Dantin - Trung thu năm 2013 đang đến gần, tuy kinh tế cả nước đang gặp nhiều khó khăn nhưng trên thị trường vẫn xuất hiện nhiều mẫu bánh Trung thu “siêu khủng”. Những dòng bánh “khủng” dát vàng, nhân vi cá, bào ngư kèm theo rượu, hộp chè và ấm chén có giá từ 300 – 600 USD (khoảng 6 - 12 triệu đồng/hộp)
Dantin - Trung thu năm 2013 đang đến gần, tuy kinh tế cả nước đang gặp nhiều khó khăn nhưng trên thị trường vẫn xuất hiện nhiều mẫu bánh Trung thu “siêu khủng”. Những dòng bánh “khủng” dát vàng, nhân vi cá, bào ngư kèm theo rượu, hộp chè và ấm chén có giá từ 300 – 600 USD (khoảng 6 - 12 triệu đồng/hộp).
Sản phẩm Long Đình An Quý là hộp bánh đặc biệt cao cấp nhất của nhà hàng Long Đình mùa Trung thu năm nay.
Một hộp bánh bằng hai tấn thóc
Hiện nay, bánh Trung thu Vương Kim Tri Ngộ Ballantines 30 của khách sạn Hà Nội được coi là đắt nhất trên thị trường. Một hộp có 4 bánh to nhân sen trắng, hai lòng đỏ trứng mặn và 1 chai rượu Ballantines Whisky 30 năm có giá bán gần 600 USD(12 triệu đồng tiền Việt Nam). Nhiều người nhẩm tính theo giá thóc hiện nay với 5000đ/kg thì một hộp bánh tương đương với hai tấn thóc của người nông dân bán ra.
Ngoài ra, khách sạn Hà Nội cũng tung ra dòng bánh rẻ hơn như Vương Kim Tri Ngộ Ballantines 21 năm giá 6,698 triệu đồng; Kim Long Kết Nguyệt Chivas 21 giá 6,298 triệu đồng… Bên cạch đó cũng có nhiều mẫu bánh độc đáo khác của các thương hiệu lớn như bánh Trung thu dát vàng của khách sạn Sofitel Plaza, mặc dù giá của nó chỉ bằng gần một nửa loại bánh đắt nhất của khách sạn Hà Nội nhưng đây là sản phẩm hộp bánh rồng phủ vàng 24K và cá chép phủ vàng 24K, gồm 4 hoặc 8 chiếc, có giá từ 3,5 triệu đồng đến 6,5 triệu đồng/hộp. Khách sạn Hilton Opera cũng tung ra các sản phẩm nhưng cao nhất là hộp bánh VIP bạch kim với 4 bánh lớn, bộ ấm trà và rượu Hennessy, giá bán 3,8 triệu đồng…
Dòng bánh cao cấp đắt tiền này chủ yếu được khách hàng mua làm quà biếu, quà tặng. Còn bánh bình dân hiện nay vẫn là lựa chọn số 1 của nhiều gia đình. Theo đại diện của công ty cổ phần Bánh mứt kẹo Hà Nội thông tin trên báo chí thì năm nay sản lượng của công ty có thể tăng thêm 10% so với năm ngoái. Bánh Trung thu của công ty hướng tới khách hàng có mức thu nhập trung bình, giá một chiếc bánh nướng, bánh dẻo nhân thập cẩm dao động từ 40.000 – 50.000 đ/chiếc.
Công ty Kinh Đô cũng sản xuất dòng bánh có mức giá trung bình như bánh hạt sen 2 trứng, 4 trứng… để phục vụ đại bộ phận khách hàng, loại thấp nhất từ 25.000 – 35.000 đ/chiếc, loại bình quân từ 40.000 - 80.000 đ/chiếc… Các sản phẩm của Cty Hải Hà, Cty Hữu Nghị cũng dao động trong khoảng từ 30.000-80.000 đ/chiếc với thành phần vi cá và các jambon, lạp xưởng, gà quay, nhân dừa thập cẩm…
Trở về hương vị cổ xưa
Xu hướng quay trở lại với bánh Trung thu truyền thống cũng được nhiều người tiêu dùng lựa chọn. Nhiều cửa hàng bánh Trung thu gia truyền trên phố Thụy Khuê, quận Tây Hồ, Hà Nội lúc nào cũng đông nghịt người mua.
Nhà hàng bánh Trung thu cổ truyền Bảo Phương dịp Trung thu năm nào cũng đông khách.
Chị Đinh Phương Thùy, 45, tuổi trú tại Xuân Đỉnh, Từ Liêm, Hà Nội cho biết: “Gia đình tôi rất thích ăn bánh gia truyền đơn giản vì bánh mới sản xuất, hương vị truyền thống đậm đà và giá thành hợp với thu nhập của mình. Năm nào chúng tôi cũng mua bánh truyền thống để biếu bố mẹ hai gia đình nội ngoại, nó gợi lại cho chúng tôi nhớ tới ký ức thời trẻ thơ”.
Ngược lại với các loại bánh hiện đại đầu tư vào bao bì, nhãn mác và gắn những “phụ kiện” kèm theo đắt tiền và xa xỉ như chè, rượu ngoại hay bộ ấm chén, nhân bánh sang trọng nhưng ít người mua thì dòng bánh Trung thu truyền thống tuy chế biến đơn giản lại được người tiêu dùng ưu ái lựa chọn. Chủ của hàng bánh Trung thu Bảo Phương trên đường Thụy Khuê cho biết: “Năm nay, lượng người mua luôn ở mức cao và luôn trong tình trạng cung không đáp ứng được cầu”.
Đứng giữa dòng người xếp hàng chờ mua bánh của cơ sở Bảo Phương số 183 đường Thụy Khuê, phường Thụy Khuê, quận Tây Hồ (Hà Nội) chị Lưu Phương Anh (Cầu Giấy) cho biết: “Tôi đã xếp hàng ở đây khoảng 1 tiếng đồng hồ từ lúc năm giờ chiều đến xẩm tối vẫn chưa đến lượt mua bánh. Năm nào tôi cũng chọn mua bánh ở đây vì bánh ở đây rất thơm ngon hợp khẩu vị, giá cả cũng phù hợp. Cả nhà tôi thích ăn bánh cổ truyền vì ăn không bị ngọt quá, nói chung là dễ ăn và rất thơm; chứ không như các loại bánh khác, vừa ngấy vừa béo”.
Anh Nguyễn Văn Tiến (Hà Đông) mua được hai hộp bánh Trung thu cổ truyền, đã chia sẻ: “Bây giờ nhiều người như tôi rất thích ăn bánh cổ truyền do bánh có ngũ nhân, hương liệu truyền thống như dừa, mứt, mỡ khẩu, vừng, hạt sen, cảm nhận ăn ngon hơn, chứ các loại bánh Trung thu hiện đại mặc dù bao bì rất đẹp, rất bắt mắt, chất lượng cũng tốt nhưng ăn nhiều dễ ngấy, béo và không loại nào có được vị đậm đà đặc trưng như các loại bánh Trung thu cổ truyền”.
Không chỉ những người lớn tuổi có gia đình mới quan tâm tới những chiếc bánh Trung thu truyền thống mà có rất nhiều bạn trẻ xếp hàng để mua cho mình chiếc bánh nướng, bánh dẻo nhân thập cẩm ngũ vị. Bạn Nguyễn Thị Tuyết sinh viên trường ĐH Tài nguyên và Môi trường có nhà ở gần cầu Thăng Long cho biết: “Mình cũng ăn nhiều loại bánh Trung thu rồi, nhân vi cá, bào ngư, gà quay… nhưng thấy bánh nhân thập cẩm cổ truyền là ngon nhất. Không bị béo hay ngọt quá mà rất vừa miệng”.
“Người già tìm đến bánh truyền thống vì không thể quên được hương vị đặc trưng này, mỗi miếng bánh như đưa họ trở về với không khí của những đêm rằm Trung thu khi còn thơ trẻ, với hương vị mùa thu Hà Nội xưa. Còn với người trẻ, họ muốn tìm đến hương vị nguyên bản của những chiếc bánh mà ông cha làm ra, lý giải chúng và để thêm hiểu hơn về thế hệ đi trước”, đại diện một cửa hàng bánh Trung thu cổ truyền cho biết.
Hồ Thành