Sự kiện hot
13 năm trước

Ngân hàng Nhà nước: Trần lãi suất sẽ về 12%

Bà Đỗ Thị Nhung, Vụ phó Vụ Chính sách tiền tệ (Ngân hàng Nhà nước) cho biết sẽ điều chỉnh trần lãi suất huy động VND về 12%/năm trong thời gian tới.

Bà Đỗ Thị Nhung, Vụ phó Vụ Chính sách tiền tệ (Ngân hàng Nhà nước) cho biết sẽ điều chỉnh trần lãi suất huy động VND về 12%/năm trong thời gian tới.

Sau khi giảm về 13%/năm, trần lãi suất huy động VND được xác định sẽ tiếp tục điều chỉnh.

Thông tin trên được bà Nhung đưa ra tại hội thảo “Giải pháp vốn cho doanh nghiệp nhỏ và vừa: Góc nhìn từ ngân hàng” do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức sáng 6/4 tại Hà Nội.

Theo bà Nhung, cơ sở cho việc giảm trần lãi suất này là tình hình kinh tế vĩ mô ổn định, đà lạm phát được kiểm soát ở mức thấp trong thời gian qua cũng như tình hình thanh khoản tại các ngân hàng đã và đang được cải thiện đáng kể.

Nhất quán với thông điệp về lãi suất đã được Ngân hàng nhà nước đưa ra trước đó, bà Nhung cho biết, từ nay đến cuối năm, chính sách tiền tệ vẫn sẽ tiếp tục được điều hành một cách linh hoạt. “Nếu điều kiện vĩ mô cho phép, mỗi một quý, lãi suất chính sách sẽ giảm 1%. Đến cuối  năm, mục tiêu có thể hạ lãi suất huy động xuống 10 - 11%/năm, lãi suất cho vay cũng sẽ giảm tương ứng”, bà nói.

Ngân hàng Nhà nước cũng sẽ tiếp tục cung ứng vốn qua thị trường mở và tái cấp vốn để hỗ trợ thanh khoản cho các ngân hàng thương mại, điều hành chính sách tiền tệ linh hoạt để điều tiết vốn từ nơi thừa đến nơi thiếu và tạo điều kiện tối đa để những doanh nghiệp nhỏ và vừa là những đối tượng được ưu tiên về vốn vay.

Một thông tin quan trọng khác cũng được công bố là trong thời gian tới, Ngân hàng Nhà nước sẽ nghiên cứu để áp tỷ lệ với các đối tượng không khuyến khích như cho vay tiêu dùng, đối tượng vay mua nhà ở và loại trừ thêm các đối tượng nằm trong diện này. Điều này có nghĩa là tín dụng sẽ được nới lỏng nhất định.

Trước đó, ngày 13/3, trần lãi suất huy động đã giảm từ 14%/năm về 13%/năm cho kỳ hạn từ 1 tháng trở lên; trần lãi suất huy động kỳ hạn dưới 1 tháng cũng giảm 1% còn 5%/năm.

Liên quan đến vấn đề vốn cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, theo các chuyên gia kinh tế tham gia hội thảo, đây là thời điểm các doanh nghiệp nhỏ và vừa cần nhận được sự trợ giúp về vốn để vượt qua khó khăn.

Bà Nguyễn Thị Mùi, Giám đốc trường đào tạo và phát triển nguồn nhân lực VietinBank nói lâu nay các doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam chiếm tới 97% tổng số doanh nghiệp, sử dụng 50% số lao động và đóng góp tới 40% GDP hàng năm, song chỉ tiếp cận được khoảng 30% vốn của các ngân hàng thương mại. Bất cập này, theo bà Mùi, cần được giải quyết bởi cả ba bên là nhà nước, các ngân hàng thương mại và chính các doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Nhìn rộng ra, chuyên gia kinh tế cao cấp Lê Đăng Doanh nói tình hình kinh tế hiện nay xấu hơn nhiều so với năm 2011 và khu vực doanh nghiệp vừa và nhỏ cũng không là ngoại lệ. Sản lượng công nghiệp giảm, tồn kho nhiều, sức mua giảm và thất nghiệp tăng là những đặc điểm đáng chú ý của năm 2012. "Tôi nói với nhiều anh em doanh nghiệp, tình hình kinh tế thế này, các anh tồn tại được đã là may", ông ví von.

Tuy nhiên, trên thực tế, việc tiếp cận nguồn vốn tín dụng đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ cũng không phải là quá hẹp. Theo bà Nguyễn Thị Mùi, gần đây không ít các ngân hàng thương mại đã coi doanh nghiệp nhỏ và vừa là khách hàng tiềm năng, vì thế đã thiết kế các gói sản phẩm dịch vụ dành riêng cho đối tượng này.

Theo bà Nguyễn Lê Hiền, Trưởng phòng tài trợ thương mại khối doanh nghiệp nhỏ và vừa của Ngân hàng Quân đội (MB), hiện ngân hàng này đang dành một gói tín dụng ưu đãi xuất khẩu lên tới 10 ngàn tỷ đồng cho các doanh nghiệp. Với gói tín dụng này, lãi suất cho vay giảm từ 1 - 1,2% so với quy định và thời hạn áp dụng kéo dài tới hết tháng 12/2012.

Không chỉ có tín dụng ưu đãi, MB cũng đang có những giải pháp và sản phẩm cụ thể để hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu nhằm tháo gỡ khó khăn về vốn cho nhóm đối tượng này.

Hoài Ngân
Theo VNE

Từ khóa: