Thời gian gần đây, mặc dù các cơ quan chức năng liên tục phát hiện và ra quyết định đình chỉ, thu hồi nhiều loại mỹ phẩm làm trắng da có chứa chất gây độc hại cho cơ thể.
Thời gian gần đây, mặc dù các cơ quan chức năng liên tục phát hiện và ra quyết định đình chỉ, thu hồi nhiều loại mỹ phẩm làm trắng da có chứa chất gây độc hại cho cơ thể.
Cùng đó, nhiều thẩm mỹ viện có dịch vụ tắm trắng cũng bị "sờ gáy"… Thế nhưng, nhiều cơ sở thẩm mỹ, spa ở TP.HCM vẫn "điếc không sợ súng" khi quảng cáo tràn lan "dùng công nghệ cấy tế bào gốc", kem tẩy trắng, tắm trắng "đặc biệt" với giá hàng nghìn USD cho một quy trình "biến da nâu thành trắng sáng".
Thử nghiệm tại chỗ tẩy trắng bằng kem tự chế, không nguồn gốc. Ảnh: T.G
Làm trắng da siêu tốc mời chào khắp nơi
Spa Ngọc A. gần chợ Phạm Văn Hai, quận Tân Bình, TP.HCM, nơi được cho là điểm "lột xác" của rất nhiều nghệ sĩ nữ của Showbiz Việt. Tầm 10h sáng, các phòng tắm trắng đã đầy ắp người, thấy khách mới, nữ chủ nhân của spa trực tiếp tư vấn: "Da em hơi xỉn và đen, spa của chị có thể làm trắng tất cả các loại da đen. Muốn trắng phải tắm trắng kết hợp xài kem, trong vòng một thời gian ngắn là đẹp rạng ngời". Vừa nói chị vừa chứng minh uy tín bằng những hình ảnh lớn nhỏ của các nữ nghệ sĩ Việt được treo ở khu vực tiếp tân, những người đã lột xác da nâu thành trắng tại spa này cũng như chức danh bác sĩ của chị.
Sau tư vấn, một nhân viên của spa mang loại kem tắm trắng đã được trộn sẵn để thử trực tiếp cho khách. Một lớp kem trộn với nhiều thành phần được xoa lên một phần cánh tay, sau 5 phút da có những dấu hiệu ngứa rần rần. Nữ nhân viên bảo: "Chị yên tâm, ai làm trắng da cũng bị ngứa vậy đó, nhưng không có vấn đề gì xảy ra đâu. Ở đây đảm bảo an toàn". Chủ nhân spa cho biết, ở trung tâm làm đẹp của chị có hai loại tắm trắng, bình thường thì 1,5 triệu đồng/lần. Còn dịch vụ trắng siêu tốc, kết quả nhanh hơn có giá 2,5 triệu đồng/ lần và để duy trì được làn da trắng sáng đó phải kết hợp song hành cùng các loại kem chuyên biệt của spa giá từ 1 triệu đồng trở lên cho 1 lọ nhỏ. "Hoàn thành liệu trình trắng da là 20 triệu, khi ấy em hóa thành bạch tuyết luôn", chủ spa bảo.
Tại spa của "hot girl tai tiếng" tên T. trên đường Cách Mạng Tháng 8, giá mỗi hũ kem tắm trắng từ 1 triệu đồng trở lên, giá mỗi lần "lột da" cũng tầm 2 triệu đồng. Các hũ kem tắm trắng ở đây đều dán nhãn tên của chính nữ chủ nhân này, rất giống các loại kem trộn được pha chế bên ngoài. Người quản lý của spa T. cho hay, spa này có thể đáp ứng được nhu cầu làm trắng da, nhưng để có làn da trắng thì tốt nhất đừng tiếp xúc với nắng, nếu không da sẽ đen xì như cũ. Nữ quản lý bảo nếu khách bị dị ứng với các loại mỹ phẩm ở đây, spa sẽ giảm giá 10% trên từng hũ kem như là một "giải an ủi" chứ không kèm theo bất kỳ cam kết nào.
Ngoài trào lưu tắm trắng, trên thị trường hiện nay còn có các trào lưu trắng da siêu tốc khác bằng các phương pháp chích thuốc làm trắng da hoặc dùng thuốc "thần dược" trắng da. Nhân viên spa M. ở quận Phú Nhuận tư vấn nên dùng phương pháp "tiêm trắng" để trắng siêu tốc. Nhân viên này lý giải: "Tiêm trắng da được yêu thích bởi nó mang tới hiệu quả tức thì, làm thay đổi nội tiết tố, lượng hồng cầu". Theo nhân viên này, việc tiêm thuốc trắng da nhằm giảm lượng hắc sắc tố sẽ khiến da chuyển dần sang màu sáng rất nhanh, dù không biết thuốc gì khiến da mau trắng. Nhân viên spa này cho biết, chi phí chích trắng da khoảng 20 triệu đồng.
Không chỉ tiêm, chích, chủ cơ sở spa M.M, có tiếng ở TP.HCM quảng cáo đây là nơi đã "hô biến" làn da đen ngăm của một "sao" thành trắng nõn bằng cách tiêm… tế bào gốc vào người. Tuy nhiên, cơ sở này khẳng định giá của một công đoạn như vậy có khi lên tới... 10 nghìn USD. Chủ cơ sở này không ngại khi tư vấn công nghệ làm trắng siêu tốc của mình. "Đầu tiên là tiêm tế bào gốc vào cơ thể để tái tạo lại các tế bào từ bên trong, sau đó cấy tế bào gốc vào da. Tiếp đến quét nhũ tương tế bào gốc lên toàn cơ thể, loại bỏ các mảng da sạm để da toàn thân trắng sáng cùng một màu", người này lý giải. "Sau quy trình này, các nhân viên spa dùng một loại kem dưỡng trắng đặc biệt để kích thích các tế bào non trẻ phát triển giữ cho da trắng lâu dài", chủ spa tiếp. Tuy nhiên, khi hỏi cơ sở này có được phép cấy tế bào gốc hay không thì người này ậm ừ không trả lời.
Spa có tên V, trên đường Phạm Ngọc Thạch, quận 3 còn dùng thuốc trắng da các loại từ viên nén đến thuốc nước. "Đây là dạng thuốc tây"- nhân viên spa này cho biết. Giá cả của phương pháp dùng thuốc trắng cũng nhiều loại. "Phổ biến hơn cả vẫn là dạng thuốc nước với liệu trình 7 ngày, mỗi ngày uống 1 lọ với giá 1 triệu đồng. Thuốc tây dạng viên thì có giá "dễ thở" hơn: khoảng 3 triệu đồng/lọ. Còn thuốc làm trắng da từ đông y được quảng cáo là chủ yếu chứa các thành phần như nhân hạt bí, trần bì, hoa đào... cùng các thảo dược "bí truyền" có giá rẻ nhất: 600.000-2 triệu đồng/lọ", nhân viên spa liệt kê.
Nhiều nguy cơ rủi ro
Mới đây, Cục Quản lý dược - Bộ Y tế ra quyết định đình chỉ và thu hồi trên toàn quốc 17 sản phẩm mỹ phẩm làm trắng da của nhà sản xuất Kanebo Cosmetics Inc (Nhật Bản) do trong thành phần có chứa Rhododenol - chất có thể gây ra những mảng trắng bất thường trên da. Trước đó, hãng mỹ phẩm Kanebo cũng đã tự nguyện thu hồi 54 sản phẩm làm trắng da từ khắp châu Á (trong đó có Việt Nam) sau khi có các khiếu nại về những loại mỹ phẩm này gây ra triệu chứng da mất màu, thậm chí không hết đi ngay cả khi ngưng sử dụng mỹ phẩm đó.
Đây thực sự là một hồi chuông cảnh báo với những chị em đang ấp ủ hy vọng có được một làn da trắng hồng, quyết tâm "thay đổi làn da" bằng mọi cách, bởi thực tế những nhà sản xuất tự nguyện thu hồi kem trắng da kém chất lượng chỉ đếm trên đầu ngón tay trong khi các sản phẩm có chứa chất độc hại như vậy đang được bày bán tràn ngập thị trường.
Quảng cáo tắm trắng bằng nhiều phương pháp không được cấp phép. Ảnh: T.G
Còn nhớ hồi tháng 5/2013, Viện người tiêu dùng Hàn Quốc tiến hành kiểm nghiệm và phát hiện 3 loại sản phẩm làm trắng da xuất xứ từ Trung Quốc có hàm lượng thủy ngân và Peroxide vượt quá tiêu chuẩn an toàn từ 500 đến gần 16.000 lần. Tại nước ta, hồi đầu năm nay, cơ quan chức năng Hà Nội đã phát hiện hơn 2,5 tấn mỹ phẩm nhập lậu, đa số có nguồn gốc từ Trung Quốc. Ngay đầu tháng 7 này, Thanh tra Sở Y tế Hà Nội tiến hành kiểm tra một số cơ sở thẩm mỹ có quảng cáo dịch vụ tắm trắng, kết quả cho thấy hầu hết những loại mỹ phẩm, hóa chất mà các cơ sở sử dụng để tắm trắng đều không rõ nguồn gốc xuất xứ hoặc sản phẩm nhập khẩu nhưng chưa được cấp phép lưu hành của Bộ Y tế.
Theo các chuyên gia về da liễu, hóa chất được sử dụng để tắm trắng mà các cơ sở thường sử dụng là AHA (alpha hydroxy acid), glycolic, lactic, citric, tartaric và malic acid. Những chất này đều có tính tẩy mạnh. Còn với các loại mỹ phẩm làm trắng da thường có chứa chất corticoid, nếu hàm lượng chất này ở mức cho phép thì tính an toàn khá cao nhưng dùng nhiều cũng gây ra các phản ứng phụ. Riêng với những loại mỹ phẩm rởm thường có pha trộn nồng độ coticoid cao hơn mức cho phép nhằm đạt được tác dụng làm trắng "siêu tốc", do đó rất nguy hiểm cho người sử dụng.
Bác sĩ Nguyễn Hữu Sáu, BV Da liễu Trung ương cho biết, công nghệ tắm trắng được giới thiệu tại các cơ sở thẩm mỹ chủ yếu chỉ có tác dụng tại chỗ. Các loại sản phẩm này thường có tác dụng làm co mạch tức thì, gây hiệu ứng trắng da nhanh nhưng cũng chỉ có hiệu quả trong thời gian ngắn, lại có hại cho cơ thể. Bản chất của các loại kem tẩy trắng da, kem lột da đều có chứa những loại hóa chất tẩy. Những chất tẩy này khi được thoa lên da sẽ làm bong tróc lớp biểu bì, để lại phần da non. Sản phẩm làm trắng da càng "siêu tốc" bao nhiêu càng nguy hiểm bấy nhiêu.
Ngoài ra, các chuyên gia cũng nhấn mạnh, màu sắc da của cơ thể là do gene di truyền, tính chất chủng tộc quyết định, vì vậy chúng ta chỉ có thể nhờ các tác động bên ngoài giúp làn da mịn màng và sáng hơn chứ không thể có chuyện sau tắm trắng, dùng mỹ phẩm làm trắng sẽ có được làn da trắng bóc lâu dài.
Trao đổi với báo chí, bác sĩ Nguyễn Hoài Nam, Trưởng phòng Nghiệp vụ y, Sở Y tế TP.HCM khẳng định tất cả các spa đều không được thực hiện việc tiêm tế bào gốc vào cơ thể hoặc điều trị thuốc cho khách hàng. "Việc sử dụng tế bào gốc trong chữa bệnh, đến nay Bộ Y tế mới chỉ cấp phép cho một số bệnh viện lớn, chuyên khoa, không có chuyện các thẩm mỹ viện và spa được thực hiện kỹ thuật này"- bác sĩ Nam khẳng định, đồng thời cho biết, các cơ sở nói trên nếu thực hiện là làm chui, có khả năng gây nguy hiểm đến tính mạng khách hàng. "Các spa do quận huyện cấp phép, chủ yếu là làm đẹp, trang điểm... không thực hiện được việc điều trị, tiêm chích hay dùng thuốc", bác sĩ Nam nói.
|
Phi Hoàng
theo GĐ&XH