Sự kiện hot
4 năm trước

NHNN muốn rút ngắn thời gian cho vay quá hạn, tăng tỷ lệ trích lập dự phòng

NHNN cho biết việc rút ngắn thời gian cho vay quá hạn và tăng tỷ lệ trích lập dự phòng rủi ro để phản ánh đúng nghiệp vụ cho vay tái cấp vốn và mức độ rủi ro của nghiệp vụ này theo ý kiến của Bộ Tài chính.

Trụ sở Ngân hàng Nhà nước. (Ảnh: Tạp chí Ngân hàng).  

Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đang lấy ý kiến dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 39/2013 quy định về xác định, trích lập, quản lý và sử dụng khoản dự phòng rủi ro của NHNN.

NHNN cho rằng việc nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung Thông tư 39 là cần thiết do còn một số hạn chế, bất cập như chưa quy định cụ thể nội dung các khoản phải thu khác; chưa có quy định về trình tự xử lý các khoản tổn thất đang theo dõi ngoại bảng...

Theo đó, NHNN dự định rút ngắn thời gian cho vay quá hạn và tăng tỷ lệ trích lập dự phòng rủi ro để phản ánh đúng nghiệp vụ cho vay tái cấp vốn và mức độ rủi ro của nghiệp vụ này theo ý kiến của Bộ Tài chính tại công văn số 16956/BTC-TCNH ngày 6/12/2013.

Cụ thể, dự thảo sửa đổi, bổ sung điều khoản về các khoản tái cấp vốn được phân loại theo mức độ rủi ro tăng dần như sau.

Tại Nhóm 1, các khoản tái cấp vốn không quy định thời hạn thanh toán phát sinh dưới 1 năm được điều chỉnh thời hạn xuống dưới 6 tháng. Tại Nhóm 2, các khoản tái cấp vốn đã quá hạn dưới 1 năm giảm xuống 6 tháng; các khoản tái cấp vốn không quy định thời hạn thanh toán phát sinh từ 1 - 3 năm giảm xuống từ 6 tháng đến 1 năm. 

Hay tại Nhóm 3, các khoản tái cấp vốn đã quá hạn từ 1 - 2 năm giảm xuống 6 tháng đế 1 năm; các khoản tái cấp vốn không quy định thời hạn thanh toán phát sinh từ 3 - 5 năm giảm còn 1 - 3 năm;....

Đồng thời, để đảm bảo việc thực hiện quy chế trích lập, quản lý và sử dụng khoản dự phòng rủi ro rõ ràng và có căn cứ, NHNN bổ sung các khoản phải thu khách hàng, các khoản phải thu nhà cung cấp, các khoản phải thu cá nhân, tổ chức bên ngoài buộc phải có chứng từ gốc chứng minh số tiền đối tượng nợ chưa trả.

Ngoài ra, dự thảo Thông tư cũng nêu rõ sau thời gian tối thiểu 5 năm kể từ ngày sử dụng khoản dự phòng rủi ro để xử lý tổn thất và sau khi đã thực hiện các biện pháp để thu hồi các khoản tổn thất nhưng không thể thu hồi được, Thống đốc NHNN xem xét, quyết định cho xuất toán khoản tổn thất đã xử lý bằng khoản dự phòng rủi ro ra khỏi tài khoản ngoài bảng cân đối kế toán.

Lê Huy

Theo Doanh Nghiệp Niêm Yết

Từ khóa: