Theo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, việc phát hành, cung ứng, sử dụng bitcoin và các loại tiền ảo tương tự khác làm phương tiện thanh toán là hành vi bị cấm tại Việt Nam.
Trong thông cáo phát đi ngày 28/10/2017, cơ quan quản lý nhà nước về tiền tệ và hoạt động ngân hàng khẳng định, bitcoin và các loại tiền ảo tương tự khác không phải là phương tiện thanh toán hợp pháp tại Việt Nam.
Việc phát hành, cung ứng, sử dụng bitcoin và các loại tiền ảo tương tự khác làm phương tiện thanh toán là hành vi bị cấm tại Việt Nam.
Việc sử dụng, lưu hành bitcoin trên lãnh thổ Việt Nam là bất hợp pháp, theo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam
Theo khoản 6 điều 4 Nghị định 101/2012/NĐ-CP của Chính phủ về thanh toán không dùng tiền mặt, đã quy định rõ về phương tiện thanh toán gồm: séc, lệnh chi, ủy nhiệm chi, nhờ thu, ủy nhiệm thu, thẻ ngân hàng và các phương tiện thanh toán khác theo quy định của Ngân hàng Nhà nước. Ngoài ra, tại khoản 7 điều 4 Nghị định này cũng nêu rõ phương tiện thanh toán không hợp pháp là các phương tiện không thuộc quy định điều 6.
Cũng theo Ngân hàng Nhà nước, các hành vi phát hành, cung ứng, sử dụng các phương tiện thanh toán không hợp pháp (bao gồm cả bitcoin và các loại tiền ảo tương tự khác) sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính mức từ 150 triệu đến 200 triệu đồng.
Đây là nội dung quy định tại khoản 6 Điều 27 Nghị định 96/2014/NĐ-CP về xử phạt hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và hoạt động ngân hàng.
Đồng thời, từ ngày 1/1/2018, hành vi phát hành, cung ứng, sử dụng các phương tiện thanh toán không hợp pháp (bao gồm cả bitcoin và các loại tiền ảo tương tự khác) có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định tại điểm h khoản 1 Điều 206 Bộ luật Hình sự 2015 (đã được sửa đổi, bổ sung năm 2017).
Huy P.
Theo Báo Đời sống & Tiêu dùng