đồng. Ngân hàng Eximbank cũng lãi ròng 759 tỉ đồng trong quý 3, lũy kế chín tháng 2.028 tỉ đồng. Trong quý 3 Ngân hàng Techcombank đạt 619,22 tỉ đồng lợi nhuận sau, lũy kế chín tháng đạt 1.693,7 tỉ đồng, tăng 42,4% so với cùng kỳ. ACB đạt lợi nhuận sau thuế chín tháng 2.101 tỉ đồng, tăng hơn 15% so với cùng kỳ năm ngoái.
Nhìn nhận trên báo cáo của các ngân hàng cho thấy, các khoản lãi này chủ yếu đến từ hoạt động cho vay. Mặc dù tín dụng tăng thấp, các ngân hàng không sử dụng hết mức 80% nguồn vố khả dụng được phép nhưng lợi nhuận từ lãi cho vay đều tăng từ trên 30%, thậm chí có ngân hàng đến 80%.
Các ngân hàng thừa nhận, lợi nhuận từ hoạt động cho vay đến từ hai đối tượng chính là cho vay trên thị trường liên ngân hàng, kinh doanh và tiêu dùng. Cho vay trên thị trường liên ngân hàng thì đã rõ. Trong thời gian qua, khi hàng loạt ngân hàng khó khăn về thanh khoản, các ngân hàng sẵn có tiền đã tận dụng cơ hội này để cho các ngân hàng nhỏ vay với giá cắt cổ.
Còn cho vay với các đối tượng kinh doanh và tiêu dùng, các ngân hàng cho biết là không nhiều nhưng chuyên gia từ Hiệp hội Đầu tư tài chính nghi ngờ: với lãi suất cho vay dân cư và tiêu dùng lên đến 23 - 25% thậm chí 30% thì khó có thể có tăng trưởng tín dụng tốt vì người dân rất hạn chế vay hơn nữa đây không phải là thế mạnh của các ngân hàng, trong khi đó các khoản cho vay phi sản xuất cũng đang bị không chế giảm dần...
Vì thế, lợi nhuận chủ yếu sẽ đến từ hoạt động cho vay đối với DN. Vì thế, một chuyên gia đã không ngần ngại so sánh ngân hàng được ví là mạch máu, nhưng với thực tế này thì nó đang "hút máu" các DN và hơn thế "hút máu" của cả các ngân hàng.
Như một sự trùng lặp, trong khi công bố lãi lớn thì lãi suất trên thị trường liên ngân hàng đã thêm một đợt sóng tăng cao. Điều này cũng dễ hiểu khi bước vào cuối năm, các ngân hàng đối mặt với yêu cầu đảm bảo các tiêu chuẩn an toàn để báo cao, khó khăn về thanh khoản... nên sẽ buộc phải găm vốn lại cho mình, còn những ai cần vay tất nhiên sẽ chấp nhận với lãi suất cực cao. Đây chính là cơ hội kiếm lợi dẫn đến hiệu quả cao của các ngân hàng lớn.
Ngân hàng được nhiều lãi
Cùng lúc đó, trên thị trường đã xuất hiện những kêu ca về khó khăn vay vốn trên thị trường liên ngân hàng. Cụ thể, từ trung tuần tháng 10/2011, các ngân hàng thương mại lớn áp thêm điều kiện cho vay phải có thế chấp tài sản trên thị trường liên ngân hàng, khác với thông lệ của thị trường này trong suốt những năm qua. Điều này được cho là một nguyên nhân chính khiến cung vốn trên liên ngân hàng khó khăn, nhiều thành viên khó tiếp cận vốn cũng như tạo áp lực đẩy lãi suất lên cao. Trong đó, VCB, một ngân hàng có lãi lớn và nổi tiếng với nguồn vốn dồi dào đã được chỉ tên.
Tuy nhiên, đây chưa phải là tất cả của vấn đề. Trước đó từ cuối tháng 9 cho đến tháng 10, khi thực hiện trần lãi suất 14%, các ngân hàng nhỏ đã cực kỳ khó khăn về thanh khoản và buộc phải cầu cứu các các ngân hàng lớn. Lãi suất đã hanh chóng đẩy lên cao với mức trung bình được công bố đến 19 - 20% nhưng thực tế có ngân hàng phải chấp nhận cái giá 40% cho các khoản vay nóng.
Nhìn nhận về thực tế này, ngay tại cuộc họp giữa các thành viên Hiệp hội ngân hàng, có thành viên đã kêu, sự leo thang lãi suất liên ngân hàng không chỉ là tác động của chính sách, khó khăn thanh khoản của một số thành viên, mà còn có nguyên nhân từ các ngân hàng có vốn tận dùng cơ hội gây sức ép cho ngân hàng nhỏ. Thậm chí, các ngân hàng lớn còn đặt ra các cơ chế mới về thế chấp khiến việc vay mượn khó khăn và đó là cái cớ để đẩy lãi suất cao hơn.
Các ngân hàng lớn có lợi thế huy động vốn, đặc biệt là lợi thế thu hút nguồn vốn của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước. Khi việc đẩy mạnh tín dụng khó khăn, lợi thế vốn đó cần được điều hòa qua thị trường liên ngân hàng thì họ đã tận dụng điều này để kiếm lời. Chính vì thế, đó có thể xem là sự "hút máu" lẫn nhau giữa các ngân hàng.
Trong khi đó, đối với DN thì đã rõ, từ đầu năm lãi suất cho vay đã được các ngân hàng đẩy lên trên 20% đối với các DN. Lãi suất cắt cổ DN không chỉ là tiếng kêu của các nhà sản xuất mà đã trở thành một nhức nhối gây ra đình trện sản xuất, phá sản và nguy cơ kép cho nền kinh tế khi lạm phát chưa qua. Điều này đã được chính các cơ quan chức năng và thậm chí phản ánh trực tiếp lên diễn đàn Quốc hội. Chính vì thế, ngay sau khi nhậm chức mới, tân Thống đốc đã chọn giảm lãi suất là việc làm đầu tiên để ghi dấu ấn điều hành của mình.
Tuy nhiên, cho đến nay, qua hơn 1 tháng thực hiện hạ lãi suất, các ngân hàng cũng mới chỉ hạ suất cho một số đối tượng ở mức 17% - 19% như trong nông nghiệp, xuất khẩu. Còn đa số DN khác vẫn chịu lãi suất cao. Điều này càng trở nên vô lý khi lãi suất đầu vào đã được hạ xuống dưới 14% nhưng lãi suất cho vay vẫn không hề hạ. Cựu lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước bây giờ đang làm việc với cộng đồng DN cũng đã có lần thừa nhận rằng: "Nói thật, thời kỳ này, DN làm lợi nhuận ngân hàng ăn hết".
Gánh nặng đổ về DN và nền kinh tế
Đang vào dịp làm ăn cuối năm, các DN đang hy vọng có thể vớt vát lại một năm khó khăn thì họ lại vướng khó khăn cũ là lãi suất cao. Trao đổi gần đây, đại diện Công ty Thế giới di động cho biết, nguồn vốn cần cho tháng giáp Tết chủ yếu là vốn ngắn hạn. Lãi suất của ngân hàng dù không giảm thì đến thời điểm cần thiết, chúng tôi cũng phải chấp nhận vay để có đủ lượng hàng bán ra khi nhu cầu gia tăng. Vì vậy, hy vọng những tháng tới lãi suất cho vay sẽ giảm khá hơn để hiệu quả kinh doanh của DN gia tăng, bù lại phần nào cho những tháng đầu năm. Công ty Giấy Sài Gòn cho rằng, với lãi suất cao trên 20% như hiện nay, doanh nghiệp khó đạt hiệu quả cao.
Trong khi đó, theo nhiều DN nhỏ, lãi suất mà họ tham khảo tại các ngân hàng vẫn là trên 20%. Không mấy cơ hội tiếp cận lãi suất 19%. Theo nhiều doanh nghiệp, lãi suất cho vay từ ngân hàng phải giảm đồng loạt ở mức phổ biến 17 - 18%/năm thì mới dám vay, bởi điều quan trọng nhất là sức tiêu thụ của thị trường trong nước cuối năm cũng chưa thể dự báo được. Tuy nhiên, nếu vay dự trữ hàng tồn kho quá nhiều thì đôi khi sẽ bị thua lỗ.
Với thực tế kinh doanh cuối năm thiếu vốn, nhiều chuyên gia từ Bộ Tài chính và Bộ Công thương cho rằng, lãi suất cao, thiếu vốn sẽ đẩy giá hàng hóa lên cao. Điều đó đi ngược với mong đợi giảm lãi suất.
Khó khăn với lãi suất không chỉ mới diễn ra mà lãi suất cao đã ép các DN từ đầu năm đến nay. Bộ Công thương đang hết sức lo lăng trước thực tế hàng tồn kho tăng cao và cho rằng, nếu chi phí vốn không giảm, giá sẽ không giảm và DN sẽ khó khăn.
Trong khi đó, hàng chục ngàn DN đã phá sản hoặc dừng sản xuất vì khó khăn mà trong đó chi phí vốn cao là nguyên nhân đầu tiên. Thậm chí, nguy hiểm hơn đã xuất hiện tình trạng DN không sản xuất để chờ thời, có tiền đưa gửi ngân hàng để gửi tiệt kiệm kiếm lời. Đó thực sự là nguy hiểm cảnh báo sự đình trệ sản xuất. Với thực tế này, từ đầu quý 3, không ít chuyên gia tài chính đã đặt câu hỏi: Ngân hàng liệu có thực sự chống lạm phát hay không?
Tất nhiên, khi DN khó khăn thì nền kinh tế khó mà khởi sắc. Đại diện Hiệp hội DN nhỏ và vừa cho rằng, kết quả kinh doanh khả quan của đa phần các NHTM có thể gây ra các nhận xét tiêu cực đặc biệt trong bối cảnh các DN sản xuất, thậm chí cả các tập đoàn kinh tế thời gian gần đây liên tiếp kêu than vì trạng đói vốn, khó tiếp cận vốn vay do lãi suất cao. Nhiều ngân hàng vẫn duy trì mức tăng trưởng đáng kinh ngạc, đối lập với các chính sách tiền tệ tiếp tục bị thắt chặt hơn và tăng trưởng tín dụng bị hạn chế.
Và như thế, những khó khăn hiện nay của nền kinh tế, dù nhiều chuyên gia đã thừa nhận chống lạm phát thì phải lãi suất cao và chấp nhận đánh đổi. Nhưng với thực tế trên thì sự đánh đổi của các DN đã bị người khác hưởng lợi. DN khó khăn, kinh tế bị đình trệ và giảm tăng trưởng, còn ngân hàng vẫn lãi lớn. Đó là điều không thể không đặt vấn đề về trách nhiệm và sự chia sẻ của ngân hàng đối với nền kinh tế trong bối cảnh hiện nay.
Còn đối với các ngân hàng, sự mở rộng tín dụng, chạy theo lãi suất cao cũng để lại nhưng hậu quả đáng lo ngại khi nợ xấu gia tăng. Thực tế, bên cạnh những con số lãi ấn tượng, kết thúc quý 3, nợ xấu của các ngân hàng cũng lộ ra, với xu hướng tăng lên. Đó cũng là sự trả giá của các ngân hàng khi bỏ quên đối tác, người bạn của mình để bằng mọi cách kiếm lợi.
Lê Khắc
Theo VEF.VN