Sự kiện hot
3 năm trước

Ngành chè Lâm Đồng cần quy hoạch sản xuất chè gắn với vùng sinh thái

Tập trung mọi nguồn lực để khai thác có hiệu quả, bền vững tiềm năng và lợi thế của cây chè, đưa sản phẩm chè Lâm Đồng có vị thế cao trên thị trường trong nước và thế giới là nội dung quan trọng trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp hiện đại tại Lâm Đồng hiện nay.

Cây chè - Cây công nghiệp chủ lực của tỉnh lâm Đồng
Cây chè - Cây công nghiệp chủ lực của tỉnh lâm Đồng

Cây chè, cây công nghiệp chủ lực toàn tỉnh

Hiện nay, Lâm Đồng có diện tích trồng chè lớn nhất cả nước khoảng 12.632 ha, hàng năm cung cấp cho thị trường trong và ngoài nước khoảng 170.000 tấn. Ước tính, cây chè tỉnh Lâm Đồng đã chiếm tỷ lệ 25% về diện tích và 27% về sản lượng chè của cả nước.

Với lợi thế về khí hậu ôn hòa hai mùa mưa nắng, vùng đất đỏ bazan, có độ ẩm cao rất phù hợp cho cây chè phát triển.

Với lợi thế về khí hậu ôn hòa hai mùa mưa nắng, vùng đất đỏ bazan, có độ ẩm cao rất phù hợp cho cây chè phát triển.

Có thể nói cuộc sống của người dân Lâm Đồng không thể tách rời cây chè, loại cây công nghiêp lâu năm này giúp cho họ có cuộc sống ngày càng ổn định hơn và trên hết nó còn tạo nét văn hoá đặc trưng cho cả một vùng đất. Tuy nhiên, những người dân trồng chè vùng Lâm Đồng vẫn “một nắng hai sương” và trăn trở về thu nhập bên những đồi chè bạt ngàn. Đặc biệt trong 2 năm trở lại đây, do ảnh hưởng nghiêm trọng từ dịch bệnh Covid-19 nên sự vất vả của những người trồng chè và khó khăn của các cơ quan ban ngành “khó càng thêm khó”.

Sản lượng xuất khẩu chè giảm 50% do dịch Covid-19

Theo số liệu thống kê năm 2020, do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 nên diện tích chè và sản lượng của tỉnh Lâm Đồng sụt giảm 50% về cả năng suất và sản lượng so với năm 2016, do chè búp tươi mất giá và cây chè chịu sự cạnh tranh của các cây trồng khác có giá trị kinh tế cao hơn.

Bên cạnh đó, từ đầu năm 2020 đến nay, sản lượng xuất khẩu chè của Lâm Đồng đã giảm 50% so với cùng kỳ năm ngoái. Như vậy có thể thấy rằng ngành chè đang đối mặt với nhiều khó khăn thách thức về cả trước mắt lẫn lâu dài, khiến người trồng chè không mặn mà với loại cây trồng này và chuyển sang canh tác một số cây trồng khác như rau, củ, cây ăn trái…

Ông Nguyễn Văn Châu - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Lâm Đồng cho hay: “Ngành Nông nghiệp đã lường trước khó khăn ngành chè và có phương án cụ thể, trong đó chú trọng nâng cao chất lượng và xúc tiến tìm đầu ra. Chè luôn được xác định là cây trồng thế mạnh của Lâm Đồng, là loại nông sản nổi tiếng góp phần khẳng định thương hiệu nông sản địa phương. Trước những biến động của thị trường và sự cạnh tranh của các loại cây trồng có giá trị kinh tế khác, cây chè đang chịu một sức ép không nhỏ”.

Song điều bất hợp lý vẫn tồn tại làm cho ngành chè vẫn lận đận, đó là nguồn nguyên liệu chè thì phong phú, đa dạng nhưng người nông dân và các doanh nghiệp sản xuất chế biến chè ở Lâm Đồng vẫn chưa tìm được tiếng nói chung trong việc liên kết sản xuất.

Ông Nguyễn Đức Thu, Giám đốc công ty chè Phước Nam Anh cho rằng: Hiện nay để cây chè phát triển, các địa phương cần quy hoạch sản xuất chè gắn với lợi thế vùng sinh thái, vùng nguyên liệu và thị trường làm cơ sở để quản lý chất lượng, phát triển bền vững ngành chè. Từ đó, rà soát quy hoạch, xác định các vùng đủ điều kiện sản xuất để đầu tư cơ sở hạ tầng, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật, loại bỏ các cơ sở chế biến lạc hậu, không bảo đảm an toàn thực phẩm, gây ô nhiễm môi trường.

Việc xuất khẩu chè thô đưa lại hiệu quả không cao. Vì vậy, chúng tôi mong muốn tìm ra hướng đi mới, phù hợp để nâng giá trị cây chè theo hướng phát triển mở, để cây chè thực sự là cây công nghiệp của tỉnh Lâm Đồng. Vì vậy, rất cần các cơ quan chức năng cùng đồng hành và phối hợp chia sẻ, tạo điều kiện về chính sách, đường lối, nguồn vốn với các doanh nghiệp chè của tỉnh.

Hi vọng cho ngành chè trong năm 2021

Theo ông Hoàng Vĩnh Long - Phó Tổng thư ký kiêm Chánh văn phòng Hiệp hội Chè Việt Nam, năm 2021 ngành chè tiếp tục gặp rất nhiều khó khăn, khi các hợp đồng xuất khẩu của các doanh nghiệp đã ký kết nhưng do dịch Covid-19 khiến nhiều hợp đồng bị giãn, hoãn, thậm chí một số hợp đồng còn bị yêu cầu giảm giá, trong khi đó, các hợp đồng mới gần như không có. Đáng chú ý, vấn đề chi phí vận tải cũng gây khó khăn cho nhiều ngành hàng nông sản, trong đó có ngành chè. Nếu như mọi năm, chi phí vận tải chỉ khoảng 700-900 USD/container thì năm nay lên tới 2.700 - 3.000 USD/container, cao gấp 3 lần, tạo sức ép rất lớn về chi phí, trong khi giá chè lại giảm. Trong bối cảnh đó, thị trường nội địa là một trong những thị trường quan trọng cho mặt hàng này.

Đồng quan điểm trên, ông Nguyễn Quốc Toản - Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NN&PTNT) chia sẻ, hiện nhiều loại nông sản của Việt Nam đang trong vụ mùa thu hoạch với sản lượng lớn. Nhưng thời gian qua, các địa phương phản ánh đã gặp nhiều khó khăn trong việc xác định nông sản trong vùng dịch an toàn khi tiêu thụ, khó khăn khi vận chuyển nông sản ra ngoài vùng dịch. Cùng với đó là những khó khăn về con người khi bị cách ly trong vùng dịch, thiếu lao động duy trì sản xuất, việc kiểm dịch của đơn vị chuyên môn tại các vùng dịch bị cách ly y tế rất khó khăn...

Đồng thời việc vận chuyển, lưu thông nông sản giữa các địa phương cũng đang gặp rất nhiều trở ngại. Các chốt kiểm soát dịch bệnh Covid-19 tại các địa phương áp dụng biện pháp phòng dịch quá mức cần thiết khi không cho phép xe vận chuyển nông sản của địa phương khác đi qua, dù có giấy xác nhận an toàn dịch bệnh đối với tài xế và hàng hóa. Không chỉ vậy, các địa phương cũng phản ánh gặp nhiều khó khăn do cước phí vận tải tăng, nhu cầu thị trường giảm, chi phí nguyên vật liệu đầu vào tăng, chi phí cầu đường và lưu thông vận chuyển tăng.

Chủ tịch Hiệp hội Chè Việt Nam - Tiến sĩ Nguyễn Hữu Tài cho hay: Cần đầu tư nghiên cứu và xây dựng quy trình sản xuất phù hợp để nâng cao năng suất, chất lượng cây chè. Đồng thời, phát triển các dự án khuyến nông về sản xuất chè an toàn gắn với tổ chức tiêu thụ sản phẩm chè. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tập huấn đến người sản xuất và người tiêu dùng về sản xuất, tiêu thụ chè an toàn. Tăng cường kiểm tra sản xuất, chế biến chè, có giải pháp quản lý, tổ chức, chỉ đạo kịp thời. Thêm vào đó, cần đẩy mạnh liên kết giữa người sản xuất với nhà máy chế biến, hình thành tổ dịch vụ bảo vệ thực vật để sản xuất chè bền vững.

Để tháo gỡ các khó khăn trên, Bộ NN&PTNT đã đề xuất nhiều kiến nghị với các bộ, ngành liên quan. Với Bộ GTVT, Bộ NN&PTNT đề nghị Bộ chủ trì phối hợp với các bộ Y tế, Công an, Công thương rà soát việc tổ chức hoạt động vận tải đi, đến nơi có dịch đáp ứng yêu cầu phòng chống dịch và sản xuất, kinh doanh; chấn chỉnh kịp thời việc áp dụng các biện pháp quá mức cần thiết gây ách tắc hoạt động vận tải và ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động sản xuất, kinh doanh; chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính rà soát các loại thuế, phí, có các giải pháp hỗ trợ giảm chi phí vận tải…

Thị trường chè nguyên liệu của toàn tỉnh Lâm Đồng đạt mức ổn định.

Thị trường chè nguyên liệu của toàn tỉnh Lâm Đồng đạt mức ổn định.

Tuy nhiên, tính đến thời điểm hiện tại, chè trong bối cảnh xuất khẩu gặp nhiều khó khăn nhưng thị trường nội địa vẫn có chút khởi sắc hơn so với năm ngoái. Thị trường chè nguyên liệu của toàn tỉnh Lâm Đồng đạt mức ổn định. Tại Bảo Lộc (Lâm Đồng), giá chè cành ổn định 9.500 đ/kg, chè hạt 7.300 đ/kg. Nhìn chung trong 3 tháng đầu năm 2021, thị trường chè nguyên liệu không có biến động mạnh do nguồn nguyên liệu đủ để cung cấp cho nhu cầu trong dịp Tết cổ truyền. Đại dịch Covid-19 tuy có làm gián đoạn chuỗi cung ứng và vận chuyển hàng hóa nhưng lại khiến nhu cầu tiêu dùng chè tại gia tăng lên. Đây cũng được xem là tín hiệu đáng mừng cho ngành chè cả nước nói chung và ngành chè tỉnh Lâm Đồng nói riêng.

* Bài viết tuyên truyền thực hiện Nghị quyết số 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ.

Theo Thúy Trà

KTĐU

Từ khóa: