Theo Tập đoàn Bảo hiểm tiền gửi liên bang Mỹ (FDIC), trong quý 3/2011, các ngân hàng Mỹ đã đạt mức lợi nhuận tốt nhất trong vòng hơn bốn năm qua và số ngân hàng thuộc diện "có vấn đề" cũng giảm trong hai quý liên tiếp.
Theo Tập đoàn Bảo hiểm tiền gửi liên bang Mỹ (FDIC), trong quý 3/2011, các ngân hàng Mỹ đã đạt mức lợi nhuận tốt nhất trong vòng hơn bốn năm qua và số ngân hàng thuộc diện "có vấn đề" cũng giảm trong hai quý liên tiếp.
Ngân hàng Dự trữ liên bang Mỹ
Đây là dấu hiệu cho thấy ngành tài chính - ngân hàng của nền kinh tế đầu tàu thế giới đang phục hồi khả quan sau cuộc khủng hoảng tài chính vừa qua.
Theo báo cáo quý công bố ngày 22/11 của FDIC, tổng lợi nhuận thực của 7.436 ngân hàng và quỹ tiết kiệm trên khắp nước Mỹ trong quý vừa qua là 35,3 tỷ USD, tăng 48,32% so với mức 23,8 tỷ USD của cùng kỳ năm trước. Đây cũng là quý thứ chín liên tiếp ngành ngân hàng Mỹ làm ăn có lãi.
Trong khi đó, tính tới cuối tháng Chín, số ngân hàng thuộc diện "có vấn đề" là 844, giảm nhẹ so với mức 865 ngân hàng cần lưu tâm của ba tháng trước đó. Đáng chú ý đây là lần đầu tiên kể từ quý 3/2006, số ngân hàng trong danh sách này giảm. Trong quý vừa qua, có 26 ngân hàng Mỹ phải tuyên bố phá sản, giảm 15 ngân hàng so với cùng kỳ năm ngoái. Hoạt động cho vay của các ngân hàng chỉ tăng nhẹ 0,3% so với quý trước, chủ yếu là cho vay thương mại (tăng 3,6%).
Các chuyên gia của FDIC đánh giá kết quả này đạt được chủ yếu là do yêu cầu trích dự phòng thua lỗ từ các khoản cho vay xấu giảm. Trong quý 3, khoản trích dự phòng thua lỗ này là 18,6 tỷ USD, giảm 47% so với cùng kỳ năm trước.
Cùng ngày, Ngân hàng Dự trữ liên bang Mỹ (FED) cho biết trong năm 2012 sẽ sát hạch khả năng của 31 ngân hàng lớn nước này trong ứng phó với một cú sốc kinh tế nghiêm trọng. Đây là một phần trong chương trình cải tổ hệ thống ngân hàng tại Phố Uôn (Wall Street) của chính quyền nhằm ngăn chặn nguy cơ xảy ra một cuộc khủng hoảng tài chính mới.
Trong năm 2011, FED đã kiểm tra năng lực tài chính của 19 ngân hàng. Trong năm tới, ngân hàng trung ương Mỹ nhắm tới những thể chế tài chính có giá trị tài sản từ 50 tỷ USD trở lên. Kết quả sát hạch dựa trên những đánh giá về quy mô và cơ cấu của ngân hàng cũng như phạm vi hoạt động và mức độ rủi ro. Sáu ngân hàng lớn nhất sẽ phải công bố mức thua lỗ ước tính trong trường hợp xảy ra một cú sốc thị trường toàn cầu./.
PV
TheoTTXVN/Vietnam+