Tình cha con luôn là nguồn cảm hứng bất tận cho các nhà làm phim ở mọi thời điểm.
Từ khi điện ảnh khai sinh đến nay, đề tài tình cảm gia đình vẫn luôn được các nhà làm phim đặt lên hàng đầu. Ngoài tình mẫu tử thì tình phụ tử khi được phác họa lên màn ảnh cũng dễ dàng lấy nhiều nước mắt và rung động của người xem.
Nhân ngày của cha (ngày chủ nhật thứ ba của tháng 6), cùng điểm lại những bộ phim về tình phụ tử từng "làm mưa làm gió" màn ảnh khắp thế giới và được xếp vào danh sách hay nhất mọi thời đại.
Điều kì diệu ở phòng giam số 7
Mặc dù là bộ phim hài của điện ảnh Hàn Quốc nhưng cũng khiến người xem bật khóc vì xúc động trước tình cảm cha con.
Yong Goo là ông bố bị thiểu năng. Cuộc đời ban tặng cho anh cô con gái thông minh, xinh đẹp Ye Seung (Kal So Won đóng). Dù nghèo khổ nhưng cô bé có phẩm chất vô cùng cao quý. Hai bố con ngày ngày bên nhau, ngày ngày dặn nhau sống tốt.
Một buổi tối, bố của Ye Seung không trở về như thường lệ. Vì chiếc cặp in hình Thủy thủ Mặt Trăng mà con gái mơ ước, Yong Goo chạy theo một bé gái. Trời giá buốt, bé gái vấp ngã và qua đời.
Yong Goo bị vu bắt cóc, cưỡng dâm và giết em. Bé gái là con của Cục trưởng Cục cảnh sát, Yong Goo bị khép tội chết.
Vào tù, phạm nhân giết người ban đầu bị bạn tù ở những tội danh khác khinh mạt nhưng tử tù ấy dùng sự lương thiện và lòng yêu thương con người để hóa giải tất cả. Vì thế những người bạn tù của Young Goo trong phòng giam số 7 đã tìm cách để đưa cô bé vào thăm cha.
Bất cứ ai đã từng xem bộ phim Điều kì diệu ở phòng giam số 7 đều không thể cầm được nước mắt vì tình phụ tử thiêng liêng.
Phòng giam số 7 như một quả bóng bay chứa đầy mơ ước về cuộc sống đơn giản, bình yên, không chỉ của hai cha con ông bố thiểu năng, mà còn của cả những tù nhân từng một thời lầm lỡ, của người trưởng trại tù luôn chứa chất trong lòng nỗi đau và lòng căm hận. Trên tất cả, phim tôn vinh tình cảm gia đình thiêng liêng, tình bạn giữa những người cùng cảnh ngộ.
Phim từng tạo nên cơn sốt lớn ở Hàn Quốc khi công chiếu hồi đầu năm. Số lượt người đến rạp xem Phòng giam số 7 vượt quá 12,3 triệu (dân số Hàn Quốc là 50 triệu người). Tác phẩm được xếp vào hàng những phim dẫn đầu xứ sở kim chi về lượt người xem và doanh thu phòng vé.
Train to Busan
Bộ phim zombie này của điện ảnh Hàn Quốc được ca ngợi xứng tầm bom tấn châu Á với những cảnh quay ấn tượng và nội dung giàu tính nhân văn.
Trên một chuyến tàu, từ một người nhiễm bệnh đã nhanh chóng lây cho nhiều người khác. Khoảnh khắc sinh tử đó đã lột tả được những tình tiết nhân văn, chứa lòng tin, sự hi sinh, giúp đỡ, lòng ích kỉ của con người. Và đặc biệt hơn cả là hai cha con, nhân vật chính của câu chuyện đã lấy đi rất nhiều nước mắt người xem.
Train to Busan không dừng lại ở câu chuyện về chuyến tàu sinh tử đơn thuần mà còn khắc họa rõ nét tình cảm cha con đến tận lúc sinh li tử biệt.
Trong vai chính, Gong Yoo khắc họa được hình ảnh một người cha luôn mải mê công việc, chỉ đến khi thảm họa mới bộc lộ hết tình yêu thương con.
Giây phút người cha nói lời vĩnh biệt với con gái và nhảy khỏi tàu tự vẫn để không phải cắn con gái mình là khoảnh khắc xúc động nhất. Bộ phim ca ngợi về tình phụ tử sẵn sàng hi sinh mạng sống của mình để bảo vệ con.
Tôi là Sam
Tôi là Sam (I am Sam) được ra mắt từ năm 2001 nói về một người đàn ông thiểu năng trí tuệ phải nuôi một đứa bé bị bỏ rơi Lucy. Tuy phải đối mặt với khó khăn nhưng hai cha con vẫn có một cuộc sống vô cùng hạnh phúc.
Nhưng một ngày, Hội bảo trợ Phụ nữ và Trẻ em đã chia cắt hai cha con vào ngày sinh nhật 7 tuổi của Lucy. Lí do vì Sam chỉ có IQ của một đứa trẻ lên 7, trong khi Lucy ngày càng thông minh nên anh không có khả năng nuôi con nữa.
Phải xa đứa con bé nhỏ, Sam gần như gục ngã nhưng nhờ tình yêu lớn lao dành cho con gái, anh không bỏ cuộc mà đấu tranh tới cùng để giành quyền nuôi Lucy.
Bộ phim về tình yêu của người cha thiểu năng dành cho con gái đã lay động cả khán giả lẫn những nhân vật trong phim.
Với vai diễn Sam, nam diễn viên Penn đã được đề cử Giải Oscar cho Nam diễn viên chính xuất sắc nhất tại Giải Oscar lần thứ 74 năm 2002.
Bộ phim cũng mở đầu cho sự nghiệp của diễn viên nhí Dakota Fanning. Cô trở thành diễn viên nữ trẻ nhất được đề cử của Giải thưởng của Nghiệp đoàn Diễn viên Màn ảnh.
Theo chân hạnh phúc
Bộ phim nói về hai cha con nhà Chris đã khiến nhiều khán giả cảm động. Chris phải vật lộn với cuộc sống khó khăn để tìm một mái nhà cho anh và cậu con trai 5 tuổi. Ngay trong những hoàn cảnh khó khăn nhất, tình yêu thương của cha - con đã trở thành ánh sáng để dẫn lối giúp anh vượt qua và tiến lên.
Khi bị đuổi ra khỏi nhà, khi 2 cha con phải ngủ tại nhà vệ sinh công cộng, khi anh chạy đến nơi dự tuyển trong bộ độ đầy sơn,… tất cả đã làm toát lên sự quật cường và khát khao cháy bỏng của một người cha muốn trở thành chỗ dựa vững chắc cho con, muốn con có một cuộc sống tốt đẹp hơn.
Hai cha con nhà Chris đã mang tới khán giả một thông điệp sâu sắc về hạnh phúc.
Bảo mẫu Doubtfire
Thời điểm năm 1993, điện ảnh vẫn còn đang phát triển thì bộ phim Bảo mẫu Doubtfire đã thu về tới 441 triệu USD tiền vé, giành 1 giải Oscar và 7 giải thưởng khác của các hiệp hội phê bình điện ảnh.
Đến nay, sau hơn 20 năm Bảo mẫu Doubtfire vẫn là bộ phim đáng xem về tình cảm cha con.
Daniel Hillard, người đàn ông tuổi trung niên thất nghiệp, phải vật lộn với cuộc sống và buộc phải xa các con do vợ nhất quyết đòi li hôn. Daniel có thể không phải là một người chồng tốt, nhưng lại là một người cha hết mực thương yêu con.
Mỗi tuần được gặp con một lần là không đủ đối với người bố hết lòng yêu con này. Vì vậy mà Daniel đã đóng giả làm một bà quản gia già nua, bà Doubtfire để được chung sống và chăm sóc các con. Diễn xuất của Robin Williams trong phim đã chinh phục được các nhà phê bình và tất thảy khán giả thời điểm đó.
Robin Williams đã thuyết phục hoàn toàn những khán giả khó tính nhất bởi vai diễn trong bộ phim này.
An Nhiên
Theo Vietnammoi