Trong những ngày ngay trước lễ công bố chủ nhân của giải Nobel Vật lý 2012, nhiều người đã đặt cược rằng phát hiện về hạt boson Higgs (hay còn gọi là “hạt của Chúa”) sẽ được tôn vinh năm nay.
Trong những ngày ngay trước lễ công bố chủ nhân của giải Nobel Vật lý 2012, nhiều người đã đặt cược rằng phát hiện về hạt boson Higgs (hay còn gọi là “hạt của Chúa”) sẽ được tôn vinh năm nay.
Tuy nhiên, chiều 10/10, Ủy ban Nobel chính thức thông báo, giải Nobel Vật lý 2012 thuộc về nhà vật lý Pháp Serge Haroche và nhà vật lý Mỹ David Wineland vì các thành tựu nghiên cứu mang tính tiên phong của họ trong lĩnh vực quang học lượng tử.
Tại sao chiến thắng năm nay không thuộc về phát hiện “hạt của Chúa”?
“Hãy còn quá sớm!”, George Smoot – nhà khoa học đến từ trường Đại học Berkeley (Mỹ) từng đoạt giải Nobel Vật lý năm 2006 cùng John Mather nhờ công trình nghiên cứu về bức xạ vi sóng vũ trụ còn lại trong không gian sau vụ nổ Big Bang – cho biết.
Ủy ban Nobel có truyền thống là trải qua rất nhiều thời gian mới vinh danh các khám phá khoa học. Những người thắng cuộc Nobel Vật lý năm ngoái, Saul Perlmutter, Brian Schmidt và Adam Riess đã được tôn vinh cho công trình phát hiện vũ trụ mở rộng ngày càng nhanh của họ từ những năm 1990. Và sự trì hoãn công nhận này rất đặc trưng đối với các giải Nobel – những giải thưởng nhằm vinh danh các đột phá và các nhà khoa học có ảnh hưởng vượt thời gian.
Hai nhóm thí nghiệm riêng rẽ với máy gia tốc hạt lớn LHC đã tạo
được “hạt giống hạt Higgs”. Ảnh: CERN
Các nhà khoa học đã phỏng đoán sự tồn tại của hạt boson Higgs vào những năm 1960 nhằm lý giải tại sao các hạt khác lại có khối lượng. Hạt Higgs được cho là liên kết với một trường Higgs tràn ngập không gian, ban tặng khối lượng cho các hạt khác.
Năm nay, hai nhóm thí nghiệm riêng rẽ với máy gia tốc hạt lớn LHC đặt tại phỏng thí nghiệm vật lý của Trung tâm nghiên cứu hạt nhân châu Âu (CERN) ở Thụy Sỹ đã thu thập đủ dữ liệu để chứng minh hạt mới đã được tạo ra với những đặc tính giống “hạt của Chúa”. Tuy nhiên, các nhà vật lý hiện vẫn không thể nói chắc chắn rằng hạt mới có đích xác là hạt boson Higgs hay không.
Dẫu vậy, một số người vẫn cho rằng, khám phá trên có thể đủ tầm quan trọng để cuối cùng trao thưởng cho những người dự báo về hạt Higgs, bao gồm cả Peter Higgs, nhà vật lý lý thuyết 83 tuổi đến từ trường Đại học Edinburgh (Scotland) – người đã phỏng đoán về sự tồn tại của “hạt của Chúa” vào năm 1964. Số khác lại đề xuất, Ủy ban Nobel nên phá bỏ truyền thống để trao giải cho hai nhóm trực tiếp tiến hành các thí nghiệm đối với máy gia tốc hạt lớn LHC là ATLAS và CMS.
Một số trường đại học thậm chí đã soạn trước các thông cáo báo chí mời các phóng viên gặp gỡ các chuyên gia khám phá hạt Higgs của họ trong trường hợp phát hiện về “hạt của Chúa” lên ngôi trong giải Nobel năm nay.
Có lẽ thêm 1 năm nữa sẽ đủ để chứng minh hạt được tạo ra trong máy gia tốc hạt lớn thực sự là hạt Higgs. Trang Live Science dẫn lời nhà khoa học George Smoot nói: “Tuyên bố chính thức mới chỉ là tạo được hạt giống hạt Higgs và máy gia tốc LHC hiện đang được cho chạy thêm để thử nghiệm và xác định thêm nhiều đặc tính của hạt giống hạt Higgs, để chúng ta có thể bắt đầu chắc chắn rằng liệu đó có thực sự là ‘hạt của Chúa’ vốn được tiên đoán từ lâu hay không. Có lẽ đó rốt cuộc đúng là hạt Higgs nhưng hiện giờ còn quá sớm để đưa ra khẳng định chắc chắn”.
Hơn thế nữa, thời điểm đưa ra tuyên bố về việc phát hiện “hạt giống hạt Higgs” vào mùa hè năm nay có thể đơn giản đã lỡ hạn chót cho các đề cử giải Nobel 2012.
“Tuyên bố về khám phá được đưa ra quá muộn. Quá trình nhận đề cử đã chính thức khép lại vào ngày 1/2. Có nhiều cách để nới rộng quy định nhưng rõ ràng là những người có quyền quyết định cảm thấy không đủ lí do để làm việc đó trong trường hợp này”, Frank Wilczek, người được đồng trao giải Nobel Vật lý năm 2004, nhận định.
Ông Wilczek nhấn mạnh bản thân không biết thông tin nội bộ về quá trình quyết định giải Nobel. Dẫu vậy, ông cho rằng giải thưởng cho thuyết về hạt Higgs rất có thể là lựa chọn chắc chắn cho mùa Nobel năm sau.
Tuấn Anh
Theo Vietnamnet