Sự kiện hot
11 năm trước

Những người “hôi bia” ở Đồng Nai có thể bị xử lý hình sự

Hình ảnh những người khệ nệ ôm từng thùng bia, cười như đi “chảy hội” khiến nhiều người bức xúc, lên án. Trong khi đó, các chuyên gia pháp lý nhận định, hành vi "hôi bia" có dấu hiệu của tội “Công nhiên chiếm đoạt tài sản” theo Điều 137 (BLHS).


Chỉ trong chốc lát, số lượng bia đổ ra đường đã bị "cướp sạch"

Khoảng 13h ngày 4/12, tài xế Hồ Minh Mẫu (SN 1983, quê Bình Định) điều khiển xe tải BKS 79N-1348 chở đầy bia, lưu thông theo hướng Nam- Bắc trên quốc lộ 1A, khi đến khu vực vòng xoay Tam Hiệp (phường Long Bình, TP Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai), bất ngờ một xe ôtô khác cắt ngang qua đường khiến anh Mẫu hoảng hốt bẻ quặt tay lái khiến xe  tải lật nhào, hơn 1500 thùng bia trên xe đã đổ tràn xuống đường. Thế nhưng, thay vì cứu người gặp nạn, hàng chục người dân xung quanh đã ào ra “hôi bia”, mặc cho tài xế van xin, gào khóc. Do lượng người “hôi bia” quá lớn nên chỉ trong khoảng 15 phút, số lượng bia bị đổ xuống mặt đường đã bị người dân lấy mang đi hết.

Hành vi phản cảm trên khiến nhiều người bức xúc, lên án. Trong khi đó, theo quan điểm của luật sư Nguyễn Thu Anh (Đoàn luật sư Hà Nội), hành vi của những người tham gia "hôi bia" cấu hành tội "Công nhiên chiếm đoạt tài sản" theo Điều 137 (BLHS). Luật sư Thu Anh cho rằng, để có căn cứ xử lý vụ việc trên, CQĐT phải tiến hành thu thập các tài liệu, làm việc với người bị hại và cơ quan liên quan để xác định giá trị tài sản bị thiệt hại; ngoài ra, cơ quan chức năng sẽ phải rà soát lại khu vực xảy ra vụ “hôi bia” để thu thập chứng cứ; lấy lời khai nhân chứng củng cố hồ sơ nhằm xác định những người có liên quan. Từ chứng cứ thu thập được, cơ quan công an có thể sẽ xem xét khởi tố vụ án “công nhiên chiếm đoạt tài sản” để điều tra, làm rõ những người đã tham gia "hôi bia".

Luật sư Thu Anh nhận định: "Đối với những người lấy bia, nếu tài sản chiếm đoạt có giá trị từ 500.000 đồng trở lên thì sẽ bị xử lý hình sự về tội "Công nhiên chiếm đoạt tài sản". Chủ thể của hành vi này là họ công khai chiếm đoạt tài sản của người khác, nghĩa là họ lợi dụng hoàn cảnh chủ tài sản không có điều kiện ngăn cản để chiếm đoạt tài sản. Nếu bị truy tố ở tội danh này, người phạm tội có thể chịu mức án cao nhất là “chung thân” nếu hành vi gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng”.

Điều 137. Tội công nhiên chiếm đoạt tài sản

1. Người nào công nhiên chiếm đoạt tài sản của người khác có giá trị từ năm trăm nghìn đồng đến dưới năm mươi triệu đồng hoặc dưới năm trăm nghìn đồng nhưng gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi chiếm đoạt hoặc đã bị kết án về tội chiếm đoạt tài sản, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tù từ sáu tháng đến ba năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm:

a) Hành hung để tẩu thoát;

b) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ năm mươi triệu đồng đến dưới hai trăm triệu đồng;

c) Tái phạm nguy hiểm;

d) Gây hậu quả nghiêm trọng.

3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ bảy năm đến mười lăm năm:

a) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ hai trăm triệu đồng đến dưới năm trăm triệu đồng;

b) Gây hậu quả rất nghiêm trọng.

4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ mười hai năm đến hai mươi năm hoặc tù chung thân:

a) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ năm trăm triệu đồng trở lên;

b) Gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.

Bình Minh
theo GĐ&XH

Từ khóa: