Sự kiện hot
13 năm trước

Những dự báo giá cả đáng chú ý trong tuần này

Giá vàng có khả năng sẽ giảm, giá dầu sẽ biến động theo tình hình địa chính trị ở Iran và Nigeria, giá nông sản có thể tiếp tục thoái lui do đồng Euro xuống giá sau động thái của Standard & Poor's là những dự báo giá cả hàng hóa đáng chú ý trong tuần này.

Giá vàng có khả năng sẽ giảm, giá dầu sẽ biến động theo tình hình địa chính trị ở Iran và Nigeria, giá nông sản có thể tiếp tục thoái lui do đồng Euro xuống giá sau động thái của Standard & Poor's là những dự báo giá cả hàng hóa đáng chú ý trong tuần này.

Động thái hạ bậc tín nhiệm của Standard & Poor's dự kiến sẽ trở thành nhân tố quan trọng ảnh hưởng tới giá cả nhiều mặt hàng trong tuần này.

Giá vàng có thể giảm sâu

Trong số 24 nhà đầu tư, nhà quản lý tài chính tham gia khảo sát giá vàng hàng tuần của Kitco, có tới 11 người cho rằng, giá vàng trong tuần này sẽ giảm, so với 6 người dự báo giá tăng và 7 người nhận định giá kim loại quý sẽ đi ngang. Lý do giá vàng giảm, theo các chuyên gia này, là bởi sự điều chỉnh kỹ thuật và đồng USD tăng giá mạnh so với Euro.

Darin Newsom, chuyên gia phân tích của Televent DTN nhận định, “Theo tôi, giá vàng có thể giảm nhẹ trong tuần này, tôi không cho là giới đầu tư sẽ bán tháo vàng, nhưng lực tăng giá của kim loại này đang đuối đi. Trong tuần qua, giá vàng vấp phải ngưỡng kháng cự 1.665 USD/oz và đã không vượt qua được”.

Cuối tuần trước, do chịu tác động mạnh từ diễn biến mới ở châu Âu khi Standard & Poor's hạ bậc tín dụng của 9 quốc gia khu vực đồng tiền chung Euro, giá vàng kỳ hạn tháng 2 trên sàn Comex ở New York đã trượt giảm 16,9 USD, tương ứng 1%, xuồng 1.630,8 USD/ounce. Trước đó giá còn xuống 1.625,7 USD. Tuy nhiên, tính cả tuần, vàng kỳ hạn tăng 0,9%.

Theo ông Newsom, giá vàng có thể giảm về ngưỡng hỗ trợ 1.610 USD/oz trước khi bình ổn trở lại. Chuyên gia này cũng cho rằng, bên cạnh áp lực giảm giá về kỹ thuật, vàng còn có khả năng giảm giá về những lo ngại sau khi hãng định mức tính nhiệm Standard & Poor’s hạ điểm tín nhiệm nợ công của 9 nước châu Âu.

Có cùng quan điểm với nhà phân tích của Televent DTN, chuyên gia đánh giá hàng hóa cao cấp Mike Zarembski, cũng cho rằng, giá vàng giảm trong tuần tới do yếu tố kỹ thuật và việc nhiều nước châu Âu bị hạ xếp hạng tín dụng, mức giá sẽ lui về 1.610 - 1.615 USD/ounce.

Ông Zarembski chỉ rõ, thay vì được hưởng lợi với tư cách một “vịnh tránh bão” như truyền thống, giá vàng đang diễn biến cùng chiều với giá các hàng hóa cơ bản khác, ngược chiều với đồng bạc xanh. Trong khi đó, đồng bạc xanh đang được hưởng lợi từ những lo ngại liên quan tới châu Âu.

Trong khi đó, George Gero, Phó chủ tịch RBC Capital Markets cho rằng, giá có thể đi lên sau đợt bán tháo hôm 13/1 kèm theo những lo lắng về nợ công châu Âu. Khi tình hình nợ công trở nên rõ ràng hơn, thì việc mua vào sẽ xuất hiện. “Làn sóng bán vừa qua chỉ là một thời điểm nhất định và chủ yếu là tác động yếu tố kỹ thuật".

Còn Jeffery Nichols, Cố vấn kinh tế cao cấp của Rosland Capital thì cho rằng, những căng thẳng ở vùng Vịnh xoay quanh tình hình Iran sẽ là cơ hội giúp giá vàng đi lên. Ngoài ra, nhu cầu vàng của Trung Quốc trước thời điểm Tết Nguyên đán đang đến gần, thêm vào việc lạm phát giảm có thể sẽ có những nới lỏng tiền tệ từ nước này sẽ góp phần hỗ trợ vàng.

Giá dầu sẽ nhiều biến động

Thị trường dầu thô tuần qua đã giảm 2,8% sau khi những căng thẳng về việc châu Âu trừng phạt ngành dầu mỏ Iran được giảm bớt. Thêm vào đó, việc Standard & Poor's hạ bậc tín dụng của 9 nước thành viên Khu vực đồng tiền chung châu Âu khiến giá USD tăng mạnh phiên cuối tuần cũng tạo thêm áp lực cho mặt hàng năng lượng này.

Tuy nhiên, theo đánh giá của giới phân tích, thị trường dầu trong tuần này sẽ có nhiều biến động, nếu các vấn đề địa chính trị trên thế giới lại nổi lên và trở thành yếu tố quyết định giá năng lượng.

Theo Reuters, tờ Sharq dẫn lời Đại diện của Iran tại Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) Mohammad Ali Khatibi, cho biết Tehran hôm 15/1 đã cảnh báo các quốc gia láng giềng không nên nâng sản lượng dầu thô để thay thế cho lượng dầu mỏ của Iran, trong trường hợp Liên minh châu Âu áp đặt lệnh cấm nhập khẩu dầu mỏ của nước này.

Trong một cuộc trả lời phỏng vấn báo trên, ông Khatibi nói: "Những hậu quả liên quan đến vấn đề này là rất khó lường. Vì vậy, các nước láng giềng Arab không nên hợp tác với những kẻ lừa bịp đó (phương Tây) và phải thông qua những chính sách khôn ngoan".

Trong một diễn biến khác, cuối tuần trước, Thứ trưởng Ngoại giao Nga, Sergey Ryabkov, hôm 14/1 lên tiếng cảnh báo các nước phương Tây rằng, việc sử dụng biện pháp quân sự với Iran sẽ là “một sai lầm lớn”, gây nên những ảnh hưởng nghiêm trọng đối với sự ổn định của khu vực và thế giới.

Trước đó, Trung Quốc cũng phản đối sử dụng biện pháp quân sự chống lại Iran. Trần Hiểu Đông, quan chức Bộ Ngoại giao Trung Quốc phát biểu, các biện pháp trừng phạt đơn phương sẽ chỉ làm gia tăng mâu thuẫn chứ không giải quyết được vấn đề và lệnh trừng phạt đơn phương đối với Iran sẽ làm tổn hại đến các quốc gia có quan hệ thương mại bình thường với Iran.

Ngoài vấn đề Iran, thị trường dầu mỏ tuần qua cũng chịu sức ép không ít từ nguy cơ ngành năng lượng của Nigeria - nước sản xuất và xuất khẩu dầu thô lớn nhất châu Phi, phải chấm dứt hoạt động sản xuất do cuộc bãi công của các công nhân ngành dầu mỏ nước này lại bước vào một đợt căng thẳng mới.

Theo Victor Shum, chuyên gia phân tích cấp cao tại công ty tư vấn năng lượng quốc tế Purvin and Gertz có trụ sở tại Singapore thì những vấn đề về nguồn cung liên quan đến địa chính trị một lần nữa lại nổi lên là nhân tố then chốt quyết định tới giá dầu. Ngoài Iran, tình hình tại Nigeria cũng đang là một điểm nóng.

Giá nông sản chịu áp lực từ USD

Tuần qua, nhiều mặt hàng nông sản giao dịch trên thị trường New York đã rơi vào cảnh mất giá khá mạnh, như ngô giảm 6,8%, lúa mì hạ 3,6% và đậu tương mất 3,2%. Tuy nhiên, đầu tư vào 11 hàng hóa nông sản tăng 8,7% lên 400.979 hợp đồng, cao nhất kể từ tuần kết thúc ngày 8/11. Dòng tiền chảy vào chủ yếu trong giai đoạn trước ngày 12/1.

Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp Mỹ công bố ngày 12/1, nguồn cung các hàng nông sản nước này nhiều hơn so với dự báo trước đó do được mùa thu hoạch trong khi nhu cầu thấp. Đi ngược với dự báo của giới đầu tư, giá nông sản giảm mạnh mẽ sau đó.

Giới phân tích dự báo, trong tuần này, giá các mặt hàng nông sản sẽ tiếp tục chịu áp lực từ dự báo nguồn cung từ Bộ Nông nghiệp Mỹ. Ngoài ra, việc đồng USD tăng giá sau động thái hạ bậc tín dụng 9 nước Khu vực đồng Euro cũng là một yếu tố quan trọng ảnh hưởng tới giá cả các mặt hàng này.

Theo kế hoạch, thị trường hàng hoá Mỹ sẽ đóng cửa nghỉ phiên 16/1 nhân ngày "Martin Luther King" (ngày thứ hai tuần thứ ba của tháng 1 hàng năm).

Diệp Anh
Theo VnEconomy

Từ khóa: