Sự kiện hot
12 tháng trước

Nhựa Bình Minh đạt 1.454 tỷ đồng doanh thu trong quý IV/2023

CTCP Nhựa Bình Minh (mã chứng khoán: BMP) vừa công bố kết quả kinh doanh quý IV/2023 với doanh thu 1.454 tỷ đồng, tăng nhẹ 3% so với cùng kỳ năm trước.

Cụ thể, doanh thu thuần bán hàng và cung cấp dịch vụ quý IV/2023 của Nhựa Bình Minh đạt 1.454 tỷ đồng, cao hơn chút ít so với doanh số 1.407 tỷ đồng cùng kỳ năm trước. Sau khi trừ đi các khoản chi phí phát sinh trong hoạt động kinh doanh, Nhựa Bình Minh ghi nhận lợi nhuận sau thuế đạt 257 tỷ đồng, tăng 4,5% so với cùng kỳ năm 2022.

NHÀ MÁY NHỰA BÌNH MINH
Nhựa Bình Minh đạt 1.454 tỷ đồng doanh thu trong quý IV/2023.

Luỹ kế cả năm 2023, doanh nghiệp nhựa này ghi nhận tổng doanh thu thuần 5.157 tỷ đồng, giảm 11,2% so với năm 2022 nhưng lợi nhuận sau thuế lại tăng tới 50%, đạt 1.041 tỷ đồng. Đây là mức lợi nhuận cao nhất lịch sử 46 năm hoạt động của Nhựa Bình Minh.

So với kế hoạch kinh doanh đã đề ra, Nhựa Bình Minh chỉ hoàn thành 81% mục tiêu doanh thu, nhưng đạt 160% mục tiêu lợi nhuận cả năm.

Tại thời điểm 31/12/2023, tổng tài sản của Nhựa Bình Minh đạt 3.255 tỷ đồng, tăng 211 tỷ đồng so với số đầu năm. Trong đó, lượng tiền mặt và tiền gửi của công ty ở mức 2.011 tỷ đồng, chiếm gần 62% cơ cấu tài sản. Hàng tồn kho là 364 tỷ đồng, giảm 37% so với cuối năm 2022. 

Dù là doanh nghiệp đầu ngành nhựa nhưng công ty này chỉ có hơn 55 tỷ đồng nợ vay tài chính. Vốn chủ sở hữu đạt 2.689 tỷ đồng. 

Trong năm 2023, không chỉ ghi nhận năm đầu tiên mang về hơn 1.000 tỷ lợi nhuận, Nhựa Bình Minh còn đón nhận một tin vui khác khi cổ phiếu của doanh nghiệp này cũng đã chính thức vượt mốc 100.000 đồng/cp trong phiên 22/12/2023. Con số này đưa BMP lọt vào top 5 cổ phiếu có thị giá cao nhất sàn HoSE chỉ sau VCF, RAL, VJC và FRT.

Kết thúc phiên giao dịch ngày 25/1/2024, cổ phiếu BMP đạt mức giá 104.600 đồng/cp. Tính từ đầu năm 2023, BMP đã tăng gần gấp đôi thị giá. Vốn hóa thị trường của Nhựa Bình Minh cũng theo đó tăng thêm hơn 4.400 tỷ, lên mức xấp xỉ 8.600 tỷ đồng qua đó củng cố vị trí số 1 trong ngành nhựa trên sàn chứng khoán.

Nhựa Bình Minh: Lợi nhuận quý IV/2023 nhích tăng nhẹ | Thời báo Tài chính  Việt Nam

Chứng khoán FPT Securities (FPTS) cho biết, biên lợi nhuận gộp của các doanh nghiệp ngành nhựa xây dựng trong năm 2023 đạt mức cao kỷ lục là do giá bán sản phẩm đầu ra tiếp tục duy trì mức cao kể từ sau giai đoạn liên tục tăng mạnh vào năm 2021 bất chấp nhu cầu tiêu thụ ảm đạm; trong khi đó, giá hạt nhựa đầu vào lại sụt giảm mạnh.

Mặc dù quý 4/2023 là mùa cao điểm xây dựng nhưng doanh thu của ngành nhựa xây dựng giảm chủ yếu do các doanh nghiệp đã áp dụng một số chương trình khuyến mãi trong thời gian ngắn để kích cầu khiến giá bán trung bình giảm nhẹ.

Trong đó, Nhựa Bình Minh đã thực hiện chương trình khuyến mại vào nửa cuối quý 4/2023 với việc giảm giá bán khoảng 8% so với cùng kỳ năm 2022 nhằm khuyến khích các đại lý phân phối tích luỹ thêm sản phẩm.

Trong năm 2024, FPTS nhận định biên lợi nhuận gộp của các doanh nghiệp nhựa xây dựng như Nhựa Bình Minh sẽ giảm nhẹ so với mức cao kỷ lục của năm 2023, nhưng vẫn đạt mức cao so với các giai đoạn trước.

Biên lợi nhuận gộp chịu áp lực giảm chủ yếu do giá hạt nhựa vốn đang ở mức rất thấp, được kỳ vọng sẽ phục hồi dần khi nhu cầu trên toàn cầu được cải thiện. Giá hạt nhựa PVC nhiều khả năng đã chạm đáy trong quý 3 - quý 4/2023 khi duy trì quanh mức 800 USD/tấn và dự báo sẽ hồi phục về mức trung bình 900 USD/tấn trong năm 2024, tăng 6,2% so với năm 2023, tương ứng ở vùng giá trung bình giai đoạn 2018-2020. Nhưng mức giá này vẫn thấp hơn đáng kể so với giai đoạn 2021-2022.

Được biết, năm 1977, Công ty ống nhựa hóa học Việt Nam (Kepivi) và Công ty Nhựa Kiều Tinh được sáp nhập, lấy tên là Nhà máy Công tư Hợp doanh Nhựa Bình Minh trực thuộc Tổng Công ty Công nghệ phẩm, Bộ Công nghiệp nhẹ. Năm 1994, công ty đổi tên thành Công ty Nhựa Bình Minh. Ngày 02/01/2004, sau khi cổ phần hóa, Công ty Cổ phần Nhựa Bình Minh chính thức hoạt động. Ngày 11/7/2006, cổ phiếu của Công ty chính thức giao dịch trên Thị trường chứng khoán Việt Nam với mã chứng khoán BMP.

Sau hơn 43 năm hình thành và phát triển, Công ty Cổ phần Nhựa Bình Minh hiện được đánh giá là một trong những doanh nghiệp hàng đầu, có uy tín cao trong ngành nhựa Việt Nam. Sản phẩm mang thương hiệu Nhựa Bình Minh đạt tiêu chuẩn quốc gia và quốc tế. Công ty có hệ thống máy móc thiết bị và công nghệ tiên tiến được trang bị đồng bộ tại 4 nhà máy ở TP. Hồ Chí Minh, Bình Dương, Long An và Hưng Yên, với công suất 150.000 tấn/năm. Hiện nay, công ty có gần 1.800 cửa hàng rộng khắp trên cả nước đảm bảo cung ứng hàng hóa nhanh chóng, kịp thời theo yêu cầu của khách hàng. Nhựa Bình Minh chiếm khoảng 43% thị phần ống nhựa và phụ tùng tại khu vực miền Nam, khoảng 5% thị phần ống nhựa và phụ tùng tại khu vực miền Bắc, và chiếm khoảng 28% thị phần ống nhựa trong cả nước (theo nguồn SCG Research). Hàng năm, công ty luôn hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu kinh doanh.

Tiến Hoàng/KTDU

Từ khóa: