Trái với sự trầm lắng trong lĩnh vực bảo hiểm nhân thọ, ngành bảo hiểm phi nhân thọ trong năm 2023 đã chứng kiến nhiều thương vụ lớn, trong những năm gần đây, hàng loạt nhà đầu tư đã tìm đến lĩnh vực này.
Theo thống kê của Bộ Tài chính, thị trường bảo hiểm Việt Nam hiện vẫn còn nhiều dư địa để phát triển, tỷ lệ thâm nhập bảo hiểm (tính bằng phí bảo hiểm/GDP) tại Việt Nam trong năm 2022 chỉ ở mức 2,6%.
Sang năm 2023, do khủng hoảng niềm tin trong lĩnh vực bảo hiểm nhân thọ, tỷ lệ thâm nhập này ước tính đã giảm xuống còn khoảng 2,2% (ước tính dựa trên số liệu GDP năm 2023 là 10,2 triệu tỷ đồng). Tới năm 2025, tỷ lệ này dự kiến sẽ tăng lên mức 3,5%.
Trong khi đó, theo thống kế của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), tỷ lệ thâm nhập tại các quốc gia phát triển như Mỹ, Anh có thể lên tới 12%. Một số hàng xóm như Singapore, Malaysia cũng ghi nhận tỷ lệ thâm nhập gấp nhiều lần so với Việt Nam.
Trung bình vào năm 2022, một người Việt Nam chỉ chi ra khoảng 2,5 triệu đồng (số liệu ước tính của năm 2023 là 2,3 triệu đồng) cho bảo hiểm mỗi năm. So với năm 2017, phí bảo hiểm bình quân đầu người đã tăng hơn hai lần.
Trái với sự trầm lắng trong lĩnh vực bảo hiểm nhân thọ, ngành bảo hiểm phi nhân thọ trong năm 2023 đã chứng kiến nhiều thương vụ lớn.
Cụ thể, ngày 27/2/2024, Bảo hiểm Hàng không (VNI) và Bảo hiểm BSH cùng tổ chức lễ công bố cổ đông chiến lược sở hữu 75% vốn là nhà đầu tư đến từ Hàn Quốc - DB Insurance Co., Ltd (DBI).
Trước đó, vào tháng 6/2023, nhóm cổ đông của BSH đã ký kết hợp đồng chuyển nhượng 75% cổ phần cho DB Insurance Co., Ltd (DBI) – doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ lớn hàng đầu của Hàn Quốc.
Hồi tháng 3/2023, cổ đông AIC cũng đã thông qua kế hoạch cho DBI nhận chuyển nhượng 75 triệu cổ phần của công ty, tương ứng 75% vốn điều lệ.
Cuối tháng 1/2024, thương vụ giữa DBI và AIC đã hoàn tất, trong khi vào ngày 19/2/2024, 75 triệu cổ phiếu BHI cũng đã về tay DBI. Như vậy, cả AIC và BSH cũng đã trở thành công ty con của DBI. Ngoài ra, công ty bảo hiểm đến từ Hàn Quốc còn nắm giữ 37% cổ phần tại Bảo hiểm Bưu điện (PTI).
Trong năm 2023, quỹ Pyn Elite Fund cũng đã mạnh tay mua cổ phiếu của MIC. Đến cuối năm 2023, Pyn Elite Fund đã trở thành cổ đông lớn của công ty với việc sở hữu 13,9 triệu cổ phiếu, tương đương 8,1% vốn điều lệ.
Trong những năm trước, hoạt động M&A trong ngành bảo hiểm cũng đã được hâm nóng với hàng loạt thương vụ lớn. Cụ thể, vào tháng 11/2022, VPBank mua thêm 47,85 triệu cổ phần Bảo hiểm OPES, nâng tỷ lệ sở hữu lên 98% vốn điều lệ.
Cũng trong quý IV/2022, Tasco chi hơn 402 tỷ đồng mua 100% vốn Groupama Việt Nam và đổi tên thành Bảo hiểm Tasco. Theo kế hoạch, Tasco dự kiến rót thêm 612 tỷ đồng vào công ty bảo hiểm này.
Tại hội nghị tổng kết kết quả kinh doanh năm 2023, lãnh đạo Bảo hiểm Bảo Minh (mã BMI) cho biết, năm 2023 là năm đánh dấu sự trở lại của Bảo Minh với vị trí Top 3 doanh thu phí trên thị trường bảo hiểm phi nhân thọ, tương ứng tỷ lệ thị phần chiếm 8% tổng doanh thu khai thác toàn thị trường.
Năm 2023, Bảo Minh ghi nhận kết quả tăng trưởng cả về doanh thu và lợi nhuận, dù thị trường khó khăn. Cụ thể, tổng doanh thu ước đạt 6.461 tỷ đồng, tăng 2,35% so với kết quả năm 2022; lợi nhuận trước thuế ước đạt 375 tỷ đồng, tăng 9,41%.
Theo ông Vũ Anh Tuấn - Tổng giám đốc Bảo Minh, thị trường kinh doanh bảo hiểm năm 2024 dự báo sẽ còn đối diện với nhiều thách thức. Tuy nhiên, Bảo Minh vẫn sẽ tiếp tục phát huy tinh thần chủ động, sáng tạo, trách nhiệm, khắc phục khó khăn, tận dụng cơ hội… để hoàn thành tốt kế hoạch kinh doanh của năm 2024.
Bảo hiểm BIDV (mã BIC) cũng mới công bố hoàn thành các chỉ tiêu kinh doanh năm 2023. Cụ thể, tổng doanh thu phí bảo hiểm Công ty mẹ BIC đạt gần 5.000 tỷ đồng, tăng gần 30% so với thực hiện năm 2022 và hoàn thành 104% kế hoạch doanh thu cả năm. Trong đó, doanh thu phí bảo hiểm gốc đạt trên 4.600 tỷ đồng, tăng gần 30% và hoàn thành 105% kế hoạch năm, giúp BIC giữ vững vị trí Top 6 về thị phần doanh thu phí bảo hiểm gốc và là động lực để tiếp tục nâng cao thứ hạng trong năm 2024 cũng như những năm tới.
Không chỉ doanh thu phí, tổng lợi nhuận hợp nhất trước thuế của BIC cũng tăng trưởng cao trong năm qua với mức tăng gần 50% so với kết quả năm trước đó, đạt gần 580 tỷ đồng, hoàn thành 120% kế hoạch lợi nhuận cả năm. Trong đó, lợi nhuận trước thuế Công ty mẹ BIC đạt gần 560 tỷ đồng, tăng hơn 50%.
Năm 2024, BIC quyết tâm hoàn thành vượt những mục tiêu để hướng tới dấu mốc kỷ niệm 20 năm thành lập, đó là: Đẩy mạnh tốc độ tăng trưởng doanh thu, phấn đấu mục tiêu Top 5 về thị phần; tiếp tục duy trì vị trí trong Top 3 công ty bảo hiểm phi nhân thọ dẫn đầu về tỷ suất sinh lời trên thị trường…
Trong thông điệp đầu năm gửi khách hàng, cổ đông và cán bộ, công nhân viên, Bảo hiểm Petrolimex - PJICO (mã PGI) cho biết, trong năm 2023, PJICO đã cán mốc doanh thu bảo hiểm gốc 4.000 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế hoàn thành vượt kế hoạch đề ra.
Được biết, năm 2023, Hội đồng quản trị PJICO trình đại hội kế hoạch doanh thu bảo hiểm gốc đạt gần 4.151 tỷ đồng, tăng 10% so với thực hiện năm 2022; lợi nhuận trước thuế gần 256 tỷ đồng, tăng nhẹ so với thực hiện năm trước; tỷ lệ trả cổ tức bằng tiền mặt là 12%.
Còn Bảo hiểm Bưu điện (mã PTI), dù chưa công bố kết quả kinh doanh cả năm, nhưng nhà bảo hiểm này đã xoay chuyển tình thế thành công khi báo lãi sau thuế 38,6 tỷ đồng theo báo cáo tài chính hợp nhất quý III/2023, so với con số lỗ ròng hơn 167 tỷ đồng của cùng kỳ năm trước...
Tiến Hoàng/KTDU