Tại Hội nghị triển khai thực hiện Nghị định về chống thư rác trên địa bàn Hà Nội mới đây, đại diện VinaPhone, MobiFone và Viettel đều khẳng định kiên quyết xử lý nạn tin nhắn rác dù việc này sẽ làm giảm doanh thu đáng kể. Trên thực tế, báo cáo của 3 nhà mạng cho thấy lượng tin nhắn rác đã giảm mạnh so với thời gian trước, đặc biệt chỉ còn VinaPhone và MobiFone gặp khó khăn trong việc chặn tin nhắn rác ngoại mạng.
Cụ thể, với Viettel Telecom, trong tháng 2 - 3/2013, số lượng tin nhắn rác giảm khoảng 1/3. Số lượng khách hàng phản ánh về tin nhắn rác đến Viettel cũng giảm đáng kể, trước đó trung bình mỗi tháng trung tâm chăm sóc khách hàng của Viettel nhận được 8.000 cuộc gọi khách hàng thì 2 tháng đầu năm 2013 chỉ còn khoảng 1.500 cuộc.
Để giải quyết tận gốc vấn nạn tin nhắn rác, đặc biệt là các tin nhắn phản cảm, vi phạm thuần phong mỹ tục, từ tháng 1.2013, Viettel chính thức áp dụng hệ thống kiểm soát dịch vụ dựa trên quản lý cú pháp cung cấp dịch vụ (command code) với tất cả đầu số ngắn đang cung cấp nhằm bảo vệ quyền lợi của khách hàng.
Theo đó, các doanh nghiệp cung cấp nội dung có đầu số phải đăng ký kịch bản nhắn tin và nội dung dịch vụ cung cấp đến thuê bao Viettel. Những tin nhắn đăng ký có nội dung lừa đảo, mê tín sẽ không được duyệt để khai thác dịch vụ. Các CSP vi phạm nội dung cung cấp bị phạt tới 30 triệu đồng/lỗi. Đối tác vi phạm lỗi nội dung quá 3 lỗi/6 tháng sẽ bị cắt đầu số và thanh lý hợp đồng. Trong trường hợp thuê bao spam tin nhắn không đúng với kịch bản, hoặc có nội dung cấm sẽ bị quét chặn và người dùng được hoàn lại tiền khi nhắn tin sai cú pháp hoặc click vào những thông tin lừa đảo.
Kết quả là trong 2 tháng đầu năm 2013 đã có khoảng nửa triệu kịch bản tin nhắn được đăng ký, đảm bảo nội dung sạch, mang lại tiện ích cho khách hàng.
Sau thời điểm Tết Nguyên Đán 2013, các thuê bao MobiFone liên tục bị “dội bom” các tin nhắn thường chứa nội dung clip sex như "Gái 9x sài gòn chat xxx show hàng khêu gợi", "6 clip 18+...", "Shock với trào lưu gái 9x khoe hàng"... từ các đầu số 0122 và 0120 với cường độ 2 - 3 tin nhắn mỗi ngày. Nhưng từ 12/3, sau khi MobiFone kiểm tra và khóa đầu số dịch vụ của 18 đối tác. Đồng thời, triển khai nhiều biện pháp mạnh như chặn hoàn toàn tin nhắn rác được gửi từ các tổng đài nhắn tin nước ngoài; lọc, theo dõi và chặn tin nhắn rác, tin nhắn có nội dung phản cảm từ những số thuê bao gửi tin với tần suất cao thì lượng tin nhắn rác gửi đến thuê bao MobiFone đã giảm mạnh.
Tin nhắn rác sẽ giảm nếu nhà mạng quyết tâm ngăn chặn
Theo đại diện Trung tâm ứng cứu khẩn cấp máy tính (VNCERT - Bộ TT&TT), Nghị định 77 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung Nghị định 90/2008/NĐ-CP về chống thư rác chủ yếu tập trung vào vấn đề nâng cao trách nhiệm của các doanh nghiệp di động và doanh nghiệp cung cấp dịch vụ nội dung qua tin nhắn; đặc biệt là doanh nghiệp di động với nhiều điều khoản yêu cầu nhà mạng phải thực hiện như trách nhiệm bảo vệ khách hàng của mình cũng như quản lý chặt chẽ các CSP, CP.
Vì thế, một khi doanh nghiệp di động vào cuộc mạnh mẽ và làm hết sức mình, đặt quyền lợi của người dùng lên trên thì chắc chắn lượng tin nhắn rác giảm đi rất nhiều. “Viettel sau khi quyết tâm thực hiện ngăn chặn tin nhắn rác thì lượng tin nhắn rác đã giảm 80% trong 2 tháng đầu năm 2013 hay từ lúc FPT Telecom vào cuộc thì lượng tin nhắn rác quảng cáo cho đầu số 1900 của FPT hầu như không còn”, đại diện VNCERT dẫn chứng.
Bên cạnh đó, Nghị định 77 cũng có nhiều quy định tạo điều kiện cho quảng cáo hợp pháp qua tin nhắn phát triển như: nhà cung cấp dịch vụ quảng cáo chỉ được gửi tin khi khách hàng đồng ý; cam kết xử lý các trường hợp phát tán tin nhắn rác từ SIM rác, đầu số dịch vụ…
Đây là một dấu hiệu tích cực bởi thời gian qua, các hình thức quảng cáo hợp pháp đang bị các doanh nghiệp thông tin di động hạn chế bằng cách quy định giá cước cao khi gửi tin nhắn từ đầu số, tên định danh (gửi tin nhắn từ đầu số - SMS Brandname thường có mức giá từ 350 - 600 đồng/SMS trong khi gửi tin nhắn rác giá chỉ 20 - 30 đồng/SMS - PV). Vì thế, nếu doanh nghiệp không quảng cáo hoặc chỉ quảng cáo theo các hình thức hợp pháp thì doanh thu rất thấp nhưng nếu sử dụng hình thức phát tán tin nhắn rác để quảng cáo thì doanh thu tăng cao, thậm chí tăng vọt đột biến.
Nhiều ý kiến cho rằng, dù lượng tin nhắn rác hiện đã giảm đáng kể nhưng không loại trừ khả năng sẽ bùng phát trở lại trong thời gian tới nếu như các nhà mạng “lơ là” trong việc phát hiện, xử lý các CSP vi phạm. Tương tự như thời điểm sau khi Nghị định 77 có hiệu lực từ 1/1/2013, vấn nạn SMS rác đã giảm mạnh nhưng chỉ được một thời gian rất ngắn thì “tái phát” trở lại vào trước Tết Nguyên Đán (cuối tháng 1.2013). Do đó, muốn giải quyết triệt để vấn nạn SMS còn phụ thuộc cả vào sự duy trì mức độ quyết tâm của nhà mạng đến đâu. |