Sự kiện hot
7 năm trước

Người Hàn Quốc không cần phim phần tiếp theo

Trong lúc điện ảnh Hollywood ngày một lệ thuộc vào phim hậu truyện, tiền truyện, ngoại truyện thì các nhà làm phim Hàn Quốc dường như không cần đến dòng tác phẩm đó.

Tuần trước, A Taxi Driver là tác phẩm điện ảnh Hàn Quốc tiếp theo gia nhập “câu lạc bộ 10 triệu vé” tại quê hương. Với hơn 83 triệu USD doanh thu và 12 triệu lượt khán giả sau gần một tháng trình chiếu, phim chính thức lọt vào top 10 các bộ phim Hàn ăn khách nhất mọi thời đại.

Đứng trên A Taxi Driver lúc này là The Admiral: Roaring Currents, Ode to My Father, Veteran, The Host, The Thieves, Miracle in Cell No. 7, Assassination, Masquerade King and the Clown.

Điểm chung của cả mười tác phẩm? Không có bất cứ phim nào là phần hậu truyện (sequel), tiền truyện (prequel) hay ngoại truyện (spin-off)!

Thị trường ủng hộ điện ảnh nội và ý tưởng gốc

Nếu nhìn vào top 10 phim ăn khách mọi thời đại của Bắc Mỹ, dẫn đầu lúc này đang là Star Wars: The Force Awakens - tức phần bảy của loạt Chiến tranh giữa các vì sao - với 936 triệu USD.

Các phim thương hiệu kiểu này trong danh sách còn có Jurassic World, The Avengers, The Dark Knight, Rogue One: A Star Wars Story, Finding Dory Star Wars: Episode I - The Phantom Menace.

Chỉ có Avatar Titanic cùng của James Cameron là đến từ ý tưởng nguyên bản. Còn Beauty and the Beast (2017) thì vốn dựa trên câu chuyện cổ tích và tác phẩm hoạt hình nổi tiếng cùng tên của xưởng Walt Disney.

Thành công của A Taxi Driver tiếp tục cho thấy khán giả Hàn Quốc yêu các bộ phim có ý tưởng nguyên bản. Ảnh: Showbox.

Trở lại thị trường Hàn Quốc, đây là mảnh đất màu mỡ dành cho các công ty điện ảnh. Chỉ có 50 triệu dân, nhưng tính trung bình, mỗi người dân xứ kim chi mua vé xem phim 4,4 lần mỗi năm.

Quan trọng hơn, họ ưa thích phim nội hơn là các bom tấn Hollywood. Trong số các phim từng bán hơn 10 triệu vé tại xứ kim chi, chỉ có đúng bốn phim Hollywood.

Chúng bao gồm Avatar, Avengers: Age of Ultron, Interstellar, Frozen. Phim thương hiệu thêm một lần nữa “thất thế” trong con mắt người Hàn Quốc khi chỉ duy nhất phần hai của loạt The Avengers nằm trong danh sách này.

Cần gì phim phần hai?

Theo dõi lịch phim hàng năm của Hollywood trong thời gian qua, số lượng phim sequel, prequel hay spin-off lúc này chiếm số lượng đông đảo, nhất là khi các nhà làm phim chủ động xây dựng các vũ trụ điện ảnh như MCU, DCEU, Star Wars, The Conjuring, Dark Universe…

Người Hàn Quốc thực tế không thiếu phim phần tiếp theo. Đạo diễn lừng danh Im Kwon-taek từng cho ra đời bộ ba phim The General’s Son (1990-92).

Một nhà làm phim nổi tiếng khác là Kang Woo-suk có loạt Two Cops (1993-98). Hay thương hiệu phim kinh dị Whispering Corridors đã kéo dài năm phần kể từ năm 1998, nhưng thực tế chỉ chia sẻ bối cảnh chung là trường trung học.

Vợ tôi là gangster là một trong những thương hiệu phim gangster - hài hước thành công của điện ảnh Hàn hồi đầu thế kỷ XX. Ảnh: Cine21.

Điện ảnh Hàn Quốc có cú chuyển mình thần tốc kể từ cuối thế kỷ XX. Đó cũng là lúc làn sóng thương hiệu phim gangster - hài hước ra đời: năm tập phim Marrying the Mafia (2002-2012), bộ ba phim My Wife is a Gangster (2001-06), hai phim Mapado (2005-07), bộ ba phim My Boss, My Hero (2003-09), hai phim Hi, Dharma (2001-04).

Cũng là thương hiệu nhưng thuộc thể loại hình sự là bộ ba phim Public Enemy (2002-08). Chuỗi tác phẩm đến từ đạo diễn Kang Woo-suk và có tài tử Sol Kyung-gu đảm nhận vai chính.

Nhưng các phim phần tiếp theo của chính người Hàn tại một thị trường ủng hộ phim nội cũng không có được thành công quá lớn. Phim sequel Hàn Quốc ăn khách nhất là My Boss, My Teacher (2006) với hơn 6,1 triệu lượt khán giả, chỉ đứng thứ 48 trong danh sách các tác phẩm nội địa ăn khách nhất.

Trái với Hollywood, điện ảnh Hàn Quốc dường như thích mạo hiểm hơn. Họ cho phép các đạo diễn nổi tiếng thỏa chí sáng tạo, cho ra đời các sản phẩm mới dựa trên ý tưởng nguyên bản với ngân sách bom tấn, thay vì phải chạy theo các bộ phim có sẵn. Đây là sự ưu ái mà hiếm nhà làm phim nào có được lúc này tại phía bên kia bờ Thái Bình Dương như Christopher Nolan.

Lúc này, các studio tại Hollywood đang đua nhau chuyển thể truyện tranh lên màn ảnh, mà thành công nhất là Marvel Studios và DC Entertainment. Người Hàn không có “mỏ vàng” ấy, mà họ khai thác một thể loại khác: lịch sử và chiến tranh.

Chiến tranh và lịch sử luôn là đề tài điện ảnh được người Hàn Quốc yêu thích và được các nhà làm phim khai thác đầy nhân văn. Ảnh: Cine21.

Nội chiến bán đảo Triều Tiên chưa chính thức chấm dứt, và trở thành đề tài màu mỡ cho những nhà làm phim phía Nam, như Taegukgi - Cờ bay phấp phới (2004) hay mới đây là Operation Chromite (2016) đã chứng minh.

Họ cũng ngược dòng lịch sử để kể lại những sự kiện quan trọng của bán đảo Triều Tiên. Trong đó, chiến thắng kỳ diệu của đại tướng Yi Sun-shin trước hạm đội Nhật Bản được kể lại trong Roaring Currents, và tới nay là bộ phim Hàn ăn khách nhất mọi thời đại với 17,6 triệu lượt vé.

Nỗi đau hiện đại cũng không bao giờ bị bỏ quên. Ode to My Father (2014) - bộ phim ăn khách thứ hai - là bài học lịch sử giàu chất điện ảnh thông qua số phận của một người đàn ông sau khi bị chia cắt khỏi gia đình bởi Nội chiến Triều Tiên. The Attorney (2013) là cuộc đời của vị tổng thống gây tranh cãi Roh Moo-hyun.

Mới nhất, A Taxi Driver được người Hàn tự tin cử đi dự tranh hạng mục Phim nói tiếng nước ngoài xuất sắc của Oscar 2018. Đó là câu chuyện về cuộc đấu tranh chống lại bất công của người dân Gwangju, nhưng sau đó bị chính quyền dìm trong bể máu hồi năm 1980.

Rõ ràng, người Hàn Quốc có thừa chất liệu để thực hiện các bộ phim hấp dẫn khán giả quê nhà, mà không cần phải khai thác những thương hiệu có sẵn.

Làn sóng có trở lại?

Dòng phim kinh dị xác sống chưa bao giờ được giới làm phim Hàn Quốc khai thác triệt để, và Train to Busan (2016) đã gây ra cơn sốt lớn trong mùa hè năm ngoái, cho thấy khán giả nơi đây không bao giờ quay lưng với những ý tưởng mới, táo bạo, và có lối dẫn dắt hợp lý.

Thật kỳ lạ khi việc thực hiện phim phần tiếp theo trong những năm qua của người Hàn thường xuyên vấp phải thất bại. Take Off (2009) có 8,3 triệu lượt khách, nhưng con số dành cho Run Off (2016) chỉ là hơn… 710.000.

My New Sassy Girl (2016) là một thảm họa khi do Trung - Hàn hợp tác sản xuất. Phim bán không nổi 100.000 vé và có chất lượng nội dung kém xa My Sassy Girl - Cô nàng ngổ ngáo (2001).

Phim phần tiếp theo của người Hàn trong thời gian qua thường gặp thất bại, hoặc chỉ thành công ở mức vừa phải. Ảnh: Cine21.

Có một số bộ phim sequel đạt thành tích phòng vé tốt hơn như Friend: The Great Legacy (3 triệu vé) hay Tazza: The Hidden Card (4 triệu vé). Nhưng đó vẫn là những con số kém xa phần đầu tiên. Nguyên do cho chuỗi thất bại là đội ngũ làm phim không sử dụng dàn diễn viên gốc, cũng như khoảng cách thời gian ra mắt giữa hai tập phim là quá xa.

Nhưng phim thương hiệu tại Hàn Quốc vẫn sẽ kéo dài âm ỉ trong thời gian tới nhờ Detective K 3 The Accidental Detective 2. Cả hai đều thuộc thể loại điều tra phá án, và không vấp phải hai khó khăn kể trên.

Tác giả của nhiều bộ phim Hàn ăn khách gần đây như Woochi (2009), The Berlin File (2013), New World (2013), The Divine Move (2013), The Pirates (2014), Roaring Currents (2014), Veteran (2015) và Midnight Runners (2017), đều đã bày tỏ ý định thực hiện tiếp phần hai.

Song, giới quan sát tại Hàn Quốc cho rằng không phải tất cả đều sẽ được “bật đèn xanh”. Các nhà đầu tư cần một - hai dự án thành công, trước khi tiếp tục chi tiền, và tạo ra làn sóng phim phần tiếp theo.

Dù sao, các nhà làm phim Hàn Quốc vẫn còn rất nhiều câu chuyện và tư liệu để kể, mà chẳng cần phải màng đến phim thương hiệu. Và quan trọng hơn cả, họ nhận được sự ủng hộ từ khán giả quê hương.

Việt Phương (tổng hợp)
Theo Zing

Từ khóa: