Thời gian gần đây xuất hiện tình trạng nhà thầu bất ngờ rút đơn kiến nghị về một số nội dung liên quan đến quá trình lựa chọn nhà thầu. Đằng sau việc rút đơn này có một nguyên nhân là sự thỏa hiệp, dọa dẫm và ép buộc từ nhiều phía khiến nhà thầu không còn lựa chọn nào khác.
Áp lực phải thỏa hiệp
Một nhà thầu tham gia đấu thầu gói thầu xây dựng dân dụng tại tỉnh Đắk Lắk đã có một trải nghiệm… khó quên khi lần đầu kiến nghị đấu thầu. Tại gói thầu mà nhà thầu này tham gia, bên mời thầu (BMT) có nhiều biểu hiện hạn chế cạnh tranh trong đấu thầu như: Hồ sơ mời thầu (HSMT) đưa ra các tiêu chí mang tính địa phương, cục bộ; cấm nhà thầu dự mở thầu… Do đó, nhà thầu đã gửi đơn kiến nghị, phản ánh đến nhiều cơ quan khác nhau, yêu cầu có sự vào cuộc để làm rõ những lình xình nói trên.
Đến lần kiến nghị thứ hai, nhà thầu buộc phải gửi đơn rút kiến nghị và chia sẻ với Báo Đấu thầu lý do là “thực sự mệt mỏi và quá nhiều áp lực” khi “mọi đường đi nước bước của mình đều bị đeo bám”. “Ngay từ khi gửi đơn kiến nghị, một số nhà thầu đã lùng sục và liên tục tìm tới thỏa hiệp với chúng tôi. Khi chúng tôi tỏ rõ quan điểm muốn làm rõ đúng sai thì họ chọn phương án khác. Họ làm việc trực tiếp với các chủ đầu tư truyền thống mà chúng tôi đấu thầu để đe dọa. Các chủ đầu tư này thực sự muốn mọi chuyện êm xuôi nên yêu cầu chúng tôi phải rút đơn”, nhà thầu cho biết.
Một nhà thầu ở Tiền Giang chia sẻ, khi dám đứng lên kiến nghị đấu thầu, nhà thầu đã tự khoác cho mình cái danh “không biết thân phận, không biết cư xử”. Do đó, để xảy ra việc rút đơn kiến nghị hoàn toàn là ngoài ý muốn của nhà thầu.
Nhà thầu này cho biết: “Các mối quan hệ thân hữu trong đấu thầu có rất nhiều chiêu để làm nản lòng, khiến nhà thầu rút đơn kiến nghị. Có chủ đầu tư ra mặt dọa dẫm. Có chủ đầu tư liệt ngay chúng tôi vào danh sách “đen” cấm thầu. Lại có chủ đầu tư gửi thông tin của chúng tôi đến với tất cả các chủ đầu tư khác trên địa bàn nhằm chặn đường đấu thầu”.
Tăng cường giám sát các gói thầu “rút đơn kiến nghị”
Tháng 1/2020, một nhà thầu tại Huế đã khiến quá trình kiến nghị đấu thầu gói thầu mua sắm trang thiết bị tin học nhà trường trị giá gần 17 tỷ đồng do tỉnh Kon Tum tổ chức lựa chọn nhà thầu rơi vào trạng thái… lửng lơ, khó xử lý. Theo đó, nhà thầu này kiến nghị quá trình tổ chức lựa chọn nhà thầu có nhiều bất cập như: HSMT có tính định hướng, hạn chế sự tham gia của các nhà thầu, hủy thầu không chính đáng, trả lời kiến nghị đấu thầu chiếu lệ… Tuy nhiên, khi gửi đơn kiến nghị lần thứ 3, nhà thầu này gặp ngay một đề nghị hóc búa.
Những “đề nghị” này, theo tìm hiểu của Báo Đấu thầu, là để đổi lấy việc “rút lui trong im lặng” của nhà thầu, BMT đồng ý giao cho nhà thầu trúng gói thầu sẽ mời thầu tiếp theo. Do biết trước nếu theo đuổi hành trình kiến nghị chưa chắc đem lại kết quả như mong muốn, nhiều nhà thầu chấp nhận dừng “cuộc chơi” giữa chừng.
Theo một chuyên gia về đấu thầu, việc nhà thầu giữa chừng rút đơn kiến nghị thể hiện rõ tính phức tạp trong công tác đấu thầu hiện nay. Những đơn kiến nghị bị rút giữa chừng dẫn tới khó khăn trong quá trình xử lý cho các cơ quan chức năng. Tuy nhiên, với những gói thầu để xảy ra tình huống này, càng cần sự theo dõi, giám sát, kiểm tra cũng như thanh tra của cơ quan quản lý nhà nước về đấu thầu. “Nếu không, cả các chủ đầu tư lẫn nhà thầu sẽ “nhờn luật”, coi kiến nghị cũng như xử lý kiến nghị là những thủ thuật để giao dịch lợi ích với nhau. Chỉ thị số 47/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ và Chỉ thị số 03/CT-BKHĐT của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư đều yêu cầu các bộ, ngành, địa phương đặc biệt lưu ý đến các gói thầu có tình trạng kiến nghị phức tạp, kéo dài. Bên cạnh đó, việc rút đơn kiến nghị hoàn toàn không làm thay đổi những vấn đề nảy sinh trong quá trình tổ chức lựa chọn nhà thầu trước đó. Do đó, với hiện tượng này, càng cần sự tham gia giám sát chặt chẽ để công tác đấu thầu thực sự nghiêm túc, minh bạch”, vị chuyên gia đánh giá.
Hải An
Theo Báo Đấu thầu