Đề tài “Nghiên cứu xây dựng quy trình sản xuất giống và thử nghiệm nuôi thương phẩm cá Chạch sông (Mastacembelus armatus) tại tỉnh Phú Thọ” bước đầu đạt được kết quả rất khả quan, góp phần lưu trữ nguồn gen, tái tạo, phát triển nguồn lợi thủy sản trên địa bàn tỉnh Phú Thọ và mở ra hướng mới để xóa nghèo cho người dân địa phương.
Đề tài “Nghiên cứu xây dựng quy trình sản xuất giống và thử nghiệm nuôi thương phẩm cá Chạch sông (Mastacembelus armatus) tại tỉnh Phú Thọ” bước đầu đạt được kết quả rất khả quan, góp phần lưu trữ nguồn gen, tái tạo, phát triển nguồn lợi thủy sản trên địa bàn tỉnh Phú Thọ và mở ra hướng mới để xóa nghèo cho người dân địa phương.
Cá Chạch. (Nguồn: Internet)
Cá Chạch sông là một trong những loài cá có giá trị kinh tế cao trên hệ thống sông Hồng và sông Lô. Giá bán thương phẩm tại thành phố Việt Trì (Phú Thọ) khoảng 300.000 đồng-350.000 đồng/kg. Tuy nhiên việc khai thác cá Chạch sông quá mức hiện nay là những nguyên nhân chủ yếu làm giảm nghiêm trọng nguồn lợi cá này.
Mặt khác các nghiên cứu về cá Chạch sông trong và ngoài nước mới chỉ dừng lại ở nghiên cứu đặc điểm sinh học, mô tả, phân loại hoặc thử nghiệm sinh sản ở quy mô nhỏ.
Phú Thọ là địa phương tập trung nguồn lợi cá Chạch sông cao nhưng đang ngày càng cạn kiện do khai thác quá mức. Để phát triển cá Chạch sông thành đối tượng nuôi phổ biến, tạo điền kiện cho người dân có cơ hội làm giàu và đa dạng thành phần cá nuôi cần có quy trình sản xuất giống nhân tạo và nuôi thương phẩm loài cá này.
Xuất phát từ thực tế đó, Trường Đại học Hùng Vương (Phú Thọ) đã thực hiện Đề tài “Nghiên cứu xây dựng quy trình sản xuất giống và thử nghiệm nuôi thương phẩm cá Chạch sông (Mastacembelus armatus) tại tỉnh Phú Thọ.”
Đề tài thực hiện từ tháng 1/2012 bằng việc tuyển chọn cá Chạch thu mua từ tự nhiên với kích thước 100-200g/con. Sau hai tháng nuôi nhân tạo đã tuyển chọn được 30 con cá bố mẹ khỏe mạnh (15 con cá đực và 15 con cá cái) để tiến hành nghiên cứu, sử dụng kích dục tố kích thích sinh sản nhân tạo và kỹ thuật thụ tinh, ấp trứng nhân tạo. Sau khi thụ tinh nhân tạo, 3.000 con cá bột được ương nuôi trong bể kính để theo dõi và có biện pháp phòng trừ bệnh kịp thời.
Qua đánh giá cho thấy, sau hơn ba tháng nuôi nhân tạo (từ tháng 4/2012-tháng 7/2012) cá nuôi tăng trưởng, phát triển đồng đều, tỷ lệ sống cao hơn, kích thước trung bình từ 10-15cm.
Phó giáo sư-tiến sỹ Cao Văn, Hiệu trưởng trường Đại học Hùng Vương, Chủ nhiệm đề tài cho biết sau khi tiến hành nhân giống 3.000 con cá Chạch sông thành công, bước đầu trường Đại học Hùng Vương đã thả số cá trên về với môi trường tự nhiên tại khu vực bến sông Bứa, huyện Thanh Sơn (Phú Thọ).
Thời gian tới, Trường Đại học Hùng Vương tiếp tục thực hiện đề tài, nhân nuôi thêm nhiều cá giống Chạch sông, hoàn thiện quy trình nhân nuôi cá Chạch sông thương phẩm, chuyển giao khoa học kỹ thuật cho cơ sở sản xuất và nông dân, phát triển nuôi cá Chạch sông đáp ứng nhu cầu tiêu thụ của thị trường và giảm áp lực khai thác cá Chạch sông ngoài tự nhiên. Đây cũng là giải pháp để góp bảo vệ môi trường, khai thác và sử dụng hợp lý nguồn tài nguyên thiên nhiên, hướng tới phát triển bền vững./.
Theo TTXVN