Sự kiện hot
8 năm trước

Ngày 8/8, xét xử phúc thẩm vụ lừa đảo 44,4 tỉ đồng tại Cty tài chính cao su

Theo dự kiến, ngày 8/8, TAND cấp cao tại TP. Hồ Chí Minh sẽ mở phiên tòa xét xử phúc thẩm vụ án Trần Quốc Hoàng (SN 1978, ngụ phường 8, quận 4) về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.

Liên quan đến vụ án, nhiều cán bộ Công ty TNHH một thành viên Tài chính Cao su Việt Nam bị xét xử về tội “Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động tín dụng” và “Thiếu trách nhiệm gây thiệt hại nghiêm trọng đến tài sản của Nhà nước”.

Vụ án thu hút sự chú ý của dư luận khi sau phiên tòa sơ thẩm, nhiều bị cáo nguyên là kế toán kháng cáo kêu oan, còn VKSND cấp cao tại TP. Hồ Chí Minh kháng nghị thay đổi tội danh đối với bị cáo Võ Thị Hoàng Hồng (SN 1963, ngụ phường 25, quận Bình Thạnh).

Theo bản án sơ thẩm, Công ty Tài chính TNHH Một thành viên Cao su Việt Nam (viết tắt là Công ty Tài chính Cao su) là đơn vị thành viên trực thuộc Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam. Bị cáo Trần Quốc Hoàng là cán bộ tín dụng, có nhiệm vụ tiếp nhận hồ sơ vay vốn, định giá tài sản đảm bảo, thẩm định hồ sơ vay vốn, lập Tờ trình đề xuất cho vay, đề xuất giải ngân.

Hoàng nghiện cờ bạc, thường “xuất ngoại” sang Campuchia và Singapore sát phạt. Do thua bạc nên từ năm 2009 đến ngày 30/12/2011, Hoàng dùng mượn nhiều “sổ đỏ” của người thân, bạn bè, lập 21 hồ sơ thế chấp để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản công ty.


Các bị cáo tại phiên tòa sơ thẩm

Hoàng lợi dụng nhiệm vụ, tự định giá khống tài sản cao gấp nhiều lần thực tế để làm đề xuất đề nghị cho vay. Mặc dù 21 hồ sơ tín dụng do Hoàng trình đều có sai phạm, không đủ điều kiện cho vay, giải ngân nhưng bị cáo vẫn được các “sếp” Công ty quyết định cho vay.

Võ Thị Hoàng Hồng (thủ quỹ) trực tiếp chi tiền vay của 21 hồ sơ tín dụng cho Hoàng, tạo điều kiện cho bị cáo chiếm đoạt của Công ty Tài chính Cao su 44,4 tỷ đồng (làm tròn số).

Bản án sơ thẩm quy kết các bị cáo Đặng Thị Kim Anh (Kế toán trưởng), Nguyễn Thị Lệ Hằng (Phó trưởng phòng kế toán); Lê Anh Tuấn và Nguyễn Hồng Hải (kế toán tín dụng), Trần Thị Thu Hiền (kế toán kho quỹ) không kiểm tra tính đúng đắn, hợp pháp, hợp lệ của các hồ sơ tín dụng do Hoàng lập, lần lượt ký tên vào các phiếu chi nên  phạm tội “Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng”.

Các bị cáo Phan Minh Anh Ngọc và Võ Thị Hoàng Hồng phạm tội “Thiếu trách nhiệm gây thiệt hại nghiêm trọng đến tài sản của Nhà nước”. Bản án sơ thẩm phạt Hoàng mức án chung thân; Võ Thị Hoàng Hồng 3 năm tù nhưng cho hưởng án treo; các bị cáo khác lãnh từ 4 đến 7 năm tù.

Ngày 3/7/2015, VKSND cấp cao tại TP. Hồ Chí Minh ra kháng nghị số 06/QĐ-VC3 nhận định: Võ Thị Hoàng Hồng 33 lần phát tiền vay tổng cộng 44,4 tỷ đồng nhưng bị cáo không kiểm tra chứng minh nhân dân của khách hàng vay có tên trên Phiếu chi, không giao tiền trực tiếp cho người có tên trên Phiếu chi, mà giao cho Hoàng. Hành vi của Hồng phạm vào tội “Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng”. Tòa án cấp sơ thẩm xử Hồng tội “Thiếu trách nhiệm gây thiệt hại nghiêm trọng đến tai sản của Nhà nước” là không phù hợp với quy định của pháp luật.

Ngoài kháng nghị, nhiều bị cáo cũng kháng cáo kêu oan như hai kế toán Nguyễn Thị Lệ Hằng và Lê Anh Tuấn. Theo đó, các bị cáo chỉ là cán bộ phòng kế toán, có nhiệm vụ cập nhật sổ sách chứng từ thu chi theo phân công. Các bị cáo không có thẩm quyền và vai trò gì trong hoạt động tín dụng của công ty.

Trong vụ án này, bà Hằng, ông Tuấn không lập hồ sơ tín dụng, không can thiệp, không đề xuất, không ký duyệt. Các bị cáo chỉ ký tên vào mục kiểm soát trên phiếu chi khi hồ sơ tín dụng đã hoàn tất và được các bộ phận tín dụng và lãnh đạo công ty phê duyệt và ký cho vay. Theo các bị cáo, công việc trên là một thủ tục mang tính nghĩa vụ của bộ phận kế toán.

Theo ông Đinh Văn Quế, nguyên Chánh tòa Tòa Hình sự TANDTC, điều cần lưu tâm là Thanh tra Ngân hàng Nhà nước có kết luận: Trách nhiệm trong việc cho vay vi phạm điều kiện vay vốn thuộc về lãnh đạo phê duyệt cho vay, Trưởng phòng tín dụng, Trưởng phòng giao dịch và các cán bộ tín dụng trực tiếp ký trên các hồ sơ vay vốn chứ không phải cán bộ làm công tác kế toán của Phòng kế toán công ty.

Ông Quế đánh giá kết luận của Thanh tra Ngân hàng Nhà nước là khách quan, đúng với hoạt động của Công ty tài chính. Mặt khác, trong vụ án có 3 kế toán tín dụng khác của Phòng kế toán cũng lập phiếu chi nhưng lại không bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Điều đó đặt ra vấn đề là các cơ quan bảo vệ pháp luật cần áp dụng pháp luật thống nhất, cần làm rõ triệt để vụ án, đảm bảo nguyên tắc không bỏ lọt tội phạm, đồng thời không làm oan người vô tội.

theo Công lý

Từ khóa: