Mùa bưởi năm nay, người dân ở huyện Đoan Hùng, tỉnh Phú Thọ rất phấn khởi bởi trong số 1.400 ha diện tích trồng bưởi dự án của huyện đã và đang cho thu hoạch. Nhiều hộ đã có thu nhập hàng trăm triệu đồng nhờ bưởi được mùa, được giá hơn so với mọi năm.
Mùa bưởi năm nay, người dân ở huyện Đoan Hùng, tỉnh Phú Thọ rất phấn khởi bởi trong số 1.400 ha diện tích trồng bưởi dự án của huyện đã và đang cho thu hoạch. Nhiều hộ đã có thu nhập hàng trăm triệu đồng nhờ bưởi được mùa, được giá hơn so với mọi năm.
Ảnh minh họa. (Nguồn: Đoàn Huệ/TTXVN)
Dọc theo hai bên đường quốc lộ số 2 và quốc lộ 70, đoạn qua huyện Đoan Hùng đâu đâu cũng thấy các hàng quán bán bưởi. Nhiều siêu thị, nhà hàng từ Hà Nội, Hải Phòng cũng lên Đoan Hùng đặt mua cả vườn bưởi. Giá bưởi đầu vụ cũng không đắt lắm với giống bưởi Sửu có giá từ 40.000-50.000 đồng/quả, còn giống bưởi Bằng Luân có giá khoảng 15.000-25.000 đồng/quả... Nhờ trồng bưởi, hàng trăm hộ dân trong huyện có mức thu nhập ổn định hàng năm từ 50 đến 300 triệu đồng.
Ông Nguyễn Ngọc Nga, xã Bằng Luân chia sẻ, gia đình ông có trên 200 gốc bưởi Bằng Luân, cây nào cũng sai trĩu quả. Bưởi đến mùa thu hoạch không cần phải mang đi bán, khách hàng đến đặt mua cả vườn và tự thu hoạch, gia chủ không phải vất vả gì. Do được mùa nên năm nay, gia đình ông cầm chắc gần 300 triệu đồng từ việc trồng bưởi.
Còn theo anh Bùi Văn Thọ, thôn Chí 2, xã Chí Đám, vườn nhà anh có 70 gốc bưởi, dự kiến năm nay sẽ cho thu hoạch trên 2.000 quả. Với giá bán 50.000đồng/quả như hiện nay, anh Thọ có thu nhập trên 100 triệu đồng và khách hàng cũng đã đặt mua cả vườn bưởi của gia đình anh từ nửa tháng trước.
Theo thống kê của Hiệp hội trồng bưởi Đoan Hùng, đến nay trên địa bàn huyện Đoan Hùng có khoảng 1.400 ha (chủ yếu là trồng bưởi theo dự án) với trên 3.000 gia đình tham gia, trong đó, có 800 ha diện tích đã cho thu hoạch. Sản lượng bưởi năm 2012 đã đạt 5.000 tấn và năm 2013 ước đạt trên 7.000 tấn với trị giá hàng hóa ước đạt trên 105 tỷ đồng.
Qua khảo sát thực tế tại các vườn, giống bưởi Chí Đám năng suất bình quân đạt 60 quả/cây (cá biệt có cây đạt 150 quả), mỗi ha trồng khoảng 300 cây sẽ cho thu nhập trên 700 triệu đồng; bưởi Bằng Luân năng suất bình quân đạt 80 quả/cây, một ha bưởi cũng sẽ cho thu nhập từ 300 đến 320 triệu đồng.
Nhờ làm tốt công tác tuyên truyền mà người dân Đoan Hùng đã có ý thức hơn trong việc giữ gìn uy tín thương hiệu bưởi, các gia đình kinh doanh bưởi đều chọn bưởi ngon, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng để bán; không tùy tiện nhập các loại bưởi rẻ tiền làm ảnh hưởng đến chất lượng bưởi đặc sản Đoan Hùng và khi bán đều hướng dẫn cho khách hàng hiểu rõ về nguồn gốc và chất lượng từng loại bưởi, tránh mua phải bưởi rởm.
Để đảm bảo cho người dân yên tâm trồng bưởi, tỉnh Phú Thọ đã phê duyệt quy hoạch với hơn 1.000 ha giống bưởi đặc sản ở 16 xã của huyện Đoan Hùng, tập trung ở các xã Chí Đám, Bằng Luân, Khả Lĩnh, Yên Kiện… với 2 giống bưởi quý là bưởi Sửu và bưởi Bằng Luân , qua đó góp phần chuyển đổi mạnh mẽ cơ cấu cây trồng trên vùng đất đồi trung du và trong các vườn tạp, đồng thời bảo tồn nguồn gen giống bưởi đặc sản Đoan Hùng.
Nhờ ngon, ngọt nên bưởi Đoan Hùng đã được gắn thương hiệu đặc sản. Năm 2006, Cục Sở hữu trí tuệ đã quyết định đăng bạ tên gọi xuất xứ hàng hoá cho hai sản phẩm bưởi Sửu Chí Đám và bưởi Bằng Luân của Đoan Hùng. Tỉnh Phú Thọ là cơ quan quản lý tên gọi xuất xứ hàng hoá, chỉ có tổ chức, cá nhân nào được Ủy ban Nhân dân tỉnh Phú Thọ cho phép mới được sử dụng tên gọi xuất xứ hàng hóa đó cho sản phẩm bưởi quả.
Tạ Văn Toàn
theo TTXVN