Sự kiện hot
13 năm trước

Người dân bắt đầu "méo mặt" lo bữa ăn Tết

Mỗi năm cứ Tết đến xuân về, các bà nội trợ chỉ thấy lo lắng, thở dài chứ không hứng thú gì, bởi "đến hẹn lại lên", dịp cận Tết là thời điểm giá hàng hóa, thực phẩm đua nhau leo thang, làm nhiều nhà "méo mặt".

Mỗi năm cứ Tết đến xuân về, các bà nội trợ chỉ thấy lo lắng, thở dài chứ không hứng thú gì, bởi "đến hẹn lại lên", dịp cận Tết là thời điểm giá hàng hóa, thực phẩm đua nhau leo thang, làm nhiều nhà "méo mặt".

Giá điện tăng, rồi mới đây là giá gas leo thang, giờ đến giá đồ ăn thức uống hàng ngày cũng như nhiều loại dịch vụ khác đội lên, khiến cuộc sống của nhiều gia đình càng chật vật hơn khi năm hết Tết đến, còn tầng lớp sinh viên, công nhân thì không khỏi méo mặt.

Tại các chợ nhỏ lẻ, dân sinh ở Hà Nội, giá nhiều loại đồ ăn thức uống rục rịch tăng từ cả tuần nay. Giá các loại thịt, cá, cua đã tăng thêm 5.000 – 30.000 đồng/kg.

Cụ thể, thịt lợn thăn, mông, ba chỉ tăng từ 100.000 lên 120.000 đồng/kg, có chợ bán 130.000 đồng. Thịt nạc thăn không mỡ lên 140.000 đồng/kg. Thịt bò thăn, bắp tăng từ 190.000 lên 200.000 – 210.000 đồng/kg.

Các loại cá rô, trắm, chép, quả cũng “đội giá” không kém. 1kg cá trắm tăng từ 70.000 lên 75.000 đồng, cá quả loại to tăng từ 90.000 lên 110.000 đồng, cá chép loại bé lên 60.000 đồng, loại to 70.000 đồng/kg…

Rau củ là mặt hàng tăng giá đầu tiên trong đợt rét lạnh kéo dài này tại Hà Nội, với mức tăng từ vài trăm tới vài nghìn đồng một bó hoặc kg. Bắp cải từ 7.000 nhảy lên 8.000 đồng/kg, cải ngọt từ 12.000 lên 15.000 đồng/kg, cải cúc tăng thêm 500 đồng, lên 3.000 đồng/bó. Các loại củ quả cũng nhích giá nhẹ. Xu hào từ 4.000 lên 5.000 – 6.000 đồng/củ, khoai tây tăng lên 13.000 – 14.000 đồng/kg, cà chua từ 12.000 vọt lên 15.000 đồng/kg… Có mức tăng mạnh nhất phải kể đến rau muống, từ giá 5.000 đồng/bó vọt lên 8.000 đồng, thậm chí có nhiều chợ bán với giá 12.000 đồng/bó, như tại chợ dân sinh trong ngõ 102 Trường Chinh.

Theo chị Lý, bán rau tại chợ Cầu Lủ (Khương Trung – Hoàng Mai), trời mưa rét nên việc thu hoạch rau gặp nhiều khó khăn, các lứa rau mới trồng chậm phát triển, nên có nhiều hộ trồng rau tăng giá bán. Cũng có những nơi giá rau lấy tại gốc chưa tăng, nhưng các lái buôn giao hàng đều đẩy giá lên, “mà chúng tôi chỉ là người mua đi bán lại, do đó buộc phải tăng giá theo”.

Người dân lại cảm thấy mệt mỏi, phập phồng lo âu với Tết khi hết giá lương thực, thực phẩm rồi giá gas tăng. Ảnh: Thu Hạ.

Còn chị Tình, bán thịt heo tại chợ Xanh, khu đô thị Định Công lý giải, sở dĩ giá thịt tăng là do công vận chuyển các loại thực phẩm tươi sống đã bị đẩy lên, với lý do trời mưa rét.

Từ hôm qua (5/1), giá gas đã chính thức tăng thêm 8.000 - 10.000 đồng/bình 12 kg. Như vậy, chỉ trong vòng 5 ngày đầu tiên của năm 2012, giá ga đã tăng 2 lần với tổng cộng mức tăng là 32.000 đồng/bình 12kg, kéo giá bán lẻ lên 383.000 đến gần 400.000 đồng/bình 12kg tùy loại.

Thùy Linh, sinh viên Đại học Lao động xã hội Hà Nội, cho hay, từ khi giá gas tăng, bình ga mini cũng đội giá theo, từ mức 5.000 lên 6.500 đồng/bình. Ngày nào nấu cả nước tắm thì 1 bình ga mini chỉ dùng được trong ngày. “Tiền điện cũng bị chủ nhà trọ tăng giá từ tháng trước, họ còn thông báo sau Tết tăng giá tiền nhà vì khu trọ nào cũng thế. Bây giờ đồ ăn thức uống lại leo thang, nên chúng em phải ăn uống rất tằn tiện và chỉ mua những thứ gì thật cần thiết thì mới đủ sống”, Linh nói.

Cũng cùng cảnh thuê nhà như Linh, nhưng chị Dung đã đi làm, có chồng và 1 con trai. Hai vợ chồng chị thu nhập mỗi tháng chỉ 8 triệu đồng, tiền nhà, điện nước hết gần 2 triệu. Còn lại là tiền ăn uống, xăng xe, điện thoại, gửi trẻ. Chị Dung kể, tháng nào mà không có cưới xin, bạn bè sinh con đẻ cái, thì 2 vợ chồng chị chi tiêu tiết kiệm lắm cũng chỉ để dành được khoảng 1 triệu đồng. “Thế nhưng giờ giá rau cỏ, gạo thịt lại tăng nên chắc chúng tôi chỉ mong sao đủ sống qua ngày”.

Không chỉ những người phải thuê nhà, nhiều gia đình công chức, tầng lớp bình dân ở Hà Nội cũng không khỏi hoang mang khi nhiều hàng hóa, dịch vụ thiết yếu cùng rủ nhau tăng vào dịp Tết.

Chị Hoa, ngụ ở Trung Văn (Hà Nội), cho hay, những ngày gần đây, xách giỏ đi chợ là chị lại thấy “hoa mắt” với giá cả. Nếu như trước đó, mỗi ngày đi chợ chị mua hết khoảng 100.000 đồng cả tiền hoa quả cho nhà 4 miệng ăn, thì hiện cũng từng ấy thứ, số tiền đã đội lên 120.000 – 130.000 đồng. “Như vậy, một tháng nhà tôi lại bị hụt thêm gần 1 triệu đồng vào khoản ăn uống, trong khi thu nhập 2 vợ chồng cả năm không tăng, tiền cho con cái ăn học ngày càng nhiều. Mỗi lần tôi lấy lương vài triệu, chỉ nhoáng vài hôm đã thấy tiền bay sạch, mà quay đi nhìn lại thấy mình chả mua sắm được gì đáng kể cho bản thân, nhà cửa”, chị Hoa than. 

Đúng là chưa bao giờ người dân lại cảm thấy mệt mỏi, phập phồng lo âu với Tết như hiện nay, vì vật giá leo thang từng ngày, đặc biệt điện, gas lại tăng giá ngay trước Tết. Nhiều nhà thay vì cố gắng nâng cao, cải thiện cuộc sống như kỳ vọng, đã phải tiếp tục chắt bóp, cắt giảm chi phí tiêu dùng, nhất là cho bữa ăn hàng ngày để khỏi lâm vào cảnh túng thiếu, nhất là tầng lớp thu nhập trung bình thấp, sinh viên, công nhân.

Còn những gia đình có thu nhập khá hơn cũng không thoát khỏi mối lo từ nay đến Tết Nguyên đán giá thực phẩm còn tăng mạnh nữa nếu thời tiết rét đậm kéo dài. Vì thế, không ít nhà đã tranh thủ mua sắm và trữ đồ Tết ngay từ giờ để tránh "bão giá". Tại các chợ lớn nhỏ, những gian hàng khô thời điểm này luôn đắt khách. Các bà nội trợ đã bắt đầu mua cả cân hành khô, tỏi, nấm hương, mộc nhĩ, miến… để dùng trong Tết. Nhóm hàng đồ uống, bánh kẹo tại các siêu thị cũng đang bán khá chạy.

Theo Dat Viet

Từ khóa: