Giải thưởng văn hóa Phan Châu Trinh vừa được công bố đã nhận được sự đồng thuận 100% của bảy thành viên hội đồng khoa học cũng như sự hưởng ứng khá nồng nhiệt của nhiều người trong giới.
Giải thưởng văn hóa Phan Châu Trinh vừa được công bố đã nhận được sự đồng thuận 100% của bảy thành viên hội đồng khoa học cũng như sự hưởng ứng khá nồng nhiệt của nhiều người trong giới.
Bà Nguyễn Thị Bình - chủ tịch hội đồng quản lý Quỹ văn hóa Phan Châu Trinh - cùng GS Philippe Langlet (bìa trái)
và GS Lê Thành Khôi tại lễ trao giải ở Pháp hôm 21-3 - Ảnh: VOV
“Áp lực của sự tin cậy và kỳ vọng” - GS.TS Chu Hảo, phó chủ tịch Quỹ văn hóa Phan Châu Trinh và giải thưởng văn hóa Phan Châu Trinh, đã phát biểu như vậy khi được hỏi về “áp lực lớn nhất mà hội đồng giải thưởng phải chịu trong quá trình lựa chọn và xét giải” tại cuộc tọa đàm chiều 25-3 xung quanh các tác giả và tác phẩm nhận giải thưởng năm nay.
Bền bỉ cho những chuyển động
Giải Vì sự nghiệp văn hóa và giáo dục năm 2012 (năm 2011 được trao cho ông Nguyễn Sự của phố cổ Hội An) được trao cho bà Bùi Trân Phượng - hiệu trưởng Trường ĐH Hoa Sen, người đã tập hợp được một tập thể sư phạm đa dạng - các nhà giáo cả đời gắn bó với sự nghiệp giáo dục, các nhà doanh nghiệp, các giáo sư quốc tế, Việt kiều, các bạn trẻ say mê nghiên cứu và giảng dạy. Theo GS Chu Hảo, “trong thảm họa giáo dục và tình trạng bi đát của các ĐH ngoài công lập hiện nay, ĐH Hoa Sen là một trong số rất ít ĐH có học phí cao nhưng được xã hội chấp nhận bởi những tư duy mới, tiên tiến về giáo dục và về ĐH cùng những giải pháp cụ thể nâng cao giá trị văn hóa tinh thần của một trường ĐH VN”.
Người cùng nhận giải Vì sự nghiệp văn hóa và giáo dục năm nay là một người còn rất trẻ: Vũ Đức Hiếu - thường được giới mỹ thuật gọi thân mật là Hiếu Mường. Anh sinh năm 1977, là người trẻ nhất nhận giải này cho đến nay. Những gì anh làm được mới chỉ ở giai đoạn đầu tiên của chặng đường dài khó khăn, nhưng chỉ với một Bảo tàng Không gian văn hóa Mường (Hòa Bình) - bảo tàng tư nhân đầu tiên về một nền văn hóa bản địa ít nhất có 10.000 năm tuổi, giám đốc Vũ Đức Hiếu đã xây dựng được một địa chỉ nghệ thuật đương đại bắt đầu được biết đến trong bản đồ nghệ thuật ASEAN, đồng thời góp phần xuất sắc bảo tồn các giá trị văn hóa dân tộc Mường.
Giải thưởng Dịch thuật trao cho dịch giả Phạm Nguyên Trường (bút danh của ông Phạm Duy Hiển) - người đã chuyển ngữ thành công hàng loạt tác phẩm của Heyek, Mises, G. Butler, Mahan... Suốt một thời gian dài lặng thầm miệt mài và kiên định, ông đã đưa đến cho các tầng lớp độc giả VN một khối lượng tri thức vừa hết sức quan trọng, vừa mới mẻ, cập nhật, góp phần vào sự chuyển động của tư duy xã hội, cũng là sự phát triển của đất nước. Giải Dịch thuật cũng đồng thời được trao cho Chu Tiến Ánh - một trong nhiều dịch giả ẩn danh bền bỉ dịch các tác phẩm kinh điển thế giới suốt 50 năm nay. Thành tựu trọng tâm của ông là bộ sách lớn của Edgar Morin, với ba cuốn trong bộ bảy cuốn La methode (Phương pháp).
Cũng như giải Dịch thuật, giải VN học trao cho một tên tuổi rất ít người VN biết đến: GS Philippe Langlet. Bảo vệ thành công luận án tiến sĩ về lịch sử VN năm 1969, từ đó đến nay ông chuyên tâm dành thời gian và sự nghiệp khoa học của mình cho VN. Công trình nghiên cứu địa bộ của Nhà nước VN 1804-1836 cũng như nhiều công trình khác đưa ông trở thành một trong những tên tuổi hàng đầu trong giới VN học.
Giáo sư Lê Thành Khôi, Việt kiều tại Pháp, được trao giải Nghiên cứu vì những cống hiến nghiên cứu bác học trong quá trình chiêm bái các nền văn hóa từ Đông sang Tây.
Cần trẻ hóa và chuyên nghiệp hóa
GS Chu Hảo cho biết: “Sau sáu năm ra đời và tồn tại, giải thưởng văn hóa Phan Châu Trinh ngày càng nhận được sự quan tâm, ủng hộ và kỳ vọng của xã hội, nhất là tầng lớp trí thức trẻ. Vì thế, mỗi thành viên hội đồng đều ý thức rất rõ điều đó trong quá trình đề cử, lựa chọn, trao giải để đảm bảo trung thành với tôn chỉ mục đích ban đầu của giải thưởng”.
Tuy nhiên, ngoài áp lực về chuyên môn mà ông nói tuy có lo lắng, nhưng ông không thấy nặng nề bằng việc tìm cách nhân rộng tầm ảnh hưởng xã hội của các tác phẩm đoạt giải: “Những tác phẩm kinh điển được dịch công phu, bằng tất cả tâm huyết và trí tuệ nhưng chỉ in được 2.000 bản, trong khi chúng ta có hơn 80 triệu dân. Thật là một nan đề với những người lãnh đạo quỹ. Một phần do tình trạng xuống cấp của văn hóa - giáo dục trong xã hội, phần nữa do khủng hoảng kinh tế, người muốn đọc sách thì không có tiền. Chúng tôi phải tìm mọi cách để có thể duy trì quỹ cho dịch thuật, in ấn cũng như quỹ cho giải thưởng. Nhưng văn hóa mạnh thường quân ở ta ngày càng xa với bản chất ban đầu của nó. Giờ các nhà tài trợ chỉ thích bỏ tiền vào những gì khuếch trương tên tuổi họ trực tiếp nhất, nhanh nhất mà thôi, như hoa hậu và bóng đá chẳng hạn”.
Theo GS Chu Hảo, để tiến tới hoạt động của quỹ một cách chuyên nghiệp và bài bản hơn, như các quỹ văn hóa quốc tế khác, cần có một bộ máy am hiểu về tài chính: vận động tài trợ, đầu tư lấy lãi để lấy tiền dành cho giải thưởng.
Cũng trong tiêu chí đó, ba thành viên của hội đồng khoa học mới được bổ sung theo lời mời của chủ tịch quỹ Nguyễn Thị Bình là TS Nguyễn Kim Sơn - phó giám đốc ĐHQG Hà Nội, TS Nguyễn Đức Thành - thành viên tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng, TS Vũ Thành Tự Anh - giám đốc điều hành quỹ Fulbright VN (hai trong ba thành viên là các nhà kinh tế trẻ nổi tiếng) sẽ tạo một luồng gió mới, một sức sống mới cho Quỹ văn hóa Phan Châu Trinh cũng như giải thưởng văn hóa Phan Châu Trinh - một giải thưởng vốn đã có uy tín với xã hội, nay cần thêm một cách thức mới để chung sống với áp lực của sự tin cậy và kỳ vọng.
Giải thưởng văn hóa Phan Châu Trinh nằm trong khuôn khổ Quỹ văn hóa Phan Châu Trinh, mang tên nhà văn hóa Phan Châu Trinh (1872-1926), người chủ trương “Khai dân trí, chấn dân khí, hậu dân sinh”. Bên cạnh chương trình tài trợ và hỗ trợ dịch thuật các tác phẩm thuộc dự án Tủ sách tinh hoa tri thức thế giới, quỹ có nhiều hoạt động văn hóa khác, đặc biệt là việc khuyến khích, tôn vinh các công trình nghiên cứu văn hóa đặc sắc; tổ chức phổ biến các giá trị văn hóa VN và thế giới.
Ngoài giải VN học và giải Nghiên cứu đã được trao tại Pháp hôm 21-3 do hai vị giáo sư đoạt giải vì lý do sức khỏe không thể đến lễ trao giải tại VN, các giải thưởng còn lại sẽ được tổ chức trao tại TP.HCM vào tối 29-3.
L.ĐIỀN
|
Theo TTO