Sự kiện hot
7 năm trước

Nhiều công ty do 'Shark' Vương làm lãnh đạo đang 'lao dốc'

Xuất hiện trong chương trình “Thương vụ Bạc tỷ - Shark Tank Việt Nam”, ông Trần Anh Vương là một trong 4 Shark tham gia đầu tư cho các Startup.

Thực tế, ông Vương đang là lãnh đạo cấp cao tại rất nhiều doanh nghiệp khác nhau như Chủ tịch HĐQT tại CTCP Xuất nhập khẩu Tổng hợp I Việt Nam (TH1); CTCP Đầu tư BVG (BVG); Thành viên HĐQT tại CTCP Nhựa Đồng Nai (DNP), CTCP Vật liệu Điện và Viễn thông Sam Cường (SMT) và Tổng Công ty Dược Việt Nam (DVN); ngoài ra ông Vương được biết đến nhiều nhất trong vài trò là Tổng giám đốc tại CTCP SAM Holdings (SAM).

Trong số các công ty “Shark” Vương làm lãnh đạo, có nhiều doanh nghiệp đang trong tình trạng thua lỗ, giá cổ phiếu thì rẻ như bèo.

Lên sàn sớm, SAM đã tận dụng được giai đoạn thị trường chứng khoán bùng nổ giai đoạn 2005-2007 để huy động được khoản vốn rất lớn lên tới hơn 2.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, trong hơn 10 năm qua, việc sử dụng hiệu quả khối tài sản lớn này luôn là vấn đề nan giải của SAM, kể cả sau khi đã thay tên đổi chủ, đổi mới ban lãnh đạo. Khoảng 3 năm trước, SAM gây náo động sàn chứng với các thương vụ trao đổi qua lại một khối lượng rất lớn cổ phiếu giữa các cổ đông, nổi bật là cái tên CTCP Đầu tư và Thương mại Xuất nhập khẩu HFC Việt Nam.

Ông Trần Anh Vương được bổ nhiệm làm Tổng Giám đốc của SAM từ tháng 5/2016, tức sau khi SAM đã đổi chủ. Tuy nhiên, ông Vương đã được biết đến trước đó với vai trò là Chủ tịch HĐQT của CTCP Đầu tư BVG (mã: BVG) và CTCP Xuất nhập khẩu Tổng hợp I Việt Nam (mã: TH1). Cả 2 công ty này đều đang chìm trong thua lỗ và cổ phiếu chỉ ở mức giá trà đà.

Đối với BVG, trước khi đổi tên thành CTCP Đầu tư BVG vào năm 2016, vốn là CTCP Thép Bắc Việt sở hữu nhãn hiệu thép DAMSAN. Với cơ cấu tài chính mất cân đối do sử dụng vốn vay lớn để đầu tư trong khi ngành thép rơi vào giai đoạn khó, Bắc Việt đã thua lỗ liên tục, không có tiền trả nợ cho ngân hàng và cổ phiếu lao dốc không phanh.

Tương tự, tại CTCP Xuất nhập khẩu Tổng hợp I Việt Nam (TH1), ông Trần Anh Vương được bầu vào vị trí Chủ tịch từ tháng 4/2016. Trong giai đoạn này, TH1 đang gặp rất nhiều khó khăn và liên tục lỗ ròng hàng trăm tỷ.

Từ một doanh nghiệp được coi là thành công của ngành thương mại với lợi nhuận tốt và nhiều tiềm năng ở khối tài sản khổng lồ, TH1 đã tuột dốc từ năm 2015 đến nay, trong đó ngoài vấn đề liên quan đến các khoản trích lập dự phòng chứng khoán kinh doanh và dự phòng phải thu khó đòi thì còn là vấn đề mâu thuẫn giữa các nhóm cổ đông. TH1 từng có giá 50.000 – 60.000 đồng/cp và nay là 5.900 đồng, không có thanh khoản.

Mới đây, Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam – VietinBank (Mã CK: CTG) vừa ra thông báo bán khoản nợ có tài sản bảo đảm của CTCP Xuất nhập khẩu Tổng hợp 1 Việt Nam (Mã CK: TH1 ) với tổng dư nợ hơn 74 tỷ đồng. Trong đó dư nợ gốc 63,9 tỷ và nợ lãi 10,2 tỷ đồng.

Đây là khoản dư nợ cho vay của Vietinbank Chi nhánh TP.Hà Nội đối với TH1 từ năm 2015.

Nói về giá cổ phiếu, hiện tại, thị giá của TH1 chỉ là 5.900 đồng/cổ phiếu, thậm chí cũng không mấy nhà đầu tư hứng thú với TH1, thanh khoản thuộc nhóm cực kỳ thấp của thị trường. Tính từ cuối tháng 10, mới chỉ có vỏn vẹn 110 cổ phiếu TH1 được giao dịch mua, bán thị trường. So với đầu năm, thị giá TH1 đã giảm gần một nửa từ mức hơn 10.000 đồng/cổ phiếu. Tìm hiểu kỹ hơn, từng có thời điểm cổ phiếu TH1 được giao dịch với thị giá 60.000-70.000 đồng/cổ phiếu trước khi “ảm đạm” như hiện nay.

Trong khi đó, thị giá BVG hiện cũng chỉ ở mức 1.300 đồng/cổ phiếu, thuộc nhóm thấp nhất sàn chứng khoán. Thanh khoản BVG cũng không khá hơn TH1 khi nhiều phiên không có bất kỳ cổ phiếu nào được giao dịch. Thị giá BVG đã xuống dưới 2.000 đồng từ đầu năm 2016 khi tình hình kinh doanh của BVG khó khăn. Trước đó, BVG cũng từng được giao dịch quanh mức 20.000 đồng/cổ phiếu.

Thị giá cổ phiếu SAM đang được giao dịch trên dưới 8.000 đồng/cổ phiếu; cổ phiếu DVN ở mức 22.500 đồng; cổ phiếu Nhựa Đồng Nai có giá 21.500 đồng và cổ phiếu SMT giao dịch quanh mức 21.800 đồng.

Mai An (t/h)
Theo An ninh tiền tệ

Từ khóa: