Sự kiện hot
6 năm trước

Người mặc “áo giáp” giúp nông dân

Doanh nhân Trần Công Chiến luôn tự nhận mình với cái tên dân dã - Chiến “bò” khi nói về mình. Với nhiều quyết sách tiên phong, táo bạo, ông đã tạo dựng, phát triển thương hiệu sữa Mộc Châu thành một thế lực trên thị trường. Đặc biệt, ông Chiến là người tiên phong ủng hộ mô hình khoán hộ ở Mộc Châu, khoác “áo giáp”, giúp nhiều nông dân từ hai bàn tay trắng thành những tỷ phú chăn bò trên thảo nguyên Mộc Châu (Sơn La).

Động lực từ... đường cùng

Đến Mộc Châu những ngày đầu tháng 10, một không khí rộn ràng, háo hức từ hàng trăm hộ dân chăn nuôi bò sữa chuẩn bị cho ngày hội lớn nhất trong năm của họ - Hội thi “Hoa hậu bò sữa” Mộc Châu bước sang tuổi 15.

“Cha đẻ” của hội thi tạo nên nét văn hóa độc đáo, một thứ đặc sản trên nông trường bò sữa Mộc Châu nổi tiếng cả nước 15 năm qua, không ai khác chính là ông Trần Công Chiến, Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Giống bò sữa Mộc Châu (Mộc Châu Milk).

  Ông Trần Công Chiến - Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Giống bò sữa Mộc Châu
Ông Trần Công Chiến - Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Giống bò sữa Mộc Châu

Khác hẳn với hình ảnh nghèo khó ở các xã miền núi, đến thị trấn Nông trường Mộc Châu, nhà tầng mọc san sát, những chiếc xe hơi đời mới xuất hiện nhiều trên các ngả đường. Nhờ nghề chăn nuôi bò sữa, hàng trăm hộ dân đã giàu lên từ mảnh đất này, không ít người thành tỷ phú.

Để có “quả ngọt” đó, ít ai biết rằng, bước ngoặt chính là chuyển từ chăn nuôi tập trung lay lắt sang mô hình khoán hộ. Đây cũng được xem là mô hình thành công nhất trong chăn nuôi bò sữa theo nông hộ ở Việt Nam - yếu tố quan trọng giúp Mộc Châu Milk đứng vững và phát triển mạnh như hôm nay. Thế nhưng, “đêm trường” của những năm tháng chăn nuôi tập trung, bao cấp là nỗi ám ảnh với những người chăn bò trên thảo nguyên Mộc Châu, đặc biệt là với ông Chiến.

Nhìn lại 60 năm thăng trầm đó, ông Chiến chia sẻ: Vùng chăn nuôi bò sữa ở Mộc Châu hiện nay tiền thân là nông trường của Quân đội (thành lập tháng 4 năm 1958), sau đó chuyển thành nông trường Quốc doanh (năm 1961).

Khi còn nằm trong hệ thống quốc doanh, Mộc Châu Milk cũng được đầu tư rất lớn. Thời đó, cố Phó Thủ tướng Nguyễn Công Tạn lên Mộc Châu còn ví von rằng, Nhà nước gần như đã trải tiền kín diện tích ở Mộc Châu bằng tờ tiền mệnh giá 2 đồng”- ông Chiến kể.

Đến giai đoạn 1975 - 1976, Nông trường Mộc Châu được nhận 884 con bò sữa giống Holstein Friesian do lãnh tụ Fidel Castro của Cuba tặng. Nước bạn cũng hỗ trợ xây dựng 10 trại chăn nuôi mẫu với công nghệ chăn nuôi hiện đại nhất ngày đó; 1 trung tâm nuôi bê và 1 bệnh viện thú y… Thế nhưng do nhiều yếu tố, sau đó hệ thống máy móc không được sử dụng có hiệu quả, và nhất là mô hình chăn nuôi tập trung không còn phù hợp. Nhớ lại thời đó, ông Chiến day dứt: “Những năm 1987-1988, nông trường gần như nằm bên bờ vực diệt vong, khi đàn bò từ 1.800 con, bị giết thịt còn 1.200 con, vì cả người lẫn bò đều không có cái ăn…”.

Theo ông Chiến, nông trường trải qua thời bao cấp đầy gian nan, chăn nuôi kiểu “bò ăn giấy”. “Ông cắt được 10 kg cỏ nhưng báo lên tới 15 kg… cuối cùng con bò phải gánh hết, nên giá thành sản xuất rất cao. Tôi rất dị ứng với cơ chế “của chùa” đó” - ông Chiến nói. Để rồi chính ông Chiến là người ủng hộ mạnh mẽ nhất quyết định chuyển từ chăn nuôi tập trung bao cấp sang mô hình khoán hộ chăn nuôi giai đoạn 1989 - 1990. “Tôi hiểu rằng, người chăn nuôi họ cũng cần có chút gì của riêng họ, chứ cứ của tập thể là hỏng hết, nên chúng tôi nghĩ ra mô hình khoán hộ. Đàn bò đang nuôi tập trung được chia nhỏ cho các hộ dân, ông kỹ sư trại to hơn, ông công nhân thì nhận 3 - 5 con về nuôi”.

Chủ tịch Mộc Châu Milk cũng chia sẻ, thời đó, thực sự nông trường khoán bằng niềm tin, vì không còn cách nào khác. Có lẽ niềm tin của ông Chiến và nhiều cán bộ nông trường thời đó đến nay đã đúng, bởi quy mô đàn bò, sản lượng sữa sau đó liên tục tăng lên, đời sống bà con ngày càng khá giả hơn.

Thêm “áo giáp” bảo vệ nông dân

Cùng với chính sách khoán hộ, một dấu ấn đột phá của ông Chiến, chính là người tiên phong thực hiện Quỹ bảo hiểm vật nuôi, bảo hiểm giá sữa. Đáng nói, trong khi cả nước còn loay hoay với bảo hiểm nông nghiệp (trong đó có bảo hiểm vật nuôi), thì Mộc Châu Milk đã triển khai hai loại bảo hiểm này từ năm 2004. Mô hình đó không ít người ví von là những chiếc “áo giáp” bảo vệ và giúp nông dân liên kết chặt chẽ hơn với công ty và 100% các hộ nuôi bò sữa tại Mộc Châu đều tham gia bảo hiểm.

Ông Nguyễn Văn Đê (Đơn vị Vườn Đào 1, thị trấn Nông trường) cho biết, ông bắt đầu chăn nuôi bò sữa hơn 10 năm trước. Đến nay, tổng đàn bò của gia đình ông đã lên tới 90 con. Với khoảng 50 con đang vắt sữa, cho sản lượng khoảng 7,5 tạ/ngày, trừ các loại chi phí, hộ ông Đê “đút túi” trên 100 triệu/tháng.

Theo ông Đê, chính sách bảo hiểm giá sữa và bảo hiểm vật nuôi là điểm tựa vững chắc giúp các hộ tăng đàn. “Một con bò cho vắt sữa chỉ đóng 600 nghìn/đồng, khi loại thải được hỗ trợ 4,5 triệu đồng, cùng số tiền bán bò, chúng tôi có thể mua một con bê 8 - 10 triệu đồng. Còn bảo hiểm giá sữa, lúc giá sữa giảm 30% thị trường, công ty sẽ hỗ trợ 60% số giảm…Với tỷ lệ loại thải 9 - 10% tổng đàn mỗi năm, đây là điều cứu cánh cho chúng tôi” - ông Đê nói.

Còn ông Nguyễn Thạch Lỏi (tiểu khu 67, thị trấn Nông trường Mộc Châu, Sơn La) là một trong những hộ có đàn bò sữa lớn nhất ở Mộc Châu với số lượng lên đến 200 con bò sữa. “Chính sách bảo hiểm và sự hỗ trợ từ thú y, thức ăn, con giống, vay vốn tăng đàn, mua sắm máy móc… đã giúp chúng tôi chọn lọc những con bò có sản lượng, chất lượng sữa tốt hơn”- ông Lỏi nói.

Theo các chuyên gia, điều khác biệt về mô hình bảo hiểm ở Mộc Châu là do nông dân đóng góp và tự bầu ban quản trị. Điều này tạo sự rõ ràng, minh bạch, tạo lòng tin rất tốt với người chăn nuôi.

Lãnh đạo Mộc Châu Milk cho biết, để chính sách bảo hiểm thành công, công ty phải hỗ trợ rất lớn. “Ở đây, nếu quỹ hụt công ty bù vào, còn khi dư thừa, thì công ty dùng vào vốn sản xuất và trả lãi cho quỹ. Việc này rất minh bạch”- ông Chiến nói.

Theo ông Chiến, bảo hiểm là chính sách đặc biệt, chia sẻ rủi ro với người chăn nuôi vì “để họ đơn độc thì thiệt thòi lắm”.

Ý tưởng lập Quỹ bảo hiểm được ông Chiến đề cập khi ông chứng kiến một hộ dân gặp rủi ro, tới 5 con bò bị chết. Con bò sữa như một cơ nghiệp của nông dân. Bởi, một năm có thể cho 8 tấn sữa, giúp nông dân thu nhập 70 - 80 triệu đồng, nhưng chỉ cần một tai nạn như bị trượt ngã…là có chuyện. Lập quỹ bảo hiểm để chia sẻ cho hộ chăn nuôi, nên khi mới triển khai, ông Chiến và lãnh đạo công ty phải đến thuyết phục từng hộ để họ hiểu và đồng ý tham gia.

Từ sự quyết liệt, bản lĩnh của ông Chiến “bò”, Mộc Châu Milk đã khoác lên mình một diện mạo mới, với sự đa dạng hóa sản phẩm, độ phủ ngày càng tăng trên thị trường và được người tiêu dùng yêu thích. Còn ở Mộc Châu, nhiều tỷ phú trẻ đã xuất hiện như một minh chứng cho những quyết sách trúng và đúng của ông, như một sự kế thừa, phát triển từ truyền thống của các thế hệ gắn cuộc đời với dòng sữa trắng trên thảo nguyên chăn nuôi bò sữa lớn cả nước.

Mộc Châu có gần 600 hộ chăn nuôi bò sữa, với tổng đàn trên 24.000 con, trong đó, quy mô trung bình 44 - 45 con/hộ, bằng với quy mô của Hàn Quốc. Khoảng 30% nhóm hộ nuôi quy mô khoảng 100 - 200 con/hộ… Dự kiến Mộc Châu sẽ nâng tổng đàn lên đến 35.000 con bò sữa trong thời gian tới.

Trần Hoàng
Theo Báo Đời sống & Tiêu dùng

Từ khóa: