Sự kiện hot
3 năm trước

Ngành chè Việt Nam nỗ lực vượt qua đại dịch Covid

Trước diễn biến của đại dịch Covid-19 bùng phát lần thứ 4 tại Việt Nam đã khiến cho nhiều ngành hàng gặp khó khăn, thậm chí bị khủng hoảng và ảnh hưởng đến sự phát triển của nền kinh tế - xã hội nước nhà.

Trong đó, ngành Chè đã và đang gặp phải nhiều thách thức lớn. Nhằm tháo gỡ những khó khăn cũng như tìm ra giải pháp giúp cho người dân và doanh nghiệp trong ngành tiếp tục duy trì và phát triển sản xuất kinh doanh, Phóng viên Tạp chí Kinh tế và Đồ uống đã có cuộc phỏng vấn TS. Nguyễn Hữu Tài – Chủ tịch Hiệp hội Chè Việt Nam để làm rõ những vấn đề này.

Phóng viên: Thưa ông, hiện nay đại dịch Covid-19 đang có diễn biến phức tạp, sản xuất và tiêu thụ chè nước ta đã bị ảnh hưởng ra sao và đã có những giải pháp gì khắc phục thưa Ông?

TS. Nguyễn Hữu Tài: Dịch bệnh Covid-19 vẫn đang có diễn biến phức tạp, gây khó khăn và thiệt hại cho doanh nghiệp. Có những vùng chè tập trung chuyên canh lớn đòi hỏi nhiều lao động trong khâu thu hái phải huy động lao động từ các địa phương khác đến trong vụ thu hoạch, nhưng phải thực hiện việc cách ly nên không thể triển khai được, phải tổ chức sản xuất cơ bản tại nội bộ địa phương. Trong bối cảnh đó, nhiều doanh nghiệp đã tăng cường công tác cơ giới hóa, nhằm tăng năng suất, giảm thiểu được lao động canh tác trên nương đồi.

Ông Nguyễn Hữu Tài - Chủ tịch Hiệp hội Chè Việt Nam (thứ 2 từ phải sang) cùng đoàn đại biểu thăm mô hình sản xuất chè tại xã Tân Cương, thành phố Thái Nguyên. 

Tại các cơ sở chế biến, do yêu cầu về cách ly, giãn cách nên lao động thời vụ phải huy động xa bị thu hẹp , các doanh nghiệp đã bố trí, sắp xếp lại lao động, tăng ca, giảm thiểu lao động, chia ca sản xuất để đảm bảo giãn cách. Bổ sung thiết bị, nhất là những công đoạn cần nhiều lao động, thay thế các băng tải chuyển nguyên liệu, sản phẩm thay thế cho lao động...

Mặc dù đầu năm 2021 do thay đổi thời tiết, mưa ẩm và sau đó lại nắng nóng kéo dài bởi biến đổi khí hậu toàn cầu, một số vùng chè phía Bắc sản lượng chè búp tươi giảm 10% so với cùng kỳ 2020. Tuy nhiên, do việc đầu tư thâm canh khá tốt và có các giải pháp thích ứng trong việc phòng chống dịch bệnh Covid -19 tại các địa phương nên năng suất, chất lượng và sản lượng chè nước ta vẫn giữ được ổn định, mức tăng trưởng đạt khoảng 2-3% so với cùng kỳ năm trước, tức là đã giảm khỏang 2-3% so với dự kiến nếu không có dịch bệnh.

Dịch bệnh Covid -19 đã không ảnh hưởng nhiều đến sức tiêu dùng chè của các tầng lớp dân cư trong nước và trên thế giới bởi những công dụng của chè có lợi cho sức khỏe con người, đặc biệt là tác dụng tăng sức đề kháng, khử khuẩn của chè khi uống nóng. Tuy nhiên, dịch bệnh đã cản trở việc lưu thông trong nước và quốc tế, nhiều cửa hàng dịch vụ bán chè phải đóng cửa để cách ly xã hội. Chè xuất khẩu chủ yếu bằng container tàu biển, nhưng giá vận tải biển tăng vọt, nhiều lúc không thuê được tàu vì thiếu vỏ container. Chi phí vận tải tiêu tốn và làm kiệt sức các doanh nghiệp xuất khẩu, kéo theo giá chè xuất khẩu bị giảm theo. Nhiều doanh nghiệp tại Nghệ An, Hà Tĩnh và một số thành phố bị đình trệ trong việc xuất khẩu chè bởi rơi vào vùng dịch phải thực hiện việc cách ly xã hội.

Các thị trường mà Việt Nam đã ký các Hiệp định Thương mại CTPPP, EVFTA hầu như chưa tận dụng được do các rào cản kỹ thuật và những hậu quả do đại dịch Covid – 19 gây ra. Việc tổ chức xúc tiến thương  mại, khảo sát thị trường, giao lưu văn hóa trà... trong và ngoài nước của ngành chè bị đình trệ. Tuy nhiên, trong khó khăn nhiều doanh nghiệp đã tự điều chỉnh hệ thống tổ chức sản xuất và phân phối phù hợp, sản phẩm ngày càng đa dạng với xu hướng ngày càng nâng cao giá trị.

Thương mại điện tử và các hình thức mua bán online trong ngành chè được phát triển nhanh...Cho nên mức tiêu thụ chè cơ bản vẫn giữ được ổn định. Xuất khẩu toàn ngành trong 5 tháng đầu năm 2021 đạt khoảng 49 nghìn tấn, kim ngạch khoảng 78 triệu USD, tăng 6,5% về lượng và 10% về giá trị. Cơ bản ngành chè vẫn giữ vững được các thị trường.

Trong đó thị trường Mỹ có mức tăng trưởng khá nhưng chủ yếu là xuất sang thị trường Trung Đông và Đông Nam Á. Tuy giá chè xuất khẩu có tăng, nhưng trong thực tế mức tăng của chi phí vận tải cao hơn nhiều, do đó thực chất giá chè của các doanh nghiệp bị giảm nghiêm trọng và các doanh nghiệp đều rơi vào tình trạng khó khăn.

Sản xuất chế biến chè thủ công tại HTX Trà Sơn Dung, xã Tân Cương, thành phố Thái Nguyên - Ảnh: Sơn Thủy

- Trước những khó khăn do tác động từ dịch Covid-19, doanh nghiệp, người sản xuất, chế biến, kinh doanh chè cần làm gì để đảm bảo phòng dịch và phát triển kinh doanh?

TS.Nguyễn Hữu Tài: Trong vấn đề sản xuất, Hiệp hội khuyến cáo nên điều tiết về vấn đề người lao động khi thực hiện quá trình thu hoạch, cần đảm bảo được sự giãn cách giữa người lao động với nhau để đảm bảo được các biện pháp phòng chống. Trong chế biến cũng vậy, nên dàn trải nhiều ca làm việc và các ca sản xuất cần ít người hơn để đảm bảo biện pháp phòng dịch 5K. Cùng với đó cần kiểm soát người lao động khi vào các nhà máy chế biến chè và đặc biệt là tăng cường ứng dụng cơ giới hóa cho cả khâu sản xuất nông nghiệp và khâu chế biến.

Các doanh nghiệp chè cần kết hợp chặt chẽ với các doanh nghiệp cơ khí để nghiên cứu cải tiến các dây chuyền nhằm tăng cường cơ giới hóa và tự động hóa. Xu hướng đào tạo công nhân tay nghề cao hơn, giảm thiểu lao động thủ công, nâng cao tay nghề cho người lao động có cơ hội tăng tiền lương, tiền công cho người lao động sẽ giữ chân được họ trong xu hướng lao động trong ngành chè đang bị các ngành công nghiệp như may mặc, điện tử và dịch vụ thu hút.

Cần nghiên cứu để nhanh chóng tăng sản lượng chè có giá trị gia tăng cao, từng bước giảm thiểu sự phụ thuộc vào các hãng vận tải bởi xuất khẩu quá lớn chè dạng thô có chất lượng và mức giá thấp.

Về tiêu thụ, thay vì tiêu thụ theo kiểu truyền thống trước đây, các doanh nghiệp cần liên kết để phân phối sản phẩm tại các siêu thị, kênh bán hàng uy tín khác. Hình thức thương mại điện tử, mua bán online của chè được tăng lên rất mạnh hoặc có thể nói là đột biến.

- Nếu bàn về một giải pháp căn cơ giúp doanh nghiệp chè trụ vững và phát triển sau dịch, theo ông, giải pháp đó là gì?

Tôi cho rằng, các doanh nghiệp chè chủ yếu hoạt động trong lĩnh vực sản xuất hoặc chế biến hoặc thương mại đơn thuần, chưa hình thành đươc chuỗi giá trị sản xuất – chế biến – thương mại ngay trong một tổ chức thì từng bước cần tìm hiểu hệ thống của chuỗi cung ứng và tiêu thụ để từng bước liên kết chặt chè với các doanh nghiệp, HTX và các hộ gia đình trong ngành để thành dạng “Tập đoàn” chè để cùng nhau sản xuất chế biến và tiêu thụ, cùng chia sẻ lợi nhuận và rủi ro nhưng lại taọ ra được sức mạnh của việc liên kết. Hiện nay, một số doanh nghiệp từ chỗ chỉ làm thương mại trong nước hay xuất khẩu đơn thuần đã dần chuyển sang đầu tư vào công nghiệp chế biến, nghĩa là làm thương mại gắn với chế biến rồi từ đó lại tiếp tục đầu tư vào nông nghiệp, đó là xu hướng đúng cần nhân rộng. Các Công ty TNHH gặp khó khăn trong việc huy động vốn cũng cần nghiên cứu chuyển sang cổ phần; các Công ty cổ phần đủ điều kiện cần nghiên cứu để dăng ký tham gia thị trường chứng khoán...

Nếu hình thành được chuỗi giá trị trên, việc áp dụng khoa học công nghệ vào cả các khâu đều dễ dàng, đồng bộ và mang lại hiệu kinh tế, xã hội và môi trường cao, tức là doanh nghiệp có nhiều cơ hội phát triển bền vững.

Đại dịch Covid – 19 chưa biết bao giờ mới kết thúc trong nước và trên thế giới, cho nên các doanh nghiệp, các HTX và các hộ gia đình kinh doanh chè vẫn phải nêu cao cảnh giác, vẫn phải tìm các giải pháp thích ứng để vừa giữ vững được sản xuất, chế biến, tiêu thụ vừa đảm bảo yêu cầu của việc phòng chống dịch.

Mô hình sản xuất chè sạch đảm bảo chất lượng tại xã Tân Cương, thành phố Thái Nguyên - Ảnh: Sơn Thủy

- Trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, Hiệp hội Chè Việt Nam có những kiến nghị, giải pháp gì đối với nhà nước để giúp cho  ngành chè Việt Nam?

Để giúp cho các doanh nghiệp, các HTX và hộ nông dân sản xuất, kinhdoanh chè khắc phục những khó khăn và tiếp tục ổn định sản xuất, ổn định việc làm, đời sống cho hàng triệu người làm chè, Hiệp hội Chè Việt Nam đã có văn bản kiến nghị với Chính phủ và các Bộ ngành, địa phương cần có những phương án hỗ trợ như: Miễn giảm tiền thuê đất chuyên dùng và không thu đất trồng chè năm 2021 cho các doanh nghiệp, gia hạn khoản nợ cũ và không tính lãi quá hạn, vay vốn mới với lãi suất ưu đãi, không thu thuế giá trị gia tăng (VAT) với chè doanh nghiệp đăng ký để xuất khẩu, giảm thu BHXH và kinh phí công đoàn tại các doanh nghiệp, giảm các lệ phí và kiểm dịch chè xuất khẩu,...

Tuy nhiên, ngành chè cũng như các ngành hàng trong ngành nông ngiệp ngoài việc bị dịch bệnh còn chịu tác động lớn của quá trình biến đổi khí hậu cho nên đề nghị nhà nước quan tâm có chính sách hợp lý và cụ thể hơn.

- Xin trân trọng cảm ơn Ông về cuộc trao đổi!

Huy Đức - Công Minh

Theo KTĐU

Từ khóa: