Nhà máy điện hạt nhân Fukushima Daiichi, Nhật Bản tiếp tục gặp sự cố sau khi công ty điện lực Tokyo (TEPCO) thông báo hơn 120 tấn nước nhiễm xạ đã rò rỉ ra bên ngoài môi trường.
Nhà máy điện hạt nhân Fukushima Daiichi, Nhật Bản tiếp tục gặp sự cố sau khi công ty điện lực Tokyo (TEPCO) thông báo hơn 120 tấn nước nhiễm xạ đã rò rỉ ra bên ngoài môi trường.
Nhà máy điện hạt nhân Fukushima Daiichi
Hôm 6/4, phát ngôn viên của TEPCO cho biết hơn 120 tấn nước nhiễm xạ của 1 trong 7 bể chứa nằm dưới lòng đất đã rò rỉ ra bên ngoài. Những bể chứa này vốn là nơi chứa nguồn nước làm mát cho các lò phản ứng sau khi phóng xạ caesium được loại bỏ song những chất phóng xạ khác vẫn còn lại.
“Chúng tôi đang chuyển số nước còn lại trong bể chứa bị rò rỉ sang các bể khác”, phát ngôn viên của TEPCO nói đồng thời nhấn mạnh khả năng nguồn nước nhiễm xạ chưa chảy ra biển.
Sự việc hơn 120 tấn nước nhiễm xạ rò rỉ ra bên ngoài xảy ra tiếp sau sự cố hệ thống làm mát cho bể chứa thanh nhiên liệu đã qua sử dụng tại lò phản ứng số 3 của nhà máy Fukushima gặp trục trặc kỹ thuật hôm thứ Sáu (5/4).
Trong khi đó, nhiên liệu hạt nhân thậm chí đã qua sử dụng vẫn cần được giữ lạnh nhằm ngăn chặn khả năng đột ngột bị làm nóng và bắt đầu chuỗi phản ứng nguyên tử tự phát, dẫn tới hiện tượng nóng chảy.
Nhà máy điện hạt nhân Fukushima Daiichi bị tàn phá nặng nề sau thảm họa động đất, sóng thần hồi tháng 3/2011 khiến các lò phản ứng tan chảy, phát tán hàng loạt phóng xạ nguy hiểm ra môi trường xung quanh, đồng thời buộc hàng chục ngàn người đi sơ tán, đất đai nông nghiệp nhiễm độc không thể tiếp tục hoạt động canh tác.