Sự kiện hot
13 năm trước

Nhà trọ đến hẹn vào mùa “chặt chém”

Sắp vào mùa tuyển sinh đại học, nhiều chủ nhà trọ trên địa bàn Hà Nội dở đủ chiêu tăng giá từ 100 – 200 ngàn đồng, khiến không ít sinh viên, công nhân lao động ngoại tỉnh thuê trọ “méo mặt”.

Sắp vào mùa tuyển sinh đại học, nhiều chủ nhà trọ trên địa bàn Hà Nội dở đủ chiêu tăng giá từ 100 – 200 ngàn đồng, khiến không ít sinh viên, công nhân lao động ngoại tỉnh thuê trọ “méo mặt”.

Chủ nhà trọ đua nhau hét giá

Giá xăng tăng, kéo theo hệ lụy giá cả sinh hoạt cũng tăng theo, nhiều sinh viên, công nhân lao động ngoại tỉnh đã phải đối mặt ngay với “cơn bão” tăng giá từ các chủ nhà trọ. Theo tìm hiểu của PV báo điện tử Infonet, hầu hết các khu vực tập trung đông nhà trọ sinh viên, công nhân lao động như: Phùng Khoang, Mỹ Đình, Minh Khai (Từ Liêm), Thanh Trì, Hà Đông… đều bị chủ nhà đẩy giá từ 100 đến 200 ngàn đồng/phòng trọ.

Thuê trọ tại khu vực Minh Khai, Nguyễn Trọng Mạnh, sinh viên Đại học Mỏ địa chất mếu máo: “Đầu tuần vừa rồi, chúng em được chủ nhà trọ thông báo từ tháng sau giá phòng trọ sẽ tăng lên 200 nghìn đồng, trước đây giá thuê chỉ 1,6 triệu, phòng 12m2, giờ giá tăng lên 1,8 triệu; tiền điện 4.000 đồng/kwh, vừa đóng tiền nước tháng này chủ trọ lại cho biết tháng tới sẽ tăng thêm. Chủ trọ lấy cớ giá xăng mà tăng đủ các loại tiền, mà chúng em ở trọ thì chỉ có tăng chứ có bao giờ thấy thông báo giảm đâu…”

Phòng trọ tăng giá, phần đông sinh viên, công nhân lao động " méo mặt"

Tiền nhà trọ, điện nước ngày một tăng, thêm vào đó, ăn uống, sinh hoạt cái gì cũng đắt đỏ. Hàng tuần bố mẹ cho Mạnh khoảng 300 ngàn tiền ăn, tiêu vặt (không kể tiền thuê trọ, học phí, sách bút), sinh viên như Mạnh cầm 50 ngàn đồng đi chợ chỉ mua được vài ba lạng thịt và mớ rau, ít mắm muối là hết. Cứ mỗi lần chủ trọ tăng giá, Mạnh phải về xin bố mẹ tăng tiền lên mới đủ chi tiêu.

Còn bạn Phạm Thị Chuyên, sinh viên trường Đại học Ngoại ngữ chia sẻ: Em thuê nhà trọ trong làng Phùng Khoang mấy năm nay. Cứ thấy giá cả thị trường biến động, chủ trọ lại thông báo với em sẽ tăng tiền nhà. Từ lúc em thuê nhà ở đây, chủ trọ tăng giá tới 5 lần, trước tiền phòng của em giá 1,1 triệu/phòng, giờ đã lên 1,6 triệu rồi, nhưng bọn em vẫn phải chấp nhận, giờ chuyển đi đâu giá cũng sàn sàn như vậy.

Bạn Quý – Sinh viên Cao đẳng kinh tế, thuê phòng trọ khu vực Mỹ Đình kể, phòng trọ của em ở 2 người trước là 1,5 triệu nay chủ nhà tăng lên đến 1,7 triệu đồng/tháng, tiền điện nước tăng chưa tính. Em chưa thể tìm được chỗ nào khác, vì đi hỏi chỗ nào cũng thấy tăng giá, nên 2 đứa “cắn răng” ở hết tháng, kiểu gì cũng tìm cách “xoay” chứ 1,7 triệu tiền nhà thì chúng em không thể gánh được.

Sinh viên ở ghép, tằn tiện sinh hoạt

Chi phí giá cả tăng khiến cho sinh hoạt của sinh viên ngoại tỉnh cũng “méo mặt”. Để tiết kiệm chi phí, nhiều sinh viên, công nhân xoay xở đủ cách đủ cách để tồn tại. Nhiều sinh viên chỉ còn cách ăn uống, sinh hoạt tằn tiện hơn.

Bạn Phạm Văn Tường, sinh viên trường Đại học Công nghiệp Hà Nội cho biết, bọn em phải rủ thêm bạn ở cùng phòng, nấu nướng chung, mua sắm, đi chung xe để giảm chi phí. Ngoài ra, để tiết kiệm chi tiêu, hằng tháng chúng em “kêu gọi” bố mẹ gửi gạo, thực phẩm từ quê lên rồi rủ bạn các bạn ở phòng bên cạnh đóng tiền cùng mua thức ăn nấu chung. Tuy sinh hoạt có chật chội một chút, nhưng tính ra mỗi tháng cũng bớt được khoảng 200 -300 ngàn đồng/người.

Nấu ăn chung, tằn tiện trong sinh hoạt để tồn tại trong "bão giá"

Căn phòng nhỏ mà bạn Chuyên thuê giá 1,6 triệu, diện tích chừng 12m2, có gác xép mà “nhồi” đến 5 bạn sinh viên sống chung. Theo Chuyên tính toán thì, trước đây ở 3 người, tuy có rộng rãi một chút, nhưng mỗi người cũng mất ngót nghét từ 400 đến 500 tiền nhà, điện, nước, vệ sinh... Giờ giá trọ lại tăng, chúng em tính rủ thêm 2 bạn phòng khác đến ở chung, tuy có chật chội nhưng giảm khá nhiều chi phí phát sinh… Theo Chuyên thì 5 người ở, mỗi tháng cũng tiết kiệm được từ 100 – 200 tiền nhà/người, nhưng mùa đông còn đỡ, chứ mùa hè oi bức, chúng em còn khổ trăm bề, nhưng phải chấp nhận chứ biết kêu ai…

Đấy là những trường hợp gặp chủ nhà dễ tính một chút, nên những cách xoay xở để tồn tại trước “bão giá” của các bạn sinh viên, công nhân lao động được thuận lợi. Chứ gặp phải những chủ nhà trọ khó tính thì chỉ cho phép ở tối đa là 3 người, với phòng chừng 12m2, thì sinh viên càng “méo mặt”. Vì hầu hết các chủ trọ cho rằng, ở đông như vậy sẽ gây mất an ninh trật tự, phức tạp, nước sinh hoạt không đủ…Nếu không chấp hành sẽ cho người khác thuê.

Với những người ngoại tỉnh cuộc sống ở trọ trong thời buổi “bão giá” thực sự quá bấp bênh, chật vật… Giá cả, chất lượng sống phụ thuộc hoàn toàn vào chủ trọ và những người thuê trọ họ chỉ còn biết mỗi cách “sống chung với bão giá” sau mỗi đợt tăng giá.

Nguyễn Hiếu
Theo Infonet

Từ khóa: