Sự kiện hot
13 năm trước

Ngân hàng Nhà nước đã rút về 45.000 tỷ đồng

Từ giữa tháng 3/2012 đến nay, Ngân hàng Nhà nước đã rút về 45.000 tỷ đồng qua nghiệp vụ phát hành tín phiếu các kỳ hạn 1, 3 và 6 tháng.

Từ giữa tháng 3/2012 đến nay, Ngân hàng Nhà nước đã rút về 45.000 tỷ đồng qua nghiệp vụ phát hành tín phiếu các kỳ hạn 1, 3 và 6 tháng.

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước khẳng định hoàn toàn đảm bảo được chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng từ 15% - 17% cho năm nay.

Đây là một con số được Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình đưa ra để dẫn chứng cho tình hình thanh khoản “đã cải thiện mạnh mẽ” ở thời điểm này.

Cụ thể, trong quý 1/2011, thanh khoản ngân hàng đã được cải thiện một bước hết sức tích cực. Cân đối giữa nguồn và sử dụng nguồn trong hệ thống cũng đã cải thiện và có sự chênh lệch đáng kể. Thống đốc cho biết, trong quý 4/2011, do khó khăn thanh khoản, các ngân hàng sử dụng nguồn cao hơn nguồn; nay nguồn đã cao hơn sử dụng nguồn khoảng 130.000 tỷ đồng.

Thêm nữa, trước đây lượng tiền gửi của các ngân hàng thương mại tại Ngân hàng Nhà nước trung bình ở khoảng 60.000 tỷ đồng, cao hơn phần dự trữ bắt buộc trung bình khoảng 15.000 - 20.000 tỷ đồng và ổn định từ đầu năm đến nay.

Từ giữa tháng 3/2012, Ngân hàng Nhà nước phát hành tín phiếu với các kỳ hạn 1, 3 và 6 tháng và đã hút về tổng khối lượng 45.000 tỷ đồng. Ở kênh trái phiếu Chính phủ, khối lượng phát hành cũng khá lớn, từ đầu năm đến nay đã khoảng 30.000 tỷ đồng, mà một điều kiện là nguồn vốn của các ngân hàng tham gia phải thuận lợi.

Theo Thống đốc, qua những dữ liệu đó cho thấy thanh khoản hệ thống rất dồi dào. Đây là một điều kiện để tiến hành giảm lãi suất, bên cạnh tín hiệu tích cực tiếp tục được phát đi từ lạm phát.

Ở một khía cạnh khác, lãi suất trong hệ thống liên ngân hàng ổn định ở mức thấp trong suốt ba tháng qua. Lãi suất cho vay qua đêm phổ biến chỉ 6 - 7,5%/năm; theo kỳ hạn tuần và tháng cao nhất cũng chỉ ở mức 12%/năm. So với quý 4/2011, lãi suất trên liên ngân hàng đã giảm 4 - 5%/năm.

Thanh khoản hệ thống đã cải thiện như vậy, lượng vốn hút về lớn như vậy, nhưng tăng trưởng tín dụng vẫn thấp. Về vấn đề này, Thống đốc cũng nhận thấy dư luận vừa qua có sự e ngại.

Ông cho biết, tăng trưởng tín dụng tháng 1/2012 giảm hơn 2% so với cuối 2011; tháng 2 giảm khoảng 0,07%, về cơ bản là cân bằng; đến tháng 3 đã tăng trưởng trở lại với trên 1%; đến 31/3 so với cuối năm 2011 thì giảm hơn 1%.

Một lần nữa người đứng đầu Ngân hàng Nhà nước nhấn mạnh đến yếu tố ảo của tăng trưởng tín dụng cuối 2011, ảnh hưởng đến con số thống kê đầu năm 2012.

“Một số tổ chức tín dụng có hiện tượng tăng ảo, nâng cao khối lượng để lấy chỉ tiêu tăng tín dụng trong năm 2012. Một số tổ chức tín dụng tăng rất mạnh cuối 2011 nhưng lại giảm rất mạnh vào đầu 2012, theo kinh nghiệm của chúng tôi là có yếu tố ảo. Nếu loại trừ yếu tố đó thì chỉ giảm khoảng 0,4%. So với những năm gần đây thì có giảm như không quá lớn và không nghiêm trọng”, Thống đốc Bình nhìn nhận.

Về định hướng thời gian tới, Thống đốc cho rằng các tháng trong năm tăng trưởng tín dụng khoảng 1,5% - 2% thì có thể đạt chỉ tiêu tăng tín dụng năm nay.

“Có ý kiến cho rằng với tình hình này thì không đạt được 15% - 17% và theo đó không hỗ trợ tăng GDP đạt mục tiêu khoảng 6%. Chúng tôi cho rằng chúng ta hoàn toàn có thể đảm bảo được tăng trưởng tín dụng 15% - 17%”, Thống đốc Nguyễn Văn Bình khẳng định.

Nguyễn Hoài
Theo VnEconomy

Từ khóa: