Trong thời đại công nghệ số hiện nay, các hình thức lừa đảo qua điện thoại ngày càng trở nên tinh vi và phổ biến. Người dùng cần nâng cao cảnh giác và nhận biết các chiêu trò lừa đảo để bảo vệ tài sản và thông tin cá nhân của mình.
Giả danh các thương hiệu, doanh nghiệp hãng hàng không gọi điện mời chào các chương trình “khuyến mãi hè”
Lợi dụng thời điểm kỳ nghỉ hè 2024 gần tới các đối tượng lừa đảo lợi dụng nhu cầu mua vé máy bay đi du lịch, về quê… của người dân nhằm chiếm đoạt tài sản.
Với thủ đoạn thao túng tâm lý, tự nhận là nhân viên của hãng nên có chiết khấu cao, giả mạo đại lý ủy quyền để đưa ra các mức giá hấp dẫn, đặt nhanh không “hết vé”, “vé giá cao hơn”, tiếp cận nạn nhân thông qua cuộc gọi, tin nhắn hoặc phát tán trên các nền tảng mạng xã hội để dẫn dụ người dân nhẹ dạ cả tin tham gia, mua hàng.
Ngay sau khi người bị hại chuyển tiền, đối tượng lập tức chặn liên lạc, xóa toàn bộ dấu vết các tài khoản đã sử dụng liên hệ.
Trung tâm VNCERT/CC khuyến cáo trước khi thực hiện bất cứ giao dịch nào, người dân cần tìm hiểu kỹ và xác nhận thông tin, khi có nhu cầu mua vé máy bay, người dân nên trực tiếp đặt vé qua website chính của hãng hàng không, không nên giao dịch qua bên trung gian thứ ba hay các đại lý khi không rõ về chất lượng, độ uy tín.
Giả mạo cục CSGT nhắn tin thông báo phạt nguội
Tin nhắn với nội dung: Đây là Cục CSGT bạn có một biên lai cần nộp phạt. Đây là thông báo cuối, gọi 102xxx để nghe lại (Miễn phí). Chi tiết l/h 9090 (200đ/p).
Nhiều người dân khi được nghe thông báo này rất hoang mang, lo sợ nên dã sập bẫy, mất tiền. Các đối tượng này yêu cầu người nghe máy chuyển tiền vào tài khoản định sẵn của đối tượng lừa đảo hoặc cung cấp mã OTP để chuyển tiền vào tài khoản của chúng với vỏ bọc xác minh, điều tra, xử lý “phạt nguội”. Đồng thời, yêu cầu nạn nhân giữ bí mật với gia đình, kể cả nhân viên ngân hàng về mục đích chuyển tiền để chiếm đoạt. Khi đã chuyển xong tiền, gọi lại số điện thoại kia thì đều không liên lạc được.
Trung tâm VNCERT/CC khuyến cáo theo quy định của luật xử lý vi phạm hành chính (Nghị định 100 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, đường sắt, Thông tư 65 của Bộ Công an quy định nhiệm vụ, quyền hạn, hình thức, nội dung và quy trình tuần tra kiểm soát xử lý vi phạm hành chính về giao thông đường bộ của Cảnh sát giao thông): Tất cả các trường hợp vi phạm trật tự an toàn giao thông được phát hiện, thông qua hệ thống giám sát hoặc các thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ, đều được lực lượng Cảnh sát giao thông gửi thông báo bằng văn bản tới chủ phương tiện, hoặc người điều khiển phương tiện vi phạm đề nghị tới đơn vị phát hiện vi phạm để xử lý (phạt nguội). Khi nhận được giấy thông báo vi phạm của cơ quan chức năng, đến ngày hẹn, chủ xe hoặc người điều khiển mang đầy đủ giấy tờ cần thiết lên trụ sở công an làm việc.
Trước thực trạng các cuộc gọi rác, cuộc gọi có dấu hiệu lừa đảo diễn ra, người dân cần lưu lại các bằng chứng (tin nhắn hoặc ghi âm cuộc gọi) thực hiện phản ánh tới Doanh nghiệp viễn thông quản lý thuê bao để yêu cầu xử lý nếu có hiện tượng trên. Ngoài ra, người dân cần báo ngay cho cơ quan Công an để xử lý hoặc thông báo đến số điện thoại trực ban hình sự 0692348560 của Cục Cảnh sát hình sự để được hướng dẫn kịp thời.
Giả mạo nhân viên rạp chiếu phim gọi điện tuyển cộng tác viên online
Đối tượng gọi điện tự xưng là nhân viên rạp chiếu phim, tạo các trang mạng xã hội giả mạo chạy quảng cáo để mời chào cộng tác viên online, đánh giá video, phim để nhận tiền thưởng hấp dẫn. Khi nạn nhân đồng ý tham gia, đối tượng dụ dỗ nạn nhân tham gia vào nhóm Telegram để gặp nhân viên chăm sóc khách hàng; hướng dẫn truy cập website có giao diện, hình ảnh giả mạo rạp chiếu phim để thực hiện nhiệm vụ kiếm tiền trực tuyến.
Ban đầu khi xem và đánh giá phim, nạn nhân sẽ được trả một khoản tiền nhỏ để tạo niềm tin. Đến các nhiệm vụ tiếp theo, đối tượng yêu cầu nạn nhân chuyển khoản tiền để nhận lại số tiền hoa hồng lớn so với tiền nạp để thực hiện nhiệm vụ. Lúc này, các đối tượng sẽ báo lỗi, tiền bị treo để yêu cầu nạn nhân tiếp tục thực hiện nhiệm vụ mới và được hoàn trả lại số tiền cũ. Do tâm lý ham lợi, nạn nhân đã bị đối tượng lừa đảo, dụ dỗ nạp số tiền lớn. Đến khi nạn nhân hết khả năng nạp tiền thì mới biết mình bị lừa đảo.
Theo thông tin trên, Trung tâm VNCERT/CC khuyến cáo người dân tuyệt đối không tham gia vào các nhóm tuyển cộng tác viên online khi chưa có thông tin xác thực, đặc biệt là thông tin chính thức từ các thương hiệu.
Mạo danh nhà mạng dọa “khóa thuê bao”
Người dùng nhận được một cuộc gọi thông báo họ sắp bị khóa thuê bao. Sau đó đối tượng lừa đảo tự xưng là nhân viên của các nhà mạng, yêu cầu người dùng cung cấp họ tên, số căn cước công dân… để cập nhật thông tin thuê bao. Trong trường hợp không thực hiện ngay, SIM sẽ bị khóa sau vài tiếng nữa.
Nếu người dùng từ chối cung cấp, các đối tượng đưa ra nhiều lời đe dọa về việc thuê bao sẽ bị khóa và yêu cầu người dùng làm theo hướng dẫn. Lúc này, nếu người dùng thực hiện theo các hướng dẫn sẽ có nguy cơ mất quyền kiểm soát SIM điện thoại và kẻ xấu sẽ chiếm đoạt các tài khoản như mã OTP ngân hàng, lấy thông tin cá nhân của người dùng nhằm mục đích lừa đảo, chiếm đoạt tài sản.
Trung tâm VNCERT/CC khuyến cáo: quá trình chuẩn hóa thông tin thuê bao không có nội dung nào cần thông tin liên quan đến tài khoản ngân hàng. Do vậy, người dân tuyệt đối không thực hiện thao tác liên quan đến chuyển tiền, đăng nhập tài khoản ngân hàng. Quá trình chuẩn hóa thông tin hoàn toàn miễn phí, người dân chỉ tiếp nhận thông tin và làm theo hướng dẫn khi nhận được tin nhắn chính thức từ brand name của nhà mạng.
Mạo danh công an yêu cầu đăng ký, cập nhật định danh điện tử
Các đối tượng gọi điện thoại tự xưng là công an yêu cầu công dân chụp ảnh, cung cấp thông tin cá nhân như căn cước cá nhân,… hoặc các giấy tờ khác… Lấy lí do để kích hoạt giúp tài khoản định danh điện tử, không cần đến cơ quan công an, các đối tượng xấu yêu cầu người dân cài đặt và sử dụng ứng dụng VneID (thực tế là ứng dụng độc hại do kẻ xấu tạo ra).
Do không nắm được thông tin, một số người đã cung cấp các thông tin cá nhân quan trọng liên quan đến số điện thoại, số tài khoản và bị các đối tượng lợi dụng, chiếm quyền sử dụng điện thoại, sau đó chiếm đoạt tiền trong tài khoản.
Trước những thông tin trên, Trung tâm VNCERT/CC khuyến cáo cơ quan công an chỉ vận động công dân đến trụ sở Công an xã, phường, thị trấn nơi thường trú hoặc nơi gần nhất để làm định danh điện tử mức 2; chỉ có 1 ứng dụng duy nhất là ứng dụng VneID để kích hoạt định danh điện tử mức 2; việc định danh điện tử mức 2 phải do công dân trực tiếp đi làm do phải chụp ảnh, quét vân tay nên không thể làm thay. Vì vậy khi nhận được các cuộc gọi tự xưng là công an yêu cầu công dân tải, cài đặt ứng dụng khác với ứng dụng VneID, hay cung cấp thông tin cá nhân như CCCD, giấy tờ khác,… để kích hoạt đó là các đối tượng giả danh Công an để nhằm mục đích thu thập thông tin để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản.
Tiến Hoàng (t/h)/KTDU