Sự kiện hot
11 năm trước

Ngô dạo chết mòn vì tiếng oan

Đạp xe lòng vòng như tập thể dục cũng đút túi ngót 30 triệu đồng/tháng; Bán ngô dạo nhưng có tiền xây nhà lầu…


Nghề ngô bán dạo giờ kèm theo cả bánh khúc. Ảnh: Hà Phương.

Những lời đồn thổi về nghề bán ngô dạo khiến ai nghe cũng phải… tị. Vậy nhưng, ít ai biết, sau những con số “khổng lồ” vu vơ đó là những mảnh đời cơ cực, tủi hờn với bao nỗi niềm chất chứa.

Chết… oan!

Gần đây, có nhiều thông tin cho rằng bán ngô luộc dạo là một trong những nghề kiếm bộn tiền. Theo lời đồn thổi này thì chủ nhân của những xe ngô luộc dạo có thể đút túi ngót 1 triệu đồng/ngày. Với con số này, nhân với 30 ngày thì cho ra khoản thu nhập “khổng lồ” tới 30 triệu đồng/tháng. Lời đồn thổi nghe qua ai cũng “choáng”, vậy nhưng khi xâm nhập khu trọ dành cho những lao động chuyên nghề bán ngô luộc mới thấy thực tế… xót xa. Phần lớn chủ nhân của những xe ngô dạo đều là người lao động nghèo, không nghề nghiệp ổn định, chạy… hết cửa không kiếm ra miếng cơm nên họ đành đi… dạo với nồi ngô. Cái xe thồ nồi ngô luộc không mang về cho họ tiền triệu như lời đồn thổi, mà đôi lúc còn “gánh” cả nỗi xót xa, tủi hờn lẫn hiểm nguy.

“Xóm ngô luộc” Đồng Bát (Mai Dịch, Cầu Giấy, Hà Nội) sáng sớm thưa người qua lại. Gần 300 cư dân của xóm ngụ cư này vẫn đang chìm trong giấc ngủ dù ngoài kia mặt trời đã gần đứng bóng. Họ đi ngủ lúc 3h sáng, có người tận 6h sáng mới lọc cọc, uể oải xoa chân lên giường. Anh Tân là một người bán ngô dạo hiếm hoi mà chúng tôi tìm được vào lúc này, khi anh đang hì hục vá chiếc xăm xe ba gác tự chế vừa bị nổ nát bét từ đêm hôm trước. Thấy chúng tôi, anh nói: “Anh thấy đấy, lấy đâu ra tháng 30 triệu đồng như người ta nói. Ngày nào cũng thừa vài bắp thì con em coi như móm”. Chiếc xe ba gác tự chế, với đôi lốp đã trơn nhẵn bóng, cứ vài đêm lại nổ tanh bành một lần nhưng anh vẫn chưa đủ tiền để thay mới. Số tiền kiếm được anh phải ki cóp gửi về cho 2 con nộp họp phí. Mỗi ngày, hành trình kiếm cơm của anh Tân là đạp xe chở ngô đi từ 4h chiều đến hơn 3h sáng với lộ trình Nghĩa Tân - Xuân Thủy - Cầu Giấy - Phạm Văn Đồng - Doãn Kế Thiện… Anh cho biết, tháng nào khá khẩm lắm anh cũng chỉ kiếm được 3 triệu đồng. Với mức thu nhập này, trừ chi phí ăn uống, thuê trọ anh chỉ còn chút ít để dành mà thôi.

Anh Tân quê ở Lương Sơn (Hòa Bình) lên Hà Nội bán ngô được gần chục năm. Anh bảo, dạo này nghề ngô dạo lao đao, không bán được hàng bởi tin đồn bắp ngô bán dạo luộc bằng hóa chất, muối diêm, đường hóa học, pin, chì, thậm chí còn có tin đồn ác ý cho rằng ngô “ủ hóa chất không cần luộc”. Anh Tân thở dài: “Cứ đà này có khi em phải chuyển nghề”. Anh cho biết, trong xóm ngô luộc này đã có nhiều người chuyển sáng bán xôi đêm. Số còn lại sống lay lắt chờ đợi và hi vọng mọi người sẽ ăn ngô trở lại và “xóm ngô luộc” sẽ lại nhộn nhịp mỗi khi chiều đến.


Nụ cười hiếm hoi khi có khách mua.

Nỗi lo mưu sinh

Xóm trọ nghèo nàn, lụp xụp, những con người tưởng chừng như chẳng có gì phải giấu diếm bỗng trở nên xét nét lạ thường. Chị Hoài, người mới thức giấc, gặp chúng tôi chị cho biết: “Cứ thấy người lạ, ai cũng nghĩ là công an. Gần đây, công an hay hỏi chúng tôi lắm. Nếu có kẻ giả danh bán hàng cấm trà trộn vào xóm thì nguy cơ bị giải tán xóm lúc nào không hay”. Theo chị Hoài, không phải cơ quan chức năng vào hỏi thăm tạm trú, tạm vắng mà là điều tra về ma túy. Chị Hoài bảo: “Nhiều đêm, đi bán hàng gặp công an đề nghị kiểm tra bên trong nồi ngô. Ban đầu thì sợ, nhưng sau không còn sợ nữa vì mình làm ăn chân chính”. Theo chị, điều lo ngại nhất đối với những người bán ngô dạo là gặp những kẻ nghiện ma túy quấy rầy. “Người ta đồn rằng một số kẻ giả danh nghề bán ngô dạo nhưng thực chất là bán ma túy. Vì vậy nên chúng tôi mới gặp cảnh đang đi thì bị con nghiện lao từ trong ngõ ra, xì tiền đòi thuốc. Những lúc đó hồn vía lên mây, tay chân luống cuống, miệng ú ớ chẳng nói ra lời. Vì sợ mà một số người đã phải bỏ nghề, đặc biệt là chị em phụ nữ”, chị Hoài kể.

Ở Hà Nội, khó mà thống kê có bao nhiêu “xóm ngô luộc” ngụ cư, ví dụ  như ở Đồng Bát (Cầu Giấy), Khương Trung (Hà Đông), xóm nổi dưới chân cầu Long Biên... Đang vào mùa ngô nhưng khi chúng tôi đến, ở đâu cũng chung cảnh buồn hiu hắt. Ở Đồng Bát, đây gần như là xóm ngụ cư của người xã Hợp Thanh (Mỹ Đức) đến lập nghiệp. Được hình thành từ những năm đầu thập niên 90 thế kỷ trước, đời ông bà, bố mẹ, bây giờ đến đời con cháu nối nhau nghiệp bán ngô. Nỗi lo mưu sinh chưa bao giờ “quằn quại” như thời gian này, hơn 300 con người trong xóm không ai đủ lạc quan để nở một nụ cười. “Chưa bao giờ nghề ngô dạo bị hắt hủi như thế này, nào thổi phồng thu nhập, nào ngô độc rồi con nghiện quấy rầy… người dân ái ngại không dám mua ngô vì tưởng chúng tôi đi bán ma túy”, chị Linh - một người bán ngô dạo quê ở Hợp Thanh tâm sự.

Xóm ngô Khương Trung (Thanh Xuân) là nơi tập trung của những người lao động đến từ Hưng Yên. Những phòng trọ tạm bợ chưa đến 10m2 với giá cho thuê 500.000 đồng/tháng, điện 4.000 đồng/số, nước bình quân 80.000 đồng/người/tháng. Như bao nhiêu xóm ngụ cư với hàng chục, hàng trăm thứ nghề kiếm sống khác, những nóc nhà chen chặt trong không gian 20m2. Trong đó, một gian 10m2 có khi cả đại gia đình 8 thành viên, gồm ông bà, bố mẹ, con cháu sinh sống. Mùa ngô năm nay, nhiều người đứng ngồi không yên vì ngô ế, không có tiền đóng trọ.

Sát chân tường những “xóm ngô dạo” lụp xụp tồi tàn đó, nhiều tòa cao ốc đẹp đẽ đã mọc lên. Rồi một ngày, xóm ngụ cư mà người ta vẫn thường gọi với cái tên “xóm ngô khoai” sẽ biến mất trong cơn lốc đô thị hóa. Có đi mới biết, đằng sau mỗi xe ngô dạo là những mảnh đời cơ cực bần hàn chứ không hề sung túc, rủng rỉnh như những lời đồn thổi.

Hà Phương
theo GĐ&XH

Từ khóa: