Sau nhiều năm lùng sục khắp các cửa hàng đồ điện tử trong ngõ hẻm, một nghệ sĩ Hàn Quốc sắp thực hiện được giấc mơ phóng vệ tinh tự chế lên vũ trụ.
Sau nhiều năm lùng sục khắp các cửa hàng đồ điện tử trong ngõ hẻm, một nghệ sĩ Hàn Quốc sắp thực hiện được giấc mơ phóng vệ tinh tự chế lên vũ trụ.
“Chế tạo vệ tinh không khó hơn làm một chiếc điện thoại di động,” Song Hojun nói. Người nghệ sĩ 34 tuổi đã chế tạo vệ tinh với chi phí 500 USD để cho mọi người thấy rằng họ có thể thực hiện giấc mơ.
“Tôi tin rằng nó không chỉ là một vệ tinh, mà có thể là bất kỳ thứ gì được tạo nên với sự giúp đỡ của internet và các mạng xã hội. Tôi chọn chế tạo vệ tinh để nói lên điều đó”.
Các vệ tinh tự chế được nhiều trường đại học và nhóm khoa học khắp thế giới chế tạo và phóng lên vũ trụ là cả một hành trình dài, nhưng vệ tinh của Song là vệ tinh cá nhân đầu tiên theo đúng nghĩa, và cũng chỉ được chế tạo bằng tiền của cá nhân anh.
Từng học ngành kỹ thuật ở trường đại học, Song thường đưa công nghệ vào các tác phẩm nghệ thuật của mình. Ví dụ, trong tác phẩm mang tên Apple, Song sử dụng nhiều bóng đèn để quả táo “chín” khi bóng đèn đổi màu sắc từ xanh sang đỏ.
Sau khi thực tập tại một công ty chế tạo vệ tinh tư nhân, Song nảy ra “Sáng kiến vệ tinh mở”, rồi từ đó anh liên lạc với nhiều chuyên gia trong ngành từ Slovenia tới Paris để tìm hiểu về lĩnh vực này.
“Tôi chỉ là một cá nhân, không phải người làm việc trong một trường đại học lớn, một công ty lớn hay quân đội. Vì thế, họ cởi mở và dễ dàng cung cấp thông tin cho tôi,” Song kể.
Song đã mất gần 6 năm để “cày” những bài báo nghiên cứu khoa học chuyên ngành, lên các trang mua bán trên mạng để tìm kiếm những linh kiện sử dụng trong các dự án vũ trụ, và lần mò khắp các cửa hàng điện tử trong ngõ ngách ở Seoul.
Song mở một doanh nghiệp điện tử nhỏ để lấy kinh phí cho mình, nhưng phần lớn số tiền Song tiêu tốn là do bố mẹ cung cấp.
Nghệ sĩ Song Hojun và sản phẩm vệ tinh tự chế. (Nguồn: Reuters)
Vệ tinh hình lập phương OpenSat nặng 1kg, có thể truyền thông tin về tình trạng của pin, nhiệt độ và tốc độ quay của tấm pin năng lượng mặt trời của vệ tinh.
Chi phí cho các linh kiện chế tạo chỉ mất 500.000 won (9 triệu đồng), nhưng chi phí phóng vệ tinh có thể lên tới 120 triệu won (2,2 tỷ đồng) sau khi Song ký hợp đồng với NovaNano, một công ty công nghệ của Pháp đóng vai trò là trung gian trong vụ phóng vệ tinh.
Vệ tinh sẽ được phóng đi từ trung tâm phóng vệ tinh Baikonur Cosmodrome ở Kazakhstan vào tháng 12 năm nay, cùng với một vệ tinh khác.
Song đã được mời đến nói chuyện ở nhiều trường đại học và các tổ chức quốc tế như Học viện công nghệ Massachussetts (Mỹ) và ĐH Nghệ thuật hoàng gia London.
Theo Datviet, Reuters