Sau khi Nghị định 95 có hiệu lực với việc tăng nặng mức phạt và tịch thu tang vật, giao dịch ngoại tệ chợ đen tạm lắng. Gần đây, hiện tượng này tái xuất với hình thức mượn ngân hàng làm nơi giao dịch.
Sau khi Nghị định 95 có hiệu lực với việc tăng nặng mức phạt và tịch thu tang vật, giao dịch ngoại tệ chợ đen tạm lắng. Gần đây, hiện tượng này tái xuất với hình thức mượn ngân hàng làm nơi giao dịch.
Đại tá Bùi Văn Hà (Cục phó Cục cảnh sát kinh tế) cho biết đã có quyết định tịch thu 500.000 USD và hơn 10 tỷ đồng cùng với số tiền phạt 150 triệu đồng với hai doanh nghiệp giao dịch ngoại tệ trái phép. Sự việc xảy ra hôm cuối tháng 11, tại Phòng giao dịch Phan Xích Long thuộc Eximbank. Những người tham gia mua bán trái phép 500.000 USD là Vũ Quốc Đạt (41 tuổi, PGĐ Công ty TNHH Vận tải thương mại dịch vụ Minh Phúc). Bên mua là 2 nhân viên tiệm vàng Kim Mai (trụ sở tại quận 1) là Huỳnh Thanh Nhất Hiếu (38 tuổi) và Phan Anh Huệ (19 tuổi).
Tịch thu tăng vật và phạt nặng sẽ khiến người giao dịch ngoại tệ trái phép phải chùn tay. Ảnh: Lệ Chi
Theo khai nhận của Đạt, anh này được giám đốc chỉ đạo mang 500.000 USD của công ty đến Phòng giao dịch của Ngân hàng Eximbank để bán. Tuy nhiên, người này lại liên hệ bán cho tiệm vàng để hưởng chênh lệch tỷ giá. Theo kế hoạch, Đạt đã liên hệ với Hiếu bán 500.000 USD (tương đương trên 10 tỷ đồng). Sau khi giao dịch với giá 21.260 đồng mỗi USD thành công, người này sẽ chuyển toàn bộ số tiền Việt Nam vào tài khoản của Công ty Minh Phúc. Tuy nhiên, khi giao dịch vừa hoàn tất thì bị phát hiện. Ngoài ra, khai với cơ quan điều tra, chi nhánh tiệm vàng Kim Mai cũng cho biết số tiền mà 2 nhân viên mang đi mua ngoại tệ không phải là tiền của họ.
Trao đổi với VnExpress.net, ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước, chi nhánh TP HCM và đại diện Ngân hàng Eximbank xác nhận sự việc nêu trên. Tuy nhiên, cả hai đều cho rằng sự việc không quan tới trách nhiệm của ngân hàng vì số ngoại tệ được giao dịch giữa các doanh nghiệp với nhau.
"Các đối tượng thường giả như khách đến giao dịch tại ngân hàng và lợi dụng các điểm giao dịch này để gặp gỡ và mua bán ngoại tệ. Sau đó, họ chuyển tiền Việt Nam vào tài khoản luôn", ông Minh nói.
Liên quan tới thông tin một số doanh nghiệp cho rằng, hiện nay vẫn đang tồn tại tình trạng ngân hàng làm môi giới cho các công ty mua bán vượt tỷ giá trần. Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước TP HCM cho biết, hiện nay cơ quan này đã và đang tiến hành phối hợp với cơ quan công an để thanh kiểm tra các hoạt động mua bán, giao dịch ngoại tệ trái phép trên địa bàn thành phố.
"Thời điểm này đang trong quá trình kiểm tra nên chưa phát hiện ra trường hợp vi phạm nào khác. Tuy nhiên, nếu ngân hàng vi phạm cũng sẽ bị xử lý mạnh tay", ông Minh nói.
Nghị định 95/CP của Chính phủ ban hành ngày 20/10 năm nay về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 202 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và hoạt động ngân hàng đã có những hình thức xử lý nghiêm hơn. Theo đó, mức xử phạt vi phạm hành chính, có thể phạt tiền lên đến 500 triệu đồng.
Đặc biệt, điểm khiến những người giao dịch trái phép ngoại tệ phải “chùn tay”, đó là quy định mới của Nghị định 95 cho phép tịch thu tang vật là số ngoại tệ, đồng Việt Nam hoặc vàng đối với hành vi vi phạm.
"Lâu nay, các đối tượng vẫn nhờn thuốc bởi họ nghĩ rằng, chẳng may bị bắt thì cũng chỉ bị phạt hành chính. Nay, số tiền giao dịch rất lớn bị tịch thu, các đối tượng giao dịch trái phép phải xót của mà chùn tay", ông Minh nói.
Các chính sách quản lý ngoại hối hiện hành của đều đề cao mục tiêu trên lãnh thổ Việt Nam chỉ sử dụng đồng Việt Nam. Pháp lệnh Ngoại hối có hiệu lực 2006 xác nhận quyền sở hữu và sử dụng ngoại tệ hợp pháp của người dân. Theo pháp lệnh này, các cá nhân nếu có ngoại tệ tiền mặt được quyền cất giữ, mang theo người, bán cho các tổ chức tín dụng được phép hoạt động ngoại hối và sử dụng cho các mục đích hợp pháp khác. Người dân có ngoại tệ tiền mặt cũng có quyền gửi tiết kiệm, được rút tiền gốc và nhận tiền lãi bằng ngoại tệ tiền mặt.
Tuy nhiên, khi có nhu cầu về ngoại tệ, các cá nhân và tổ chức chỉ được mua tại các ngân hàng được cấp phép hoạt động ngoại hối, và phải xuất trình chứng từ hợp lệ chứng minh cho nhu cầu sử dụng hợp pháp đó.
Cũng theo Pháp lệnh Ngoại hối, trên lãnh thổ Việt Nam, mọi giao dịch, thanh toán, niêm yết, quảng cáo của người cư trú, người không cư trú không được thực hiện bằng ngoại hối, trừ các giao dịch với tổ chức tín dụng, các trường hợp thanh toán thông qua trung gian gồm thu hộ, uỷ thác, đại lý và các trường hợp cần thiết khác được Thủ tướng cho phép. Mọi giao dịch thanh toán và chuyển tiền liên quan đến xuất khẩu, nhập khẩu hàng hoá, dịch vụ phải thực hiện thông qua tổ chức tín dụng được phép.
|
Lệ Thanh - Quốc Thắng
Theo VnExpress