Trong ba ngày tính từ 25.2, phiên chợ hàng Việt về nông thôn đầu tiên kể từ tết âm lịch đến nay, tại huyện Đầm Dơi – tỉnh Cà Mau có kết quả khả quan. Doanh số bán hàng của 41 doanh nghiệp tham gia đạt 1.686 triệu đồng và thu hút 21.614 lượt khách tham quan mua sắm.
Trong ba ngày tính từ 25.2, phiên chợ hàng Việt về nông thôn đầu tiên kể từ tết âm lịch đến nay, tại huyện Đầm Dơi – tỉnh Cà Mau có kết quả khả quan. Doanh số bán hàng của 41 doanh nghiệp tham gia đạt 1.686 triệu đồng và thu hút 21.614 lượt khách tham quan mua sắm.
Người tiêu dùng nông thôn vẫn ít cơ hội tiếp cận hàng Việt Nam có chất lượng. Ảnh: NT
Tính từ tháng 3.2009 đến nay, chỉ riêng trung tâm Nghiên cứu và hỗ trợ doanh nghiệp (BSA) đã tổ chức được 76 phiên ở 24 tỉnh, thành khác nhau trên cả nước, tổng doanh thu đạt gần 70 tỉ đồng. Nhiều doanh nghiệp trong nước có kế hoạch phát triển thị trường trong nước, trong đó có bán hàng ở nông thôn, song thị trường này vẫn chưa được quan tâm đúng mức.
Nhu cầu tăng nhanh, cạnh tranh chưa gay gắt
Số liệu từ công ty nghiên cứu thị trường Kantar Worldpanel Việt Nam cho thấy, nếu chỉ tính những hộ gia đình có mức thu nhập bình quân đầu người trên mức sống tối thiểu (trên 400.000 đồng/tháng), thị trường nông thôn có tới hơn 8,74 triệu hộ gia đình. Xét về lượng, nếu xem các hộ này là khách hàng tiềm năng, thì con số này gấp sáu lần so với các hộ sống ở bốn thành phố chính (TP.HCM, Hà Nội, Đà Nẵng, Cần Thơ). Mức thu nhập của các hộ gia đình nông thôn luôn ở mức tăng trưởng hai con số qua các năm, hứa hẹn khả năng mở rộng hầu bao chi tiêu.
Số liệu của Kantar Worldpanel Việt Nam còn cho thấy, thực phẩm tươi sống và hàng tiêu dùng nhanh chiếm 1/4 trong ngân sách chi tiêu hàng tháng của hộ gia đình nông thôn. Đây chính là cơ hội phát triển của ngành hàng này. Cụ thể trong năm 2011, tốc độ tăng trưởng ngành hàng tiêu dùng ở bốn thành phố chính là khá cao – ở mức 16%, thì ở khu vực nông thôn mức tăng trưởng lên gấp đôi – trên 32%, dẫn đầu là thực phẩm khô (mì gói, bánh kẹo, thực phẩm đóng hộp, dầu ăn, gia vị), thức uống, thực phẩm chế biến từ sữa… Cạnh tranh ở lĩnh vực thực phẩm khô tại thị trường nông thôn không gay gắt như ở thành thị. Trong khi ở thành thị Việt Nam đã có khoảng 2.500 nhãn hàng, thì khu vực nông thôn mới chỉ có chừng 1.200 nhãn hàng đang tham gia kinh doanh.
Năm 2012, dự án hàng Việt về nông thôn do BSA thực hiện sẽ tập trung vào ba tiêu chí chính là: nâng chất lượng phiên chợ; mở rộng đối tượng doanh nghiệp tham gia; mở rộng thị trường. Cụ thể là cải tiến và bổ sung một số hoạt động như huấn luyện tiểu thương, các hoạt động xã hội (khám bệnh và phát thuốc miễn phí; tư vấn dinh dưỡng cho trẻ em và tặng quà cho các hộ nghèo, học sinh nghèo…) Tập trung mở rộng đưa hàng Việt về nông thôn ở các thị trường mới, ở các vùng sâu xa (các tỉnh miền Đông và cao nguyên), tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tiếp cận – bám sát thị trường và củng cố mạng lưới phân phối…
|
Khảo sát trên một số doanh nghiệp Việt Nam được xem là thành công trong khai thác thị trường nông thôn, do BSA thực hiện, thì doanh số bán hàng vùng nông thôn của họ cũng mới chỉ 20 – 25% tổng doanh số. Còn những doanh nghiệp khác đã có hàng bán ở nông thôn thì tỷ trọng thị trường nông thôn chỉ ở mức 10 – 15%. Cơ hội tăng trưởng bán hàng cho thị trường nông thôn nằm ở chỗ khu vực này đang chiếm 74% dân số nhưng doanh thu nhóm hàng tiêu dùng nhanh chiếm chưa đến 47%, theo báo cáo của Nielsen năm 2011.
Tìm cách mở cửa thị trường nông thôn
Theo Kantar Worldpanel Việt Nam, những doanh nghiệp đầu tư vào thị trường nông thôn ở thời điểm này sẽ có lợi thế của người đi trước trong việc tiếp cận người tiêu dùng và xây dựng thương hiệu. Tuy nhiên cũng sẽ có nhiều rào cản, chẳng hạn về giá, thu nhập các hộ gia đình nông thôn chỉ bằng 40% thu nhập trung bình của thành thị, nên người tiêu dùng sẽ rất cân nhắc khi mua hàng.
Một số doanh nghiệp cho biết, họ có kế hoạch phát triển thị trường ở nông thôn trong năm nay. Theo ông Lê Danh Thắng, giám đốc bán hàng miền Nam công ty thực phẩm Đức Việt, thị trường nông thôn khu vực phía Nam còn nhiều tiềm năng, và công ty có kế hoạch tăng thị phần trong năm 2012. Ông Lưu Song Hùng, giám đốc kinh doanh của công ty nhựa Chí Thành, cho biết: “Công ty sẽ tập trung phát triển thị trường mục tiêu ở khu vực Đông Nam bộ, đồng bằng sông Cửu Long, miền Trung và Tây Nguyên bằng cách mang đến cho người nông dân sự “trải nghiệm” về sản phẩm. Điều này đa phần các doanh nghiệp chỉ thực hiện ở khu vực thành phố mà chưa làm ở các tỉnh xa”.
Bà Nguyễn Thị Thu Huê, giám đốc công ty phân phối Đông Anh, hoạt động ở khu vực ở miền Đông Nam bộ cho rằng: “Cái khó khi đưa sản phẩm về quê là giá cả và phân phối”. Cụ thể, hàng về nông thôn cần gói nhỏ, để có giá vừa với túi tiền người dân. Gói càng nhỏ, chi phí vận chuyển càng tăng, nên doanh nghiệp phải tính toán cho kỹ. Người nông thôn thường mua hàng ở chợ, tiệm tạp hoá gần nhà, nên phải thiết lập mạng lưới bán hàng đến tận hang cùng ngõ hẻm.
Bích Thuỷ
Theo SGTT