Dantin - Khi nghe tòa tuyên án, chị những tưởng mọi thứ đã chấm hết với mình. Nhưng bằng ý chí, nghị lực và cả tấm lòng bao dung của người thân và xã hội, chị đã có cơ hội làm lại cuộc đời. Người phụ nữ ấy không quên “trả nợ cuộc đời” bằng những nghĩa cử cao đẹp như một cách chuộc lại các sai lầm của quá khứ.
Chị là Tô Thị Kim Loan (SN 1972, trú tại thôn Ngọc Quỳnh, thị trấn Như Quỳnh, huyện Văn Lâm, tỉnh Hưng Yên). Từng là một phạm nhân với mức án 7 năm tù vì tội tàng trữ, buôn bán trái phép chất ma túy, chị hiểu hơn ai hết mối hiểm họa của “cái chết trắng”. Trở lại với cuộc sống đời thường, chị quyết tâm “sửa sai” bằng cách tham gia tích cực vào công tác tuyên truyền phòng chống các tệ nạn xã hội, gìn giữ an ninh trật tự khu dân cư.
Một bước sa chân
Sinh ra trong một gia đình nông dân nghèo, lại đông anh em, tuổi thơ của cô bé Loan sớm phải gánh chịu những nhọc nhằn với mối lo miếng cơm, manh áo. Đến tuổi trưởng thành, vốn không nghề nghiệp trong tay, Loan nhanh chóng kết hôn với hy vọng tìm được một chỗ dựa cho cuộc đời. Năm 1992, đám cưới của chú rể 21 tuổi Ngô Văn Toan và cô dâu trẻ vừa tròn đôi mươi Tô Thị Kim Loan diễn ra một cách chóng vánh và đơn sơ như chính bữa cơm đạm bạc gian khó giữa bộn bề toan lo của hai gia đình. Thời gian đầu sau khi kết hôn, cuộc sống của đôi vợ chồng trẻ trôi qua khá êm đềm dù vẫn còn thiếu thốn trăm bề. Nhưng khi những đứa con lần lượt chào đời, gia đình nhỏ bé của Loan rẽ sang một hướng khác. Không cam lòng để con phải sống trong đói khổ, vợ chồng Loan bàn nhau vay tiền mở xưởng chế biến bóng bì lợn tại nhà với hy vọng sẽ sớm đổi đời. Thế nhưng, khi công việc làm ăn vừa kịp đi vào ổn định thì tai họa ập đến. Trong một lần sấy bì lợn, vì bất cẩn, nhà xưởng của gia đình Loan bị bà hỏa ghé thăm, thiêu rụi tất cả. Toàn bộ số vốn ít ỏi mà vợ chồng Loan vất vả lắm mới tích cóp được trong chốc lát tan thành mây khói. Cuộc sống vốn chẳng dư dả càng trở nên túng quẫn.
Vùng vẫy trong cơn bĩ cực vẫn không thể thoát ra được cái đói, cái nghèo và khoản nợ treo lơ lửng trên đầu, Loan bắt đầu nghĩ đến chuyện làm liều. Đầu năm 2000, “cơn bão” ma túy bắt đầu lan từ thành phố về nơi “phố huyện” nơi gia đình Loan sinh sống. Lợi dụng “cơn bão” đó, nhiều gia đình đã lao vào buôn bán, phân phối lẻ chất ma túy để kiếm lời. Nguồn thu nhập “siêu lợi nhuận” từ “cái chết trắng” này đã giúp cho không ít gia đình “phất” lên trông thấy. Loan quyết định nhắm mắt làm liều theo với hy vọng sớm kiếm được tiền trả nợ và lo cho gia đình. Tham gia vào một đường dây buôn bán ma túy ở thị trấn Như Quỳnh, mục đích ban đầu của Loan chỉ là làm một thời gian cho đến khi trả xong nợ sẽ thôi. Nhưng nguồn lợi lớn từ món “hàng trắng” khiến Loan cứ dấn chân vào mãi không rút ra được. Đến khi Loan nhận ra được hậu quả thì mọi chuyện đã quá muộn. Cuối năm 2000, Loan bị CA tỉnh Hưng Yên bắt trong một đợt truy quét một đường dây buôn bán ma túy lớn trên địa bàn tỉnh và bị kết án 7 năm tù về hành vi “Tàng trữ, buôn bán trái phép chất ma túy”.
“Chỉ thương nhất là bọn trẻ…”
Chính hai người con là động lực giúp chị Loan làm lại cuộc đời.
Trong thời gian thi hành án trong trại giam, Loan có thêm những khoảng trống, khoảng lặng để suy nghĩ về hành vi của mình. Chỉ vì ham kiếm tiền nhanh chóng mà Loan khiến hạnh phúc gia đình tan vỡ, hai đứa con dại bơ vơ, người thân, họ hàng thì mang tiếng xấu. Càng ngẫm Loan càng thấm thía hơn về tội lỗi của mình. Nỗi ân hận, tâm trạng day dứt và cả nỗi nhớ con cồn cào, quay quắt cứ trở đi trở lại trong trâm trí Loan, dằn vặt chị ngay cả trong những giấc mơ. Điều Loan lo lắng nhất là tương lai của hai đứa con thơ. Nếu có điều gì không hay xảy ra với bọn trẻ, có lẽ cả đời Loan sẽ phải sống trong dằn vặt. “Nghĩ đến con, tôi lại càng quyết tâm cải tạo tốt hơn để sớm trở về với chúng. Cũng may trong thời gian tôi ở trong trại giam, mẹ chồng tôi đã thay tôi chăm sóc cho bọn trẻ. Lần nào vào thăm nuôi, bà cũng động viên tôi rất nhiều. Những lần gặp mẹ tôi đã khóc rất nhiều. Đến lúc đó tôi mới thật sự hiểu ra, chính danh dự, nhân phẩm, hạnh phúc gia đình mới là điều đáng giá chứ không phải những đồng tiền bất chính. Nhất là những đồng tiền kiếm được từ việc gieo rắc “cái chết trắng” cho đồng loại”, chị Loan nhớ lại.
Nhờ quá trình cải tạo tốt, năm 2005, Tô Thị Kim Loan được ân xá, mãn hạn tù trước thời hạn 2 năm. Trở về với cuộc sống bình thường khi đã 33 tuổi với gia tài lớn nhất và duy nhất còn lại là hai đứa con, chị bắt đầu làm lại cuộc đời. “Thời gian đầu tôi mới trở về, đi đâu cũng nghe những lời xì xào, bàn tán và dè bỉu của mọi người xung quanh. Nhiều lúc cũng ê chề và tủi thân lắm, chỉ muốn chạy ngay về nhà, trùm chăm mà khóc thôi. Nhưng càng nghĩ đến hai đứa nhỏ tôi lại càng không thể làm thế. Nếu bản thân tôi không tự lấy lại niềm tin từ mọi người xung quanh thì lớn lên con cái tôi sẽ là người khổ nhất. Cũng may, sau một thời gian, mọi người cũng hiểu, thông cảm và quay lại giúp đỡ tôi. Nếu không có những tấm lòng độ lượng, vị tha và nhân hậu của hàng xóm, láng giềng và người thân, tôi sẽ chẳng thể có được ngày hôm nay”, chị Loan kể.
Khi đã lấy lại được niềm tin của mọi người việc đầu tiên chị Loan phải làm là phát triển kinh tế gia đình, giải quyết những khoản nợ còn lại. Thời điểm đó quá trình công nghiệp hóa đang diễn ra mạnh mẽ trên toàn tỉnh Hưng Yên, trong đó có thị trấn Như Quỳnh. Nhà máy, khu công nghiệp đua nhau mọc lên, hàng ngàn công nhân từ khắp nơi đổ về Như Quỳnh làm việc. Nắm bắt được nhu cầu nơi ở đang lên cao, chị quyết định vay mượn anh em, họ hàng được 70 triệu đồng, xây được 10 phòng trọ cho công nhân thuê. Nguồn thu từ việc cho thuê phòng trọ giúp chị trả được hết nợ chỉ 3 năm sau đó, cuộc sống của gia đình dần đi vào ổn định.
Trả nợ cuộc đời
Chị Loan tham gia hoạt động trong công tác xã hội.
Khi mối lo kinh tế gia đình được giải quyết, chị Loan bắt đầu có thời gian thực hiện nguyện vọng đã ấp ủ từ thời gian còn ở trong tù, đó là “trả nợ cuộc đời”. Từng vướng vào vòng lao lý vì nhận thức hạn chế, chị Loan hiểu rằng có không ít người đang mắc sai lầm như mình trước đây. Khi đã hoàn lương, chị mong muốn được giúp những người đang lạc lối quay trở lại trước khi quá muộn. Bằng những lời tâm tình, chị lấy câu chuyện cuộc đời mình làm bài học, làm minh chứng sống cho cái giá phải trả khi vướng vào vòng xoáy của ma túy. Chị làm việc đó thầm lặng, xuất phát từ mong muốn sẽ không còn ai đi theo vết xe đổ của mình, như một cách chuộc lỗi với cuộc đời.
Nhận thấy tâm huyết và khả năng của chị Loan, Hội Phụ nữ thị trấn Như Quỳnh tín nhiệm, giao cho chị phụ trách công tác tuyên truyền vận động bài trừ tệ nạn xã hội, thực hiện công tác dân số kế hoạch hóa gia đình tại địa phương. 8 năm gắn bó với công tác tuyên truyền, chị Loan trở thành người bạn thân thiết của không ít gia đình. Với sự nỗ lực của chính quyền địa phương và những cá nhân tích cực như chị Loan, thôn Ngọc Quỳnh, thị trấn Như Quỳnh không còn là điểm nóng về ma túy, an ninh trật tự được đảm bảo. Năm 2011, chị được Hội Phụ nữ huyện Văn Lâm, tỉnh Hưng Yên tặng giấy khen Cán bộ Hội cơ sở giỏi nhiệm kỳ 2006 – 2011. Trong suốt buổi trò chuyện với chúng tôi, chị cứ nhắc đi nhắc lại rất nhiều lần cụm từ “trả nợ cuộc đời” và bảo, chính khi hoạt động trong công tác xã hội ở địa phương, chị thấy lòng mình rất thanh thản. Nụ cười đã rạng rỡ trở lại trên gương mặt người phụ nữ từng nếm trải không ít thăng trầm. Niềm vui sống lương thiện, làm việc có ích cho xã hội khiến chị Tô Thị Kim Loan dường như trẻ hơn so với tuổi ngoài 40 của mình. Không bằng lòng với những gì đã có, người phụ nữ lầm lỡ thuở nào vẫn luôn nỗ lực trên chặng đường dài phía trước.