Sự kiện hot
3 năm trước

Nhân kỷ niệm ngày Thương binh - Liệt sĩ 27/7: Biết ơn và đền đáp công ơn

Ngày Thương binh - Liệt sỹ 27/7 hàng năm là ngày lễ kỷ niệm quan trọng, có ý nghĩa nhân văn sâu sắc, đây là dịp toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta kính cẩn tưởng nhớ, tri ân các bậc cách mạng tiền bối, anh hùng liệt sỹ, những người con ưu tú của dân tộc đã dũng cảm chiến đấu, anh dũng hy sinh; biết ơn các thương binh đã cống hiến một phần xương máu của mình trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, cũng như trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Biết ơn những anh hùng đã nằm xuống cho Tổ quốc, cho quê hương - Ảnh: IT

Biết ơn những anh hùng đã nằm xuống cho Tổ quốc, cho quê hương - Ảnh: IT

Những quốc gia dân tộc đã và đang phải trải qua chiến tranh đều thấu hiểu và cảm nhận được giá trị của cuộc sống hòa bình. Mỗi dân tộc đều có cách bày tỏ, thể hiện tình cảm của mình đối với những người đã hy sinh, đóng góp cho cuộc đấu tranh giành độc lập, tự do ấy. Người hy sinh, người thương tích trở về đều được xã hội kính trọng, tôn thờ.

Ở nước mình, các liệt sĩ thường được an nghỉ trong các nghĩa trang liệt sĩ hay quê hương của họ. Còn đó, không ít liệt sĩ, bởi nhiều lý do khách quan chưa, hoặc không tìm thấy thân xác, yên nghỉ dưới nấm mộ vô danh. Tổ quốc ghi công họ dưới muôn vàn hình thức khác nhau: tượng đài, ghi danh trang vàng chói lọi của lịch sử dân tộc…Hơn tất cả, thương binh, liệt sĩ và gia đình họ đều là những người có công với dân, với nước được lưu danh muôn đời.

Trong khả năng có thể, hoạt động tìm kiếm hài cốt, quy tập mộ liệt sĩ, tri ân bằng chính sách hậu phương quân đội; đãi ngộ, giúp đỡ, sẻ chia với gia đình thương binh, liệt sĩ, người có công với cách mạng đã và đang được triển khai đạt hiệu quả ngày càng tốt hơn. Việc làm ấy, đã bù đắp được phần nào những mất mát, hy sinh của họ. Biết ơn và trả ơn đã trở thành đạo lý cao quý của dân tộc ta: ăn quả nhớ người trồng cây; uống nước nhớ nguồn; đời đời biết ơn các liệt sĩ thương binh và gia đình có công với dân, với nước. 

Bộ Quốc phòng là cơ quan chịu trách nhiệm chỉ đạo quân đội - lực lượng chủ công, phối hợp với các bộ, ban ngành chức năng của nhà nước thực hiện công tác chính sách đối với quân đội và hậu phương quân đội, trọng tâm ưu tiên là thực hiện chính sách với thương binh, liệt sĩ và gia đình họ. Theo đó là những việc khắc phục hậu quả chiến tranh.

Thời gian qua, cơ quan chức năng quân đội đã xác nhận, đề nghị công nhận 6.303 trường hợp (bệnh binh:410; liệt sĩ 470; cán bộ lão thành cách mạng:23; cán bộ tiền khởi nghĩa: 99 trường hợp). Hỗ trợ hơn 54 tỉ đồng cho quân nhân, công nhân, viên chức quốc phòng hy sinh, bị thương trong thực hiện nhiệm vụ quân sự, quốc phòng. Tìm kiếm, quy tập được 9.075 hài cốt liệt sĩ (trong nước:4241; Lào:1.265; Campuchia:3569). Giải quyết trợ cấp một lần cho 2.698.870 đối tượng; 6.183 đối tượng được hưởng trợ cấp hàng tháng. Phụng dưỡng: 2867 Mẹ Việt Nam Anh hùng; ủng hộ quỹ đền ơn đáp nghĩa: 530 tỷ đồng, xây tặng 4334 “ Nhà Tình nghĩa”, trị giá trên 306 tỉ đồng; thăm tặng quà thương binh, gia đình liệt sĩ, Người có công: 350 tỉ đồng; tham gia tôn tạo nghĩa trang liệt sĩ, gần 30.000 ngày công…Nỗ lực, cố gắng ấy phần nào làm vơi đi những mất mát hy sinh, giúp người thân của họ vượt qua khó khăn cuộc sống hàng ngày. Việt Nam cùng thế giới đang trải quan những tháng ngày cam go trong cuộc chiến chống đại dịch covid – 19 với những khó khăn đặc biệt bởi kẻ thù vô hình, biến hóa khôn lường. Tác động của đại dịch đến kinh tế - xã hội đất nước không nhỏ. Đối tượng dễ tổn thương là người nghèo, bấp bênh việc làm, thu nhập, mất sức khỏe…Hẳn nhiên có cả những trường hợp trên.

Thực hiện chính sách hậu phương quân đội, thương binh, liệt sĩ, gia đình và những người có công với cách mạng là nhiệm vụ chính trị, ý nghĩa chiến lược, đặc biệt quan trọng. Chính sách của Đảng, Nhà nước, quân đội đến được với mọi đối tượng hay không phải thông qua hoạt động cụ thể. Thật đáng mừng, cùng với chính sách của nhà nước, quân đội, hội cựu chiến binh từ trung ương đến địa phương, tổ chức trong hệ thống chính trị, hay các câu lạc bộ quân nhân, nhóm bạn chiến đấu cùng mặt trận chiến trường, đơn vị, quân binh chủng…tự hình thành và góp sức rất nhiều cho công tác tri ân, đền ơn, đáp nghĩa. Nhiều quân nhân tuổi cao, sức khỏe có hạn vẫn tích cực tham gia hoạt động tri ân đồng đội, tìm kiếm hài cốt, quy tập mộ liệt sĩ qua “đi tìm đồng đội”; sẻ chia, động viên giúp đỡ nhau trong cuộc sống đời thường. Hình ảnh Bộ đội Cụ Hồ sáng mãi không bao giờ tắt dù cho chiến tranh cứ lùi xa, lùi xa. Những nhân chứng lịch sử chiến tranh sẽ khuất dần theo năm tháng. Đất nước đã hòa bình nhưng vẫn luôn cần sự hy sinh, cống hiến để bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, bảo vệ chế độ…và lại có những liệt sĩ, thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ. Bởi thế, hành động biết ơn và trả ơn sẽ bồi đắp sức mạnh, lòng yêu nước, truyền thống giữ nước của dân tộc qua hàng ngàn năm lịch sử, góp phần hun đúc lòng yêu nước, tự hào dân tộc, tinh thần xả thân vì nền độc lập tự do hòa bình của dân tộc.

Dẫu vẫn biết nhiều dân tộc mong muốn, khát khao hòa bình không phải chiến tranh nhưng một khi thế giới còn tồn tại tư tưởng bá quyền, muốn ăn hiếp, thống trị, bá chủ thế giới, áp đặt chế độ thì xung đột, chiến tranh còn mãi. Theo đó, còn phải hy sinh đổ máu. Không có lòng yêu nước, không lý tưởng- “mình vì mọi người, mọi người vì mình” thì không dám tận hiến và dâng hiến.

Kỷ niệm ngày thương binh, liệt sĩ là một dịp ôn lại chặng đường lịch sử vẻ vang của dân tộc để tự hào, nhận thức đầy đủ, kiên định hơn chân lý: không có gì quý hơn độc lập tự do; giá trị của hai chữ HÒA BÌNH. Chúng ta - thế hệ thế kỷ 21 kế tiếp phải đồng lòng gìn giữ cuộc sống tự do, ấm no hạnh phúc đang có bằng chính sức mạnh được sự hun đúc bồi đắp qua hàng ngàn năm lịch sử. Tri ân, biết ơn và trả ơn là biểu hiện cụ thể xứng đáng nhất với thế hệ đã làm nên lịch sử dân tộc.

Văn Hùng

Theo KTDU

Từ khóa: