Sự kiện hot
khoảng 1 năm trước

Người đàn ông 10 năm tình nguyện đi tìm danh sách các liệt sĩ ở trận địa sân bay LiBi

Nhìn danh sách liệt sĩ tưởng niệm ở miếu thờ tại trận địa sân bay LiBi ít ai biết rằng đó là cả tâm huyết của ông Nguyễn Phi Công, người đã ròng rã bỏ công tìm kiếm hơn 10 năm để xác minh thông tin.

Ký ức kinh hoàng

Tìm đến ông Nguyễn Phi Công (SN 1964, trú xã Cẩm Mỹ, huyện Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh) - Phó Giám đốc Ban quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Kẻ Gỗ vào một ngày hè oi bức. Nghe ông tâm sự về hành trình đi tìm lại tên cho các liệt sĩ tại trân địa sân bay LiBi khiến tôi không khỏi xúc động cũng như cảm phục ý chí của người đàn ông này.

Nét mặt đượm buồn của ông Nguyễn Phi Công khi kể về hành trình đi tìm danh sách các liệt sĩ.

Nhìn nét mặt đượm buồn ông ngồi nhớ lại về trận chiến kinh hoàng năm 1973. Khoảng 2h sáng ngày 7/1/1973 cả làng đang ngủ bỗng những trận "mưa bom" như xé toang cả bầu trời khiến ai nấy đều tỉnh giấc. Ngày hôm đó, số người chết quá nhiều nên cán bộ xã phải đi vay quan tài của bà con nhân dân để khâm liệm...

Thời điểm đó, dường như quân Mỹ còn bao nhiêu bom đạn mang ra đánh phá miền Bắc đã trút sạch lên tuyến đường 22 và sân bay dã chiến LiBi (Công trình 723 Quốc phòng). Bầu trời đêm xã Cẩm Mỹ sáng rực cả một vùng.

Trời sáng, lực lượng chức năng đã huy động người vào tìm kiếm, đưa hàng chục thi thể về nghĩa trang Đá Bạc (xã Cẩm Mỹ) chôn cất, còn người bị thương được đưa vào Trạm xá Thạch Hà nhiều vô kể.

"Tôi chỉ nhớ là người chết nhiều, bố tôi hồi đó công tác tại Hợp tác xã mua bán của xã Cẩm Mỹ đã mang quan tài vào chôn cất các liệt sĩ. Tuy nhiên, số quan tài dự trữ không đủ nên phải đi mượn thêm của dân làng", ông Nguyễn Phi Công nhớ lại.

Những ký ức đó đối với cậu bé Nguyễn Phi Công không bao giờ quên.

10 năm đi tìm lại tên cho các liệt sĩ

Sau khi đất nước thống nhất, hồ Kẻ Gỗ được tỉnh xây dựng lại để nhằm phục vụ công tác tưới tiêu cho các huyện hạ du. Đây được xem là công trình mang ý nghĩ lịch sử cho nền nông nghiệp của tỉnh nhà thời bấy giờ. Cũng chính vì thế mà trận địa sân bay dã chiến LiBi chìm trong biển nước, tuy nhiên những chính tích lịch sử đó vẫn hiện rõ khi mỗi mùa nước cạn.

Cậu bé Nguyễn Phi Công năm nào bây giờ đã trở thành Phó Giám đốc Khu bảo tồn thiên nhiên Kẻ Gỗ. Nhiều lần dẫn các đoàn công tác, tham quan nghiên cứu ở khu vực lòng hồ, ông thường kể lại những ký ức, sự hi sinh của bao lớp người trên tuyến đường 22 và trận bom ở sân bay dã chiến LiBi.

Qua lời kể của ông Nguyễn Phi Công, một số nhà hảo tâm đã quyên góp, đặt vấn đề muốn xây dựng một di tích để tưởng nhớ bao thế hệ cha ông từng hi sinh tại đây. Nguyện vọng trên đã được chính quyền địa phương đồng ý, phối hợp.

Ngôi miếu thờ các liệt sĩ hi sinh trên tuyến đường 22 và trận đánh sân bay LiBi.

Năm 2010, ngôi miếu nhỏ với kinh phí 130 triệu đồng được xây dựng nơi thượng nguồn hồ Kẻ Gỗ, đến năm 2011 thì hoàn thành và được công nhận là Di tích lịch sử cấp tỉnh. Sau khi ngôi miếu được dựng lên, đã có rất nhiều đoàn đến thắp hương, tưởng nhớ những hồn thiêng giữa đại ngàn.

Tuy nhiên, ngôi miếu này chỉ thờ chung chứ không có thông tin cụ thể của các liệt sĩ. Với mong muốn để người đời sau biết được các anh hùng liệt sĩ đã hi sinh. Cũng như các đoàn đến tham quan, thắp hương được biết đến câu chuyện lịch sử của những người được thờ. Hơn 10 năm qua ông Công đã bỏ công sức đi tìm danh sách các liệt sĩ đã hi sinh trên tuyến đường 22 và trận đánh sân bay LiBi.

Ông Công cho biết: Vì không có danh sách hay lịch sử nào ghi chép nào ghi lại nên việc tìm kiếm của ông rất khó khăn. Ông đi tìm hỏi các cụ già cao niên ở trong xã Cẩm Mỹ nhưng họ cũng không nắm được, vì những người hi sinh ở đây chủ yếu là những người nơi khác đến.

Từ năm 2011 cứ vào những ngày nghỉ ông lại đi tìm thông tin các các liệt sĩ, cứ nghe thông tin hay có thể tìm được danh sách các liệt sĩ ở đâu là ông đi đến đó. Ròng rã 7 năm trời nhưng mọi thứ dường như vẫn đi vào ngõ cụt.

May mắn thay năm 2018, sau khi biết những trăn trở của ông, một người trong xã đã dẫn ông đến gặp ông Hoàng Trọng Đồng (trú tại thành phố Hà Tĩnh, nguyên Giám đốc Ty Kiến trúc Hà Tĩnh), lúc này ông mới bắt đầu có thông tin về các liệt sĩ.

Từ thông tin nhân chứng cung cấp, sau nhiều lần về xã Đức Lâm (nay là xã Lâm Trung Thủy, huyện Đức Thọ) tìm liệt sĩ có tên là chị Tân. Qua nhiều bước, ông Công đã xác định được đó chính là liệt sĩ Nguyễn Thị Tân (hy sinh năm 18 tuổi). Liệt sĩ Nguyễn Thị Tân là công nhân của Ty Kiến trúc Hà Tĩnh, được điều động vào làm sân bay dã chiến LiBi.

"Lúc đó, tôi cảm động đến rơi nước mắt. Dù vẫn biết không hề dễ dàng nhưng nó đã tiếp thêm niềm tin cho tôi tiếp tục đi tìm những liệt sĩ khác", ông Nguyễn Phi Công hồi tưởng.

Danh sách các liệt sĩ được ông Nguyễn Phi Công tìm thấy được in trang trọng trước miếu.

Sau khi tìm được tên liệt sĩ Nguyễn Thị Tân, năm 2018, qua những nhân chứng được kết nối, ông Nguyễn Phi Công đã có danh sách 12 liệt sĩ.  

Đến nay, sau hơn 10 năm kiếm tìm và kết nối, gặp gỡ nhiều nhân chứng, ông tạm thời có được danh sách 28 thanh niên xung phong hy sinh trên tuyến đường 22 và 32 liệt sĩ hy sinh tại sân bay LiBi trong trận tập kích của địch ngày 7/1/1973.

Để có danh sách các liệt sĩ ghi trong miếu, ông Công không chỉ bỏ thời gian, tiền bạc mà còn là những giọt mồ hôi những lần lặn lội đến các địa phương khác như Nghệ An, Quảng Trị. Chỉ cần có một chút thông tin nhỏ là ông lại xách ba lô lên đường. Có những chuyến đi mang lại cho ông những kết quả đáng quý khi tìm ra được thông tin của một liệt sĩ nào đó, nhưng cũng có những chuyến đi công cốc.

"Để có tên các liệt sĩ từ nhân chứng phải qua hàng năm trời, có liệt sĩ phải mất 4 năm đi xác minh tại địa phương và thân nhân. Bởi tôi muốn làm rõ phần gốc, sự thật về những hi sinh thiêng liêng đó không cho phép tôi được vội", ông nói.

Cũng nhờ cặn kẻ, đi xác minh từng trường hợp một mà ông mới phát hiện ra trường hợp của liệt sĩ Phạm Thị Thu. Vì khi tìm danh sách ở nghĩa trang thì là Phan Thị Thu, nhưng tới lúc gặp thân nhân của liệt sĩ mới biết được chị thực tế là Phạm Thị Thu. Chính vì thế mà ông không bao giờ cho phép mình vội vàng.

Những vết tích của sân bay LiBi còn nguyên vẹn sau mùa nước cạn.

Nhìn nét mặt đăm chiêu có chút đợm buồn của ông khi mà chưa thể tìm hết được tên danh sách các liệt sĩ tôi mới hiểu được mười mấy năm qua công sức của ông bỏ ra thật là quý giá, có những người như ông thì thế hệ sau như chúng tôi mới biết được sự hi sinh, những đóng góp của các thế hệ đi trước để có một đất nước Việt Nam độc lập, hòa bình như bây giờ.

Không phải chức trách, nhiệm vụ của mình nhưng với lòng biết ơn, tưởng nhớ đến những anh hùng dân tộc đã hi sinh bảo vệ sự bình yên cho đất nước, và cũng là tinh thần của một người lính ông muốn cho thế hệ mai sau biết đến và ghi nhận những công lao của những người đã ngã xuống trên trận chiến này.

Câu chuyện về hành trình đi tìm thông tin các liệt sĩ của ông không thể nói trong một vài trang có thể hết được, nhưng qua đó chúng ta có thể thấy được tinh thần của người lính không bao giờ bỏ cuộc.

Diễm Phước/KTĐU

Từ khóa: