Bà Đỗ Thị Nhung - Phó vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ (Ngân hàng Nhà nước) cho biết, thời gian tới cơ quan này sẽ có chính sách "nới tay" cho các đối tượng nằm trong diện "không khuyến khích" cho vay.
Bà Đỗ Thị Nhung - Phó vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ (Ngân hàng Nhà nước) cho biết, thời gian tới cơ quan này sẽ có chính sách "nới tay" cho các đối tượng nằm trong diện "không khuyến khích" cho vay.
Vốn tín dụng sẽ mở hơn với đối tượng cho vay tiêu dùng "không khuyến khích"
Cụ thể, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) sẽ nghiên cứu “nới” thêm tỷ lệ vay phù hợp hơn với các đối tượng “không khuyến khích”, như cho vay tiêu dùng, đối tượng vay mua nhà ở. Trước đó, trong Chỉ thị 01 của NHNN về phân bổ chỉ tiêu tín dụng công bố hồi đầu năm, tỷ trọng dư nợ cho vay đối với các lĩnh vực không khuyến khích so với tổng dư nợ cho vay của tổ chức tín dụng trong suốt năm 2012 tối đa là 16%. Các lĩnh vực cho vay không khuyến khích bao gồm cho vay đầu tư kinh doanh chứng khoán, cho vay tiêu dùng, cho vay đầu tư, kinh doanh bất động sản. Tuy nhiên, NHNN đã mở rộng hơn cho vay tiêu dùng đối với các đối tượng xây nhà cho người thu nhập thấp, công nhân lao động, mua nhà ở thu nhập thấp, nhà ở công nhân…
“NHNN sẽ đưa một số đối tượng ra khỏi danh sách không khuyến khích nếu thấy phù hợp và sẽ công bố công khai” – bà Nhung thông tin.
Thêm vào đó, để đa dạng dịch vụ và “hàng hóa” trên thị trường, NHNN sẽ nghiên cứu chỉnh sửa các quy định pháp lý, cải cách thủ tục hành chính để tạo điều kiện cho các NHTM triển khai thêm các sản phẩm phái sinh theo thông lệ quốc tế.
Hiện NHNN đã cấp phép cho một số NH như Vietinbank, MB… phát triển các dịch vụ này. Các dịch vụ phái sinh bao gồm hoán đổi lãi suất, bảo hiểm giá cả… một mặt giúp NH phòng ngừa rủi ro, tăng khả năng quản trị điều hành, mặt khác tạo điều kiện để các doanh nghiệp (DN) xuất khẩu hàng hóa tốt hơn
Ngoài ra, vị Phó vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ cũng khuyến nghị các NHTM cần đa dạng hóa, nâng cao năng lực thẩm định để triển khai các sản phẩm cũng như cung ứng vốn vay cho DN một cách nhanh chóng, tránh tình trạng vốn trong NH dù dư giả nhưng không thể cho vay ra, còn DN thì “khát” vốn và “chết mòn” vì thiếu vốn.
Trường Giang
Theo Infonet