Thời hạn sở hữu nhà của người nước ngoài tại các đặc khu kinh tế đặc biệt lên tới 99 năm, nhưng tỷ lệ sở hữu không quá 30%.
Tỷ lệ sở hữu nhà của người nước ngoài tại các đặc khu kinh tế đặc biệt sẽ bị khống chế ở mức 30%.
Theo ông Trần Huy Đông - Vụ trưởng Vụ Quản lý các khu kinh tế (Bộ Kế hoạch & Đầu tư), dự Luật Đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt được xem là khung pháp lý nền tảng để phát triển, quản lý 3 đặc khu kinh tế đặc biệt, gồm Vân Đồn (Quảng Ninh), Bắc Vân Phong (Khánh Hòa) và Phú Quốc (Kiên Giang).
Thuận lợi tiếp cận đất đai với nhà đầu tư trong, ngoài nước là một trong những ưu đãi vượt trội, khi quy định hạn sử dụng đất với nhà đầu tư không quá 99 năm với dự án đầu tư khu hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo, y tế, giáo dục tại 3 đơn vị hành chính đặc biệt Vân Đồn, Bắc Vân Phong và Phú Quốc.
Thời hạn sử dụng đất cũng tương tự với cá nhân người nước ngoài muốn mua nhà (chung cư, bất động sản nghỉ dưỡng...) tại đặc khu kinh tế, song tỷ lệ sở hữu sẽ bị hạn chế ở mức không quá 30%. Trước khi quyết định cấp, giao đất cho người nước ngoài, Trưởng đặc khu sẽ phải lấy ý kiến Bộ Quốc phòng, Bộ Công an về địa điểm, vị trí đất.
"Quy định như vậy nhằm đảm bảo các điều kiện về an ninh, hạn chế tình trạng thâu tóm của người nước ngoài tại các đặc khu như nhiều lo lắng gần đây", ông Trần Huy Đông nhấn mạnh.
Một ưu điểm nổi trội khác là thẩm quyền của Trưởng đặc khu kinh tế quy định trong dự luật. Vị trí này sẽ do Thủ tướng bổ nhiệm trên cơ sở Chủ tịch UBND tỉnh đề xuất, Bộ Nội vụ thẩm định và trình Chính phủ. Trưởng đặc khu kinh tế sẽ có 77 thẩm quyền như quyền quyết định chủ trương đầu tư, quyết định các dự án chỉ định thầu...
Trước lo lắng Trưởng đặc khu kinh tế đang được trao "miếng bánh quá rộng, dễ phát sinh lợi ích nhóm", ông Đông trấn an, vị trí này mang tính chất đặc biệt nên sẽ chịu sự giám sát của cấp có thẩm quyền. Trường hợp Trưởng đặc khu kinh tế không đáp ứng được yêu cầu, Hội đồng nhân dân sẽ đề xuất cách chức.
Dù đưa ra loạt ưu đãi tới mức nhiều chuyên gia kinh tế đánh giá là "quá đà", nhưng Vụ trưởng Vụ Quản lý các khu kinh tế vẫn lo lắng "các quy định, ưu đãi đưa ra có đáp ứng nhu cầu nhà đầu tư chiến lược hay không".
"Đặc khu kinh tế Jeju Hàn Quốc trong 10 năm sửa luật 6 lần. Tức họ có chiến lược, chính sách đầu tư thay đổi dần theo thời gian. Nhưng cứ làm đã, thử nghiệm sau đó điều chỉnh, còn nếu không làm, không đi thì không bao giờ đến được. Do đó, đặc khu kinh tế Việt Nam cũng vậy. Chính sách cũng có thể sửa đổi, bổ sung khi có nhà đầu tư chiến lược vào mà thấy phù hợp”, ông Đông nói thêm.
Vì thế, dự luật này được cơ quan ngành kế hoạch xây dựng theo hướng mở, sẵn sàng đàm phán với nhà đầu tư chiến lược. Nghĩa là, trường hợp có nhà đầu tư chiến lược đặt ra yêu cầu thì có thể đàm phán các ưu đãi và tính tới việc sửa đổi luật.
Đồng thời, chính quyền đặc khu sẽ được ban hành văn bản quy phạm pháp luật nhằm tạo thuận lợi trong thẩm định về thủ tục với các nhà đầu tư; thực hiện thủ tục hải quan ưu tiên đối với doanh nghiệp đầu tư tại đặc khu...
Dự án luật hiện đang được lấy ý kiến rộng rãi và sẽ trình lên Quốc hội vào kỳ họp tháng 5/2018.
Theo VnExpress