Sự kiện hot
8 tháng trước

Nghệ nhân Ưu tú Lường Văn Hoạt: Người gìn giữ tiếng nói, chữ viết dân tộc Thái

Vào những ngày đầu tháng 3, chúng tôi về với xã Mường Sang, huyện Mộc Châu (Sơn La) một vùng đất mang nhiều truyền thống tốt đẹp của các dân tộc anh em. Nơi đây, chúng tôi đã được gặp gỡ và nghe kể về ông giáo già đã dành hàng chục năm để sưu tầm, nghiên cứu, tìm hiểu và truyền dạy chữ Thái cho bà con địa phương.

Người đó chính là ông Lường Văn Hoạt ở bản bản Nà Bó 1, xã Mường Sang, ông Hoạt đã dành hơn nửa đời người để nghiên cứu và truyền dạy tiếng nói, chữ viết của người dân tộc Thái. Góp phần bảo tồn, gìn giữ chữ viết của dân tộc và làm phong phú bản sắc văn hóa của người Thái Mộc Châu nói riêng và người Thái vùng Tây Bắc nói chung.

Từ đam mê để trở thành người Thầy

Sinh năm 1946, tại xã Mường Sang trong một gia đình làm nông nghiệp, ngay từ nhỏ ông đã có bản tính hiếu học, đam mê tiếng nói chữ viết của dân tộc mình. Mời chúng tôi chén nước chè ấm nồng, trong nhà treo đủ các loại giấy khen, Bằng khen của mình.

Nghệ nhân Ưu tú Lường Văn Hoạt, soạn ra những phương pháp dạy học đơn giảm dễ hiểu, để các học viên dễ dàng tiếp cận,và áp dụng (ảnh A Trứ).

Nghệ nhân Ưu tú Lường Văn Hoạt, soạn ra những phương pháp dạy học đơn giảm dễ hiểu, để các học viên dễ dàng tiếp cận,và áp dụng (ảnh A Trứ).

Ông Hoạt chia sẻ: “Tôi rất yêu thích văn hóa, phong tục cũng như bản sắc riêng của dân tộc mình; vì vậy, năm 2002, tôi đăng ký học tiếp lớp chữ Thái của ông  Lò Văn Thắng ở bản Nà Bó 2, xã Mường Sang. Vừa học chữ, vừa được tiếp cận với những cuốn sách cổ do cha ông xưa để lại như: Sử thi “Táy Pú Xấc”, truyện thơ “Xống Chụ Son Sao”, “Khun lú nàng Ủa” hay những câu ca dao, đồng dao, thành ngữ của dân tộc mang đậm triết lý nhân văn, giáo dục con người khiến tôi ngày càng say mê với chữ viết của dân tộc”.

“Sau đó, tôi tiếp tục tham gia các lớp tập huấn dạy chữ Thái do tỉnh tổ chức, sau khi học xong được cấp chứng chỉ, năm 2011 tôi bắt đầu đi dạy học ở các bản… Qua tìm hiểu, tôi biết rằng trước đây, chữ Thái đã được sử dụng phổ biến trong cộng đồng người Thái. Tuy nhiên, khi người dân sử dụng tiếng phổ thông trong giao tiếp hàng ngày và học tập thì chữ Thái cũng dần mất đi. Mấy chục năm nay, tôi đã bỏ rất nhiều thời gian, công sức tìm tòi, nghiên cứu với mong muốn giữ lại cái “hồn” của người Thái. Nếu không lưu truyền lại chữ Thái cho thế hệ hôm nay và mai sau thì dần dần chữ Thái hay tiếng nói sẽ ngày bị mai một…”, Ông Hoạt tâm sự.

Nghệ nhân Ưu tú ông Lường Văn Hoạt, nghiên cứu chữ viết người Thái (ảnh A Trứ).

Nghệ nhân Ưu tú ông Lường Văn Hoạt, nghiên cứu chữ viết người Thái (ảnh A Trứ).

Từ 2011 đến năm 2018, ông Hoạt đã có quá trình dạy học được 7 lớp tại các bản Nà Bó 1,2; bản Là Ngà 1, bản Lùn, Vạt… với 235 học viên tham gia. Điều đặc biệt, các lớp học của ông không chỉ có một lứa tuổi như bao lớp học khác mà đủ các lứa tuổi, các thành phần dân tộc khác nhau.

 Mỗi ngày sau khi đi làm đồng về, ông lại chuẩn bị sách vở đến các bản trong địa bàn xã dạy học vào các buổi tối, khung giờ từ 19 - 21 giờ. Dù vậy, ông không hề thấy mệt mỏi, những bài học của ông Hoạt là kinh nghiệm ông đúc kết nhiều năm qua, xây dựng theo trình tự từ dễ đến khó, qua những câu chuyện đời thường.

“Tôi đã phải dành nhiều thời gian nghiên cứu, soạn những bài giảng có nội dung gần gũi, thiết thực, dễ hiểu… gắn với đời sống sinh hoạt hàng ngày, giúp học viên dễ dàng biết đọc, biết viết và hiểu nghĩa của từng từ, từng câu” ông Hoạt chia sẻ.

Người giữ hồn chữ viết văn hóa truyền thống người Thái

Tuy đã ở tuổi gần 80 nhưng ông Hoạt vẫn rất khỏe, đi lại nhẹ nhàng, lời nói dõng dạc, mắt ông sáng rõ, đọc báo hay viết chữ Thái không cần phải đeo kính, ông luôn dành hết tâm huyết của mình để dạy chữ Thái cho bà con, ai muốn hỏi gì ông đều sẵn lòng chỉ dạy.

 Hiện, ông không còn dạy học, song ông Hoạt vẫn không ngừng nghỉ, mà luôn mày mò sưu tầm các loại sách chữ Thái của ông cha để lại; ông còn sáng tác nhiều bài thơ, bài hát, các bài đồng dao chữ Thái để trẻ con bản hát và học theo. Nhờ đó,  những làn điệu dân ca của dân tộc Thái được nhiều người biết đến gìn giữ và bảo tồn.

Tại địa phương đã có một số Lễ hội góp phần giữ gìn những bản sắc văn hóa tốt đẹp, nhất là Lễ hội Cầu mưa tại xã Mường Sang. Hàng năm Lễ hội Cầu mưa ông Hoạt luôn là người có mặt để làm một số nghi lễ, phong thục, cũng như ghi lại một số hình ảnh, bài đồng dao của dân tộc mình.

Với đam mê của mình hàng ngày ông Hoạt luôn say sưa với những cuốn sách, với mong muốn các thế hệ con cháu luôn giữ gìn và bảo tồn các bản sắc văn hóa của dân tộc (ảnh A Trứ ). 

Với đam mê của mình hàng ngày ông Hoạt luôn say sưa với những cuốn sách, với mong muốn các thế hệ con cháu luôn giữ gìn và bảo tồn các bản sắc văn hóa của dân tộc (ảnh A Trứ ). 

Ông Hoạt cho hay, đồng bào người dân tộc Thái nơi đây quan niệm rằng thần linh là những vị sẽ cai quản mưa gió. Vì một năm nọ, khu vực này đã xảy ra hạn hán trong khoảng thời gian dài, không có nước tưới tiêu mùa màng, hoa màu và vạn vật đều bị chết, dân chúng rơi vào tình trạng đói khổ lầm than; người dân tộc Thái trong bản làm lễ để thỉnh mời các vị thần linh về để nghe thỉnh cầu của người dân cho mưa thuận gió hoà, cuộc sống bớt khó khăn hơn.

 Từ đây, Lễ hội Cầu mưa Mộc Châu ra đời; lễ hội không chỉ mang đến thông điệp mong muốn mùa màng bội thu, lúa cây tươi tốt, cuộc sống gia đình của những người dân trong bản ấm no hạnh phúc mà còn khẳng định con người nơi đây và thiên nhiên có sự gắn kết chặt chẽ, ràng buộc lẫn nhau. Hiện, Lễ hội Cầu mưa của người Thái trắng, xã Mường Sang, huyện Mộc Châu, đã được đưa vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Với những đóng góp tích cực nghiên cứu và sáng tác nhiều tác phẩm thơ văn bằng tiếng dân tộc; sưu tầm tư liệu về các lễ hội truyền thống, những phong tục, tập quán của dân tộc Thái; biên dịch hàng trăm câu ca dao, tục ngữ và tác phẩm văn học Thái cổ, năm 2023, ông Lường Văn Hoạt đã được Chủ tịch Nước phong tặng danh hiệu Nghệ nhân Ưu tú trong lĩnh vực bảo tồn tiếng nói, chữ viết. 

A Trứ/ VP Tây Bắc

Theo KT&ĐU

Từ khóa: