Trong khi người nông dân lo nơm nớp đầu ra cho nông sản để tránh những cuộc “giải cứu” thì giá trị nhập khẩu các mặt hàng nông sản như rau quả, ngô, đậu, thịt các loại…lại liên tiếp tăng cao chạm ngưỡng hàng tỷ USD mỗi năm.
Hoa quả nhập ngoại bày bán tràn lan trong các chợ và siêu thị ở những vị trí đẹp nhất. Ảnh: Internet.
852 triệu USD nhập khẩu rau quả trong 7 tháng
Báo cáo của Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn cho biết, giá trị nhập khẩu mặt hàng rau quả tháng 7 đạt 216 triệu USD, đưa tổng giá trị nhập khẩu mặt hàng này 7 tháng đầu năm lên 852 triệu USD, tương đương 19.600 tỷ đồng, tăng hơn 2 lần so với cùng kỳ năm 2016. Trong đó, mặt hàng rau ước đạt 168 triệu USD và mặt hàng quả đạt 659 triệu USD.
Như vậy, tính bình quân, mỗi tháng người Việt bỏ ra 121 triệu USD, tương đương gần 2.800 tỷ đồng để nhập khẩu rau quả.
Về thị trường nhập khẩu, Việt Nam nhập khẩu rau quả lớn nhất từ Thái Lan, chiếm tới 57% thị phần trong 6 tháng đầu năm 2017, tiếp đến là thị trường Trung Quốc chiếm 16,8%.
Bên cạnh đó, Thái Lan cũng là thị trường có giá trị nhập khẩu rau quả tăng nhiều nhất trong 6 tháng đầu năm với mức tăng gấp 2,5 lần so với cùng kỳ năm ngoái, tiếp đến là thị trường Ấn Độ gấp 2,1 lần và Hàn Quốc tăng 76,9% về giá trị.
Các mặt hàng trái cây được nhập về chủ yếu là táo, cam, lê, kiwi, cherry (New Zealand, Australia), xoài, mãng cầu, me (Thái Lan), táo xanh (Pháp, Mỹ), lựu (Hàn Quốc). Rau củ quả xuất xứ từ Trung Quốc chủ yếu là bắp cải, xà lách, khoai tây, cam, táo...
Điều đáng nói là, trong khi người Việt chi hàng nghìn tỷ đồng để nhập khẩu rau quả ngoại, thì trong nước, người nông dân lại thường xuyên phải đối mặt với nghịch cảnh “được mùa mất giá” và những cuộc “giải cứu nông sản” liên tiếp diễn ra.
Cụ thể trong vòng 2 năm qua, Việt Nam đã chi nhiều tiền để nhập các loại rau củ quả từ nước ngoài, phục vụ tiêu dùng trong nước. Từ mức 200 triệu USD nhập mỗi năm, hiện kim ngạch nhập khẩu mặt hàng này đã tới ngưỡng 1 tỷ USD.
Không riêng rau quả, Việt Nam cũng là nước trồng ngô, đậu tương song hằng năm vẫn phải bỏ ra một số tiền không nhỏ nhập khẩu những nguyên liệu này để chế biến thức ăn chăn nuôi. 7 tháng đầu năm nay, riêng giá trị nhập khẩu ngô, đậu tương chiếm gần 1,3 tỷ USD, trong đó nhập khẩu đậu tương là 442 triệu USD, nhập khẩu ngô là 846 triệu USD.
Ngay với mặt hàng chủ lực là gạo, là nước xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới nhưng một nghiên cứu mới đây trên chuyên trang cơ sở dữ liệu nghiên cứu, phân tích về các ngành kinh tế và kinh doanh Vibiz.vn (công ty Cổ phần Yoilo Toàn cầu) cho thấy, sau khi khảo sát thói quen của người tiêu dùng Việt Nam đã kết luận rằng 53% người tiêu dùng Việt Nam thích ăn gạo ngoại xuất xứ Thái Lan, Campuchia, Nhật Bản… Do vậy, trên thị trường hiện nay gạo Thái Lan, Hàn Quốc hay Nhật Bản được bày bán tràn ngập các chợ và siêu thị.
Nâng cao chất lượng, giành lại vị thế
Điều này cho thấy, nông sản Việt đang mất vị thế trên chính sân nhà. TS Đặng Kim Sơn, nguyên Viện trưởng Viện Chính sách và chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn, từng chia sẻ, lượng nông sản ngoại bán tại thị trường nội địa ngày càng lớn. Nông sản Việt Nam cũng vậy, ngày càng xuất đi các nước nhiều hơn. Điều đó thể hiện sự sôi động và đan xen của các nền kinh tế khi hội nhập, là xu hướng tất yếu. Thế nhưng, tại sao với những mặt hàng hoá truyền thống Việt Nam có thế mạnh tuyệt đối như trái cây nhiệt đới hay lúa gạo, lại bị tấn công ngay trên sân nhà?
Theo ông Sơn, người tiêu dùng giờ đánh giá sản phẩm bằng thị hiếu của họ. Nếu sản phẩm nào ngon, tin là sạch, giá rẻ thì họ sẽ chọn. Thế nên, câu chuyện thắng - thua ở thị trường trong nước của Việt Nam là hoàn toàn phụ thuộc vào người nông dân và cả người làm chiến lược.
Đặc biệt trong bối cảnh tỷ lệ nông sản xuất thô của Việt Nam vẫn chiếm tỷ lệ cao, chất lượng nông sản không đồng đều, giá thành sản xuất cao, chưa chứng minh được nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng. Vì vậy, sẽ rất khó để nông sản Việt có thể cạnh tranh trong bối cảnh hội nhập toàn cầu. Hơn nữa, không chỉ mất lợi thế thị trường xuất khẩu đến các nước thành viên, Việt Nam còn trở thành thị trường tiêu thụ nông sản của các nước thành viên là đối tác.
Trong khi đó, GS Võ Tòng Xuân cho rằng yếu tố quyết định đó là chất lượng sản phẩm. Tâm lý “phân biệt đối xử” của người tiêu dùng cũng bắt nguồn từ chính cách “đối xử” khác nhau giữa rau quả trong nước với rau quả nhập, rau quả xuất khẩu.
“Hiện hầu hết rau quả xuất khẩu đều được bón phân hữu cơ, được chăm sóc, bảo vệ đúng theo quy trình sản xuất chuyên nghiệp nên sản phẩm cho ra chất lượng rất tốt. Trong khi đó, rau quả bán trong nước thì dùng phân hóa học, phân NPK, vừa khiến sản phẩm không ngon, vừa thu hút sâu bệnh. Vì có sâu bệnh nên nông dân phải xịt thuốc, dẫn đến vấn đề về vệ sinh an toàn thực phẩm nên người tiêu dùng chê”- GS Võ Tòng Xuân cho biết.
Do đó, Ts. Phạm S, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng cho rằng, cần tập trung quản lý chặt chẽ quy hoạch, sản xuất các cây trồng, vật nuôi có lợi thế tiềm năng xuất khẩu cao như tiêu, gạo, cao su, chè, cà phê, điều, tơ tằm, rau, quả, ca cao… Cùng với đó là quản lý nông sản đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.
Còn theo Ts. Doãn Công Khánh - Viện Nghiên cứu Thương mại, áp lực hội nhập bắt buộc Việt Nam phải có một nền nông nghiệp hàng hóa, cạnh tranh quốc tế. Bởi thời gian tới, khi các hiệp định thương mại tự do Việt Nam đã ký kết có hiệu lực, hàng Việt Nam sẽ vấp phải sức công phá mạnh mẽ của hàng ngoại đổ bộ vào. Các thị trường truyền thống sẽ trở nên xa vời do yêu cầu cao về chất lượng, mẫu mã.
Theo ông Khánh, cần xác định chiến lược chung của nền kinh tế, từ đó xác định các sản phẩm chủ chốt và thị trường tiêu thụ, nếu xác định chiến lược chung của nền kinh tế nước ta là hướng về xuất khẩu thì kinh tế nông thôn, nông nghiệp sẽ xuất cái gì ra thị trường thế giới và khu vực.
Thy Hằng
Theo Enternews