Sự kiện hot
2 năm trước

Ngân hàng mở giúp tiếp cận đa dạng đối tượng khách hàng

Ngân hàng mở (Open Banking) là một mô hình kinh doanh mới và tiềm năng. Theo đó, ngân hàng cho phép bên thứ ba viết ứng dụng và cung cấp dịch vụ từ chính dữ liệu của ngân hàng.

Ngày 16/3, tại Hà Nội đã diễn ra Hội thảo quốc tế “Tiềm năng phát triển ngân hàng mở tại Việt Nam – Những khuyến nghị về chính sách và khuôn khổ pháp lý” do Ủy ban Chính sách thuộc Hội đồng Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam tổ chức.

Toàn cảnh hội thảo. Ảnh: Hiệp hội ngân hàng

Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam Nguyễn Quốc Hùng cho biết, ngân hàng mở (Open Banking) là một mô hình kinh doanh mới và tiềm năng. Theo đó, ngân hàng cho phép bên thứ ba viết ứng dụng và cung cấp dịch vụ từ chính dữ liệu của ngân hàng. Với việc ứng dụng giao diện lập trình (API) - công nghệ cho phép các bên thứ ba truy cập vào dữ liệu mở hay truy cập bảo mật đến các dữ liệu đóng của một tổ chức khi được sự đồng ý của chủ sở hữu dữ liệu và tuân thủ các quy định pháp luật có liên quan. Khi được chia sẻ thông qua Open API, dữ liệu có thể được sử dụng để các công ty Fintech tạo thêm nhiều ứng dụng mới, cung cấp thêm tiện ích cho khách hàng, hỗ trợ khách hàng kiểm soát thông tin cũng như ra quyết định tốt hơn.

Trong mô hình này, ngân hàng sẽ là người cung cấp các dịch vụ thông qua Open API và cùng các đối tác của mình xây dựng một hệ sinh thái nhằm thỏa mãn các yêu cầu của người dùng. Bằng cách khuyến khích các ngân hàng và các bên thứ ba kết nối với nhau thông qua các Open API của ngân hàng, trải nghiệm tài chính của khách hàng có thể được cải thiện mạnh mẽ.
Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam Nguyễn Quốc Hùng nhận định, Open Banking giúp các ngân hàng tiếp cận đa dạng đối tượng khách hàng với chi phí hợp lý thông qua các ứng dụng khác của đối tác, rút ngắn lại quá trình xử lý giao dịch, giảm thiểu các tác vụ thủ công, xây dựng các giải pháp kinh doanh tối ưu và cung cấp được dịch vụ toàn diện, tiện lợi nhất cho khách hàng.
Nền tảng Open banking còn góp phần kết nối và lồng ghép các dịch vụ ngân hàng vào các lĩnh vực của cuộc sống, ví dụ như thanh toán hóa đơn điện nước, viễn thông, thanh toán trong lĩnh vực y tế, giáo dục, dịch vụ công trực tuyến … Ngân hàng có thể tạo ra các sản phẩm dịch vụ mang tính cá nhân hóa, từ đó giữ chân khách hàng và tăng lượng khách hàng thân thiết
Tuy nhiên, ngân hàng mở cũng tồn tại những rủi ro chủ yếu tập trung vào sự cởi mở của mô hình này. Bởi các đối tác cung cấp các kịch bản hợp tác, nhưng có rất ít đầu ra về khả năng cốt lõi để kiểm soát. Vì thế, các ngân hàng đang xem xét và chuẩn bị tốt về việc họ có thể ứng phó với các rủi ro về đầu vào, hiệu ứng cộng hưởng và các vấn đề khó đoán định khác. Sự cần thiết phải xây dựng các cơ chế phát hành và cách ly bảo đảm tính bền vững của API đã được đặt ra.
Bên cạnh đó, Ngân hàng Nhà nước đang dần hoàn thiện các khung pháp lý để quản lý hoạt động số hóa, song thực trạng cho thấy hành lang pháp lý cho việc ứng dụng các nền tảng công nghệ mới còn chưa ổn định. Cụ thể như thông tin dữ liệu khách hàng cấp vĩ mô đang chuẩn hóa, nhưng còn thiếu; tỉ lệ giao dịch offline, giao dịch tiền mặt còn cao, đặc biệt ở các khu vực nông thôn tỉ lệ này ở mức rất cao; nhiều hệ sinh thái được phát triển một cách tự phát và chưa có sự liên thông...
Khắc phục những khó khăn và vướng mắc trên, ông Nguyễn Quốc Hùng cho rằng việc đẩy nhanh hoàn thiện hành lang pháp lý liên quan đến áp dụng công nghệ số, hoàn thiện cơ sở dữ liệu thông tin quốc gia thống nhất, cho phép ngân hàng thương mại được khai thác, phục vụ quá trình cung cấp sản phẩm dịch vụ cho khách hàng là hết sức cần thiết.
"Sự dịch chuyển mô hình kinh doanh ngân hàng từ hệ sinh thái đóng sang hệ sinh thái mở sẽ là bước đột phá quan trọng mang lại nhiều lợi ích hơn cho nền kinh tế, nhưng những rủi ro, thách thức vẫn đi cùng là điều khó tránh. Nhưng đây là xu hướng tất yếu của hoạt động kinh doanh ngân hàng trong thời đại cách mạng công nghệ 4.0. Vì vậy, các ngân hàng thương mại Việt Nam cần chủ động tích cực trong quá trình chuyển đổi, bảo đảm lợi thế cạnh tranh và đáp ứng yêu cầu của lộ trình xây dựng hệ thống ngân hàng số quốc gia. Bên cạnh đó, các cơ quan quản lý cũng cần đẩy nhanh việc hoàn thiện hành lang pháp lý liên quan đến áp dụng công nghệ số trong hoạt động ngân hàng", ông Nguyễn Quốc Hùng nói.
Tiến sĩ Cấn Văn Lực, Kinh tế trưởng Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) cũng cho rằng, vẫn còn nhiều vấn đề đặt ra đối với ngân hàng số như lợi ích mang đến cho nền kinh tế, khung phát lý, cũng như lộ trình hoàn thiện nên như thế nào. Đặc biệt là và sự chung tay của các bộ, ngành liên quan, của bản thân các trung gian tài chính, khách hàng với ngân hàng mở./.

Thùy Dương
Theo bnews.vn

Từ khóa: